Tiếp xúc cử tri Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng:
(SGGPO).- Ngày 6-10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các thành viên đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội đã có các cuộc tiếp xúc với cử tri Hà Nội để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 8 của Quốc hội.
Tại cuộc tiếp xúc, cử tri Hà Nội đề nghị Quốc hội tiếp tục quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp, quản lý đô thị, tái cơ cấu kinh tế, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, công tác cán bộ, triển khai thực hiện Luật Thủ đô Hà Nội…
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri Hà Nội
Chia sẻ những bức xúc của cử tri về vấn đề phòng, chống tham nhũng, Tổng bí thư cho rằng đây là cuộc đấu tranh đòi hỏi kiên trì, quyết liệt: “Lãnh đạo Đảng đã nói rồi, không ai bật đèn xanh, dung túng cho tham nhũng, lãng phí cả. Nhưng chỉ có điều là nó quá phức tạp và quá khó. Có những cái ta muốn nhưng chưa làm ngay được. Do đó, phải làm kiên quyết, kiên trì bằng cơ chế, bằng luật pháp để muốn tham nhũng cũng không tham nhũng được”.
Tổng bí thư cũng cho hay, một trong những biện pháp để phòng chống tham nhũng đã tiến hành là kê khai tài sản. Ông thẳng thắn công nhận, việc kê khai thời gian qua vẫn còn hình thức, không giám sát được. Bên cạnh đó, phát hiện tham nhũng đã khó, nhưng xử lý như thế nào cũng không dễ dàng. Có những vụ án muốn xử nhanh nhưng thực tế phải trải qua rất nhiều công đoạn, chằng chịt những mối quan hệ phức tạp, câu kết, móc ngoặc với nhau, lợi ích nhóm…
“Chúng ta làm rất kiên quyết, nhưng phải bình tĩnh, tỉnh táo, làm lâu dài, giữ cho được ổn định đất nước để phát triển chứ giũ tung lên tất cả, thì có nguy cơ gây mất niềm tin, nghi kỵ lẫn nhau, rối loạn sẽ rất nguy hiểm… Phải bình tĩnh, tỉnh táo, khôn ngoan, có con mắt chiến lược. Bác Hồ đã dạy, cha ông ta cũng đã dạy, đánh chuột đừng để vỡ bình. Tức là phải giữ cho được sự ổn định”, Tổng bí thư nhấn mạnh.
Trả lời phản ánh của cử tri Đặng Tài Tính (quận Ba Đình) cho rằng, cán bộ từ trung ương đưa về địa phương chưa ấm chỗ lại rút về trung ương, vừa không đủ để cán bộ năm bắt thực tế, vừa làm đảo lộn công tác cán bộ ở địa phương, đồng chí Nguyễn Phú Trọng cho rằng, công tác cán bộ là vấn đề gốc, luôn được Đảng ta coi trọng. Luân chuyển xuống địa phương là việc làm vừa chống cục bộ địa phương, vừa tạo cơ hội rèn luyện cán bộ. Nhưng đi là có quy định, chứ không phải xuống được một thời gian rồi rút lên, như “chuồn chuồn đạp nước”, “lấy cái mác rồi về”.
“Về địa phương phải có quy định, tối thiểu 3 năm, chứ không phải đi về là được đề bạt lên đâu. Đi làm có tốt hay không, đây là kế hoạch có thử thách. Tuy nhiên, cá biệt có trường hợp nào đấy, vì yêu cầu bố trí cán bộ, không có người nào khác bố trí thì mới phải rút về trước thời hạn, còn đã đi phải ít nhất 3 năm”, Tổng bí thư khẳng định.
Nhiều vấn đề quan trọng khác, như phát triển nông nghiệp, nông thôn, tăng cường tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật… cũng đã được Tổng bí thư thẳng thắn trao đổi với cử tri. Tổng bí thư cũng đồng tình với kiến nghị của cử tri về việc tiếp tục quan tâm thích đáng cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân; về sự cần thiết phải đầu tư phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia…
ANH THƯ