Vụ xét xử nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng làm thiệt hại 800 tỷ đồng khi góp vốn vào Ngân hàng TMCP Đại Dương chưa làm dư luận hết nguôi ngoai. Vụ bắt nguyên thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa, nguyên Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) và nguyên trung tướng Phan Văn Vĩnh, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, liên quan đường dây đánh bạc ngàn tỷ đồng vẫn chưa kịp lắng xuống, cách đây 2 ngày, một vụ khác lại làm rúng động dư luận khi cơ quan điều tra khởi tố 2 cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến cùng nguyên trung tướng Phan Hữu Tuấn, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo Bộ Công an, vì liên quan tới vụ án Vũ “nhôm” (tức Phan Văn Anh Vũ). Họ toàn là những cán bộ giữ cương vị cao, rất cao. Lửa trong lò đã đỏ rực lên nhiều rồi - người dân nói thế.
Vụ án càng mở rộng càng lộ diện những kẻ cầm đầu, tiếp tay hay kẻ bảo kê ít ai ngờ tới và tưởng như không ai dám động tới. Người dân nức lòng vì từ nay không có “vùng cấm”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có nhận định: “Công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng giờ đây đã trở thành phong trào, xu thế, tạo được dấu ấn tốt, lan tỏa rộng rãi, củng cố niềm tin trong nhân dân”. Thực tế còn chỉ ra, đẩy mạnh chống tham nhũng chỉ làm cho Đảng ta vững mạnh. Ngẫm lại, chúng ta càng thấm thía lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Một đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một đảng hỏng. Một đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”.
Khi soi lại công tác xây dựng Đảng qua các vụ án kinh tế trọng điểm và ngay trong lực lượng công an, cho ta nhiều bài học sâu sắc. Lâu nay, người dân băn khoăn: việc bổ nhiệm cán bộ phải qua rất nhiều khâu thẩm tra, giám sát chặt chẽ, trong đó có Ban Tổ chức, nhất là bộ phận bảo vệ nội bộ, Ủy ban Kiểm tra nắm dấu hiệu vi phạm; Ban Tuyên giáo nắm bắt tư tưởng cán bộ; Ban Cán sự Đảng, Đảng ủy khối hay cơ quan làm việc quản lý sinh hoạt đảng viên, chuyên môn đến đơn vị quản lý ngành dọc, nhận xét của chi bộ nơi cư trú về quan hệ với quần chúng… nhưng chẳng hiểu sao số cán bộ thoái hóa vẫn chui lọt bộ máy? Vậy những cán bộ ở các cơ quan thẩm tra đó, người đứng đầu cấp uỷ đó có phải chịu trách nhiệm không? Làm thế nào để “nhốt” quyền lực vào trong lồng cơ chế, luật pháp như mong muốn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng? Tham nhũng bắt nguồn từ quyền lực. Nhưng hiện nay quyền lực thiếu tính ràng buộc, thiếu quy định trách nhiệm tương ứng. Quyền lực quá tập trung làm cho cán bộ có khả năng vượt quyền, lạm quyền. Quyền lực thiếu sự giám sát, trong khi chế độ quản lý ràng buộc từ trên xuống bị giảm sút, còn giám sát từ dưới lên chưa phát huy tác dụng và giám sát cùng cấp không chân thực.
Người dân tự hỏi, đáng lẽ ra những người giữ chức vụ cao nhận được sự giáo dục lâu dài của Đảng, lại từng trải, có kiến thức sâu rộng, có thực tiễn, bản lĩnh chính trị vững vàng và luôn được nhiều người “để mắt” tới, thì khó mà vấp ngã? Có một nghịch lý, trong thể chế quyền lực hiện nay dường như địa vị càng cao, quyền lực càng lớn lại chịu sự giám sát quản lý càng ít. Điều này chỉ ra rằng, quyền giám sát và quyền được giám sát đang mất cân bằng rõ rệt, làm hạn chế cơ quan giám sát.
Khuyết điểm phổ biến ở nhiều tổ chức Đảng là tình trạng nể nang, né tránh khi phê bình lãnh đạo. Hầu như phê bình chỉ để cho có và cũng chỉ là những lời đưa đẩy cho vừa lòng nhau, nhưng sự thật ẩn sâu trong đó là sự che đậy, dối trá. Cái mà không ít người gọi đó là sự “khôn ngoan” đã thủ tiêu ý chí đấu tranh, tinh thần dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Nguy hiểm hơn nữa, nó làm tăng nguy cơ thoái hóa trong Đảng. Tham nhũng tiêu cực ở nhiều đơn vị xảy ra công khai, quy mô lớn, trong thời gian dài thực ra không phải che mắt hết tất cả, thậm chí có nơi biết rất rõ vụ việc nhưng không phải ai cũng có gan nói ra. Nguyên nhân bởi chúng ta chưa có cơ chế hữu hiệu để bảo vệ người chống tham nhũng, nói cách khác, công tác tổ chức, lãnh đạo chưa tạo điều kiện thuận lợi hoặc người lãnh đạo chưa gương mẫu hay chưa đủ độ tin cậy để họ gửi gắm lòng tin. Khi mất lòng tin, dễ làm mất tất cả.
Cốt lõi sâu xa chính là thiếu dân chủ trong Đảng, không chỉ trong quan hệ cấp trên với cấp dưới mà cả quan hệ Đảng với nhân dân. Ở rất nhiều nơi, mất dân chủ một cách trầm trọng. Chỉ có dân chủ thật sự trong Đảng thì những đảng viên có trách nhiệm mới dám nói thẳng, nói thật, đồng thời những đảng viên mắc khuyết điểm, nhất là người đứng đầu mới thật sự cầu thị, lắng nghe những ý kiến đóng góp của đảng viên, quần chúng.
Sắp tới, các cấp ủy kiểm điểm giữa nhiệm kỳ đại đội Đảng các cấp (2015-2020), trong đó có công tác cán bộ. Việc “đốt lò” ở nhiều nơi cũng là dịp để sàng lọc, chấn chỉnh lại đội ngũ, đồng thời rà soát quy hoạch, chuẩn bị nhân sự nhiệm kỳ tới. Việc chọn đúng người để bố trí công việc tương xứng không chỉ phát huy được năng lực, sở trường của từng người, mà còn góp phần phòng, chống tiêu cực, tham nhũng ngay từ công tác cán bộ, đồng thời cũng góp phần ngăn chặn, đẩy lùi từ xa sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên.