Đã từ nhiều năm nay, phải đi qua ngã sáu Gò Vấp (đường Nguyễn Oanh, Quang Trung, Nguyễn Thái Sơn, Nguyễn Kiệm…) vào giờ cao điểm là… “nỗi sợ hãi” của nhiều người dân TPHCM. Dòng xe ùn ứ trên hầu hết các tuyến đường đi vào nút này. Thời gian đi qua nút, trong điều kiện có lực lượng cảnh sát giao thông điều phối, nhiều khi phải đến gần nửa tiếng. Chính vì vậy, Khu quản lý giao thông đô thị số 3 thuộc Sở Giao thông Vận tải TPHCM khởi công xây dựng cầu vượt qua đây đã làm cho nhiều người dân vui mừng. Thế nhưng, “niềm vui chẳng tày gang”, ngay sau khi khởi công, hơn một nửa diện tích mặt đường của nhiều tuyến đường trong khu vực được rào lại để thi công cầu vượt, đã làm cho giao thông qua đây đã khó khăn còn khó khăn hơn trước.
Những ngày đầu tuần, phóng viên Báo SGGP đã ghi nhận tình trạng ùn ứ chưa từng có ở đây. Người và phương tiện từ hướng đường Quang Trung, Nguyễn Oanh, Phạm Ngũ Lão đổ về nút đông nghẹt. Nhiều người điều khiển xe gắn máy 2 bánh phải lấn cả lên vỉa hè để đi song cũng chỉ nhích được từng chút. Niềm vui sắp có cây cầu vượt mới của nhiều người đã nhanh chóng “xẹp” xuống khi họ nhận ra rằng, cùng với việc đầu tư xây cầu vượt, nhiều khu dân cư mới gần đó cũng sắp hoàn thành.
Chưa kể khu vực quận Gò Vấp, 12, huyện Hóc Môn… vốn dĩ có nền đất tốt, giá đất còn rẻ đã đang và sẽ thu hút rất nhiều người từ các địa phương khác đến sinh cơ lập nghiệp. Lưu lượng người đi qua đây chắc chắn sẽ tăng theo đà này và đến lúc cầu vượt xây xong, không biết có trở nên lạc hậu so với nhu cầu đi lại của người dân?
Cho rằng người dân không nên quá bi quan bởi thời gian xây cầu vượt chỉ khoảng 1 năm (dự kiến hoàn thành vào quý 2-2017), chắc chắn trước mắt sẽ giúp giảm tải cho các tuyến đường ở đây, nhưng nhiều chuyên gia về giao thông cũng đánh giá, e ngại của người dân là có cơ sở. Tình trạng ùn ứ giao thông vào các giờ cao điểm ở khu vực cầu vượt Hoàng Hoa Thám, phường 13 quận Tân Bình gần đó là minh chứng. Cây cầu này vừa mới được xây dựng và hoàn thành vào tháng 8-2013 nhưng đã nhanh chóng trở nên quá tải trước nhu cầu đi lại tăng cao trong khu vực.
Cũng như Gò Vấp, quận 12, huyện Hóc Môn… quận Tân Bình là nơi có mức độ tăng dân số cơ học cao. Không chỉ ở hướng Bắc, Tây Bắc mà nhiều tuyến đường, nhiều cây cầu ở hướng Nam, Tây Nam như cầu Nguyễn Văn Cừ, cầu Khánh Hội, cầu Chữ Y, cầu Chánh Hưng… vừa mới được xây mới hoặc nâng cấp cách đây khoảng 10 năm đã trở nên quá tải so với nhu cầu đi lại của người dân. Người và xe “nhích từng bước một” là hình ảnh thường thấy trên các tuyến cầu, đường này.
Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa phủ nhận những nỗ lực đầu tư xây dựng công trình mới, đặc biệt là các cầu vượt tại các nút giao thông lớn nhằm giải quyết ách tắc giao thông của ngành chức năng. Điều mà nhiều người dân cũng như các chuyên gia băn khoăn là cách giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông của thành phố. Tốn hàng trăm thậm chí nhiều ngàn tỷ đồng mà không giải quyết căn cơ vấn nạn ùn tắc giao thông, hướng giải quyết vấn đề liệu có hợp lý?
Nhiều chuyên gia cho biết, hiện nay trên thế giới có khá nhiều quan điểm về phát triển đô thị bền vững nhưng riêng ở TPHCM, theo các đồ án quy hoạch phát triển đô thị TPHCM liên tục từ năm 1993 đến nay, việc phát triển đô thị vệ tinh với các trung tâm hành chính, kinh tế hoàn chỉnh nhằm giảm tải cho khu trung tâm hiện hữu là giải pháp được chọn lựa. Thế nhưng, chưa có đô thị vệ tinh nào được xây dựng. TPHCM phát triển như “vết dầu loang” với một trung tâm duy nhất ở khu vực quận 1, quận 3. Hậu quả, cứ vào giờ cao điểm sáng người dân ở các khu vực khác phải “ùn ùn” đi vào khu vực trung tâm và vào giờ cao điểm chiều thì trở về nhà. Các tuyến đường huyết mạch đi vào nội đô vì thế luôn trong tình trạng quá tải. Chưa kể, TPHCM chưa quản lý tốt sự phát triển của phương tiện giao thông cá nhân. Không những người dân TPHCM mua thêm xe mới mà cứ mỗi người dân ở các tỉnh khác vào thành phố sinh sống và làm việc đều mang theo một chiếc xe. Để rồi, giao thông quá tải ở nơi nào thì ngành chức năng cố gắng thu xếp kinh phí để làm cầu vượt hoặc xây thêm đường. Nhiều chuyên gia về phát triển đô thị đã băn khoăn: cuộc “chạy đua” này không biết bao giờ sẽ chấm dứt khi mà cách thức quản lý và tổ chức không gian đô thị ở TPHCM vẫn diễn ra như hiện nay?
Vẫn biết, xây dựng đô thị vệ tinh là việc không thể một sớm, một chiều. Thế nhưng giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông bằng cách đi giải quyết hậu quả, theo nhiều chuyên gia, chỉ góp phần tạo ra những nguy cơ ùn tắc giao thông mới bởi lẽ khi thấy đi lại được dễ dàng, người dân sẽ lại… mua xe để đi. Và thế là cái vòng luẩn quẩn: ùn tắc, xử lý ùn tắc lại diễn ra.
NGUYỄN KHOA