Chiều ngày 14-11, Quốc hội đã thảo luận tại các tổ ĐB về dự án Luật Báo chí sửa đổi.
Luật cần cụ thể hóa quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí
Thẳng thắn nêu 3 yêu cầu mà ông cho là “cốt lõi” của Luật Báo chí sửa đổi lần này, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) nói: “Để triển khai Hiến pháp 2013 thì Luật cần tạo ra những cơ chế cụ thể để khuyến khích quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận và ngăn chặn những hành vi cản trở hoạt động báo chí đúng luật, nhưng qua nghiên cứu thì tôi thấy còn nhiều điểm cần bàn”.
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM)
Đơn cử, ở điều khoản quy định về các hành vi cấm đối với nhà báo, ĐB Nghĩa cho rằng, những nội dung này đều đã có khá đầy đủ trong Bộ luật Hình sự; trong khi lại có nhiều nội dung không cụ thể, khiến cho rủi ro bị phiền hà, bị xử phạt luôn lơ lửng trên đầu các nhà báo. “Nói cấm thông tin xuyên tạc lịch sử, nhưng lại không rõ thì chuẩn lịch sử ở đâu? Báo chí không bị kiểm duyệt là đúng, tiến bộ rồi, nhưng cần khẳng định là báo chí “có quyền đăng tải những thông tin, hình ảnh mà pháp luật không cấm”; công dân có quyền cung cấp thông tin cho nhà báo mà không bị cản trở bởi bất cứ cơ quan nào thì mới thể hiện đúng tinh thần Hiến pháp”, ĐB Trương Trọng Nghĩa đề xuất mạnh mẽ.
ĐB Nguyễn Văn Minh (TPHCM)
Tình trạng “nhiễu” thông tin, thông tin không chính xác trên các trang thông tin điện tử, trang mạng cá nhân cũng là một thực trạng được nhiều ĐBQH quan tâm cho ý kiến. ĐB Nguyễn Văn Minh (TPHCM) nêu vấn đề: “Hiện nay các trang mạng nở rộ, không coi là báo chí, không điều chỉnh trong luật này thì điều chỉnh bằng luật nào? Một số trang điện tử mạo danh các đồng chí lãnh đạo, mập mờ là trang cá nhân, nhưng đưa thông tin tổng hợp, nếu không quy định trong luật để xử lý thì không giải quyết được nhiều bức xúc hiện nay”.
ĐB Trần Thị Diệu Thúy (TPHCM)
Có quan điểm hơi khác, ĐB Trần Thị Diệu Thúy (TPHCM) cho rằng Luật không nên điều chỉnh các trang thông tin cá nhân, nhưng “phải tính đến các trang thông tin điện tử tổng hợp”.
Luật theo quy hoạch hay quy hoạch theo luật?
Đây là câu hỏi được các ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang, Trần Thị Diệu Thúy (TPHCM) đặt ra. ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang phát biểu: “Trong khi Luật chưa được thông qua thì Quy hoạch báo chí đã được phê duyệt, trong khi có nhiều vấn đề cần tranh luận. TPHCM hiện có rất nhiều cơ quan báo chí, trong đó có nhiều cơ quan thuộc ban ngành đoàn thể đang hoạt động có hiệu quả, tự chủ tài chính và có đóng góp cho ngân sách. Cần tính đến nét đặc thù này của địa phương, cũng nhưu đặc thù của từng lĩnh vực khác nhau khi lập quy hoạch”. ĐB Trương Trọng Nghĩa bày tỏ đồng tính với quan điểm này: “Quy hoạch phải theo hướng tạo điều kiện cho báo chí phát triển chứ không phải để hạn chế báo chí”.
Lưu ý đến tình hình thị trường báo chí hiện đang gặp rất nhiều khó khăn, các ĐB Diệu Thúy, Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TPHCM) kiến nghị áp dụng chính sách ưu đãi cao nhất về thuế cho các cơ quan báo chí.
Các vấn đề khác như việc cấp thẻ nhà báo, cấp giấy phép hoạt động cho VPĐD của cơ quan báo chí cũng được nhiều ĐBQH TPHCM cho ý kiến. ĐB Thùy Trang nhận định, dự thảo Luật quy định đến 7 nội dung cấp giấy phép và 4 nội dung phải thông báo với sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan quản lý nhà nước về báo chí là quá nhiều, làm tăng thủ tục hành chính, giảm tính chủ động của cơ quan báo chí. Về hiệu lực đối với giấy phép hoạt động báo chí là “10 năm kể từ ngày được cấp phép”, ĐB Thùy Trang cũng cho là không cần thiết, vì qua kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan báo chí, nếu phát hiện sai phạm thì có thể xử lý bằng cách đình chỉ hoặc chấm dứt hoạt động báo chí.
ANH PHƯƠNG - Ảnh: LÃ ANH