Luật Phòng, chống rửa tiền cần có các điều khoản về minh bạch hóa tài sản cá nhân

(SGGPO).- Dự án Luật Phòng, chống rửa tiền đã được Quốc hội xem xét, cho ý kiến trong phiên họp sáng nay, 15-11.
Luật Phòng, chống rửa tiền cần có các điều khoản về minh bạch hóa tài sản cá nhân
  • Xã hội hóa trong lĩnh vực giám định tư pháp

(SGGPO).- Dự án Luật Phòng, chống rửa tiền đã được Quốc hội xem xét, cho ý kiến trong phiên họp sáng nay, 15-11.

Phát biểu tại phiên họp, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội nhất trí về sự cần thiết của việc ban hành luật về phòng chống rửa tiền. Đại biểu Lương Văn Thành (Hải Phòng) nhận định: “Trong thời kỳ hội nhập như hiện nay, cộng với đặc điểm của nền kinh tế là chủ yếu sử dụng tiền mặt, Việt Nam tiềm ẩn nguy cơ trở thành “điểm đến” của tội phạm rửa tiền. Do đó, việc xây dựng, ban hành Luật này để phòng ngừa là rất cần thiết”.

Các đại biểu Quốc hội trao đổi trong giờ nghỉ tại phiên họp sáng nay. Ảnh: Minh Điền

Các đại biểu Quốc hội trao đổi trong giờ nghỉ tại phiên họp sáng nay. Ảnh: Minh Điền

Tuy nhiên, phạm vi điều chỉnh của Luật còn có những ý kiến khác nhau. Nhiều đại biểu cho rằng, chưa nên đưa nội dung về tài trợ khủng bố vào Luật, vì đây là vấn đề cần được nghiên cứu và cân nhắc kỹ để đảm bảo sự hài hòa trong việc tuân thủ các cam kết quốc tế và chủ quyền của quốc gia.

Đại biểu Đỗ Văn Đương (TPHCM) phân tích: “Để đảm bảo thực hiện cam kết quốc tế thì Bộ Luật Hình sự (sửa đổi) vừa qua đã có ba điều liên quan đến tội phạm về tài trợ khủng bố”. Mặt khác, theo đại biểu này, gắn chuyện rửa tiền với tài trợ khủng bố cũng có phần gượng ép, vì không chỉ có tiền “bẩn” mới được sử dụng để tài trợ khủng bố. Luật Phòng chống khủng bố cũng đã có trong chương trình xây dựng pháp luật và nên để Luật này quy định về nội dung phòng chống tài trợ khủng bố thì hợp lý hơn, tránh sự trùng lặp trong hệ thống pháp luật.

Đại biểu Cao Sĩ Kiêm (Thái Bình) phát biểu trong phiên thảo luận sáng nay. Ảnh: Minh Điền

Đại biểu Cao Sĩ Kiêm (Thái Bình) phát biểu trong phiên thảo luận sáng nay. Ảnh: Minh Điền

Đại diện cho nhóm quan điểm thứ hai là nên đưa ngay nội dung về tài trợ khủng bố vào Luật Phòng, chống rửa tiền, đại biểu Cao Sĩ Kiêm (Thái Bình) lưu ý rằng, Việt Nam đã ký các công ước quốc tế mà theo đó đã ghi rõ cả thời hạn ban hành luật về phòng, chống rửa tiền; phòng, chống tài trợ khủng bố. “Ta sẽ có Luật Phòng chống khủng bố, nhưng có điều khoản “chặn” trước ở Luật này cũng không thừa và lại thực hiện được cam kết quốc tế đúng thời hạn”, ông Cao Sĩ Kiêm nói.

Ông còn góp ý thêm, Luật Phòng, chống rửa tiền có nhiều khái niệm và nội dung liên quan hữu cơ với Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự và 6 luật chuyên ngành khác. Tham chiếu các quy định pháp luật có liên quan thì thấy có rất nhiều điểm “cập kênh” trong dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền. Ông Cao Sĩ Kiêm nhắc nhở: “Ban soạn thảo cần điều chỉnh, nếu không muốn sửa hàng loạt luật khác”.

Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) nhận xét, lẽ ra nội dung phòng chống tài trợ khủng bố đặt trong Luật Phòng, chống khủng bố thì hợp lý hơn và khi sắp xếp chương trình xây dựng pháp luật nếu đưa dự án luật này lên trước thì sẽ vừa đảm bảo thực hiện đúng cam kết quốc tế, vừa đảm bảo tính chặt chẽ, của hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện tại thì cũng có thể đưa nội dung về tài trợ khủng bố vào Luật Phòng, chống rửa tiền.

Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội). Ảnh: Minh Điền

Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội). Ảnh: Minh Điền

Về cơ quan chủ trì hoạt động phòng, chống rửa tiền, các ý kiến thảo luận tại phiên họp sáng nay cũng chia làm ba nhóm. Trong khi một số ý kiến nhất trí với dự thảo đề nghị giao cho một cơ quan thuộc Ngân hàng Nhà nước thì đa số ý kiến cho rằng, một cơ quan thuộc Bộ Công an sẽ thực hiện nhiệm vụ này tốt hơn. 

Trên cơ sở nhận định rằng tại Việt Nam, các giao dịch bằng tiền mặt, vàng và tài sản có giá trị khác là rất phổ biến chứ không nhất thiết phải thông qua hệ thống ngân hàng, các đại biểu Phạm Đức Châu (Quảng Trị), Lương Văn Thành (Hải Phòng), Bùi Văn Phương (Ninh Bình)… đề nghị giao cho cơ quan điều tra thuộc Bộ Công an làm đầu mối chủ trì phòng, chống rửa tiền.

“Ngoài việc rửa tiền không nhất thiết phải qua qua hệ thống ngân hàng thì sau khi phát hiện dấu hiệu đáng ngờ cũng phải tiến hành điều tra mới xác định được. Tôi e Ngân hàng Nhà nước khó làm tốt được công tác điều tra, đấu tranh với tội phạm rửa tiền”, ông Bùi Văn Phương bình luận. 

Riêng đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) đưa ra quan điểm thứ ba: “Cơ quan phòng chống rửa tiền không thể thiếu sự tham gia của cả ngân hàng, cả công an, mà thậm chí phải có cả cơ quan ngoại giao nữa. Nên chăng có một cơ quan độc lập với sự tham gia của các ngành có liên quan, được trao quyền “phản ứng” nhanh và trực thuộc Chính phủ”.

Luật Phòng, chống rửa tiền cần có các điều khoản về minh bạch hóa tài sản cá nhân ảnh 4

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM). Ảnh: Minh Điền

Phân định cụ thể ba trường hợp, gồm tiền “bẩn” mang vào Việt Nam để rửa, tiền bẩn trong nước đem rửa ở nước ngoài và tiền bẩn trong nước rửa trong nước, để từ đó có giải pháp xử lý hiệu quả là đề xuất của ccại biểu Phạm Văn Tường (Thái Nguyên). Ông Tường lo ngại rằng, sau một thời gian dài chỉ tập trung thu hút đầu tư, mà chưa quan tâm đầy đủ nguồn gốc tiền đầu tư, hoạt động rửa tiền tại nước ta rất có thể đã “núp bóng” các công trình lớn, các dự án bất động sản hoặc các doanh nghiệp được thành lập hợp pháp.

Chính vì vậy, đại biểu nhấn mạnh, Luật cần có quy định hướng tới một nền tài chính minh bạch, trong đó có các điều khoản về minh bạch hóa tài sản cá nhân. Có như vậy Luật Phòng, chổng rửa tiền mới hỗ trợ đắc lực cho công cuộc phòng, chống tham nhũng. 
 
*  Chiều 15-11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật giám định tư pháp. Nhiều đại biểu đồng ý ban hành Luật này là cần thiết để nâng cao chất lượng tố tụng, bảo đảm tính khách quan của công tác điều tra, xét xử.

Đại biểu Lê Văn Hoàng (Đà Nẵng) và nhiều đại biểu khác đồng ý với chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực giám định tư pháp, cho phép các tổ chức, cá nhân được mở trung tâm giám định, nhưng cần có quy định, chế tài cụ thể để tránh lợi dụng sơ hở của Luật để làm trái. Đồng thời, xã hội hóa giám định tư pháp phải trừ giám định pháp y, giám định tâm thần.

Đại biểu Nguyễn Minh Kha, Phó Giám đốc Công an TP Cần Thơ và rất nhiều đại biểu khác đề nghị giữ lực lượng giám định của ngành công an tỉnh ở lại ngành công an, thuộc phòng cảnh sát hình sự chứ không chuyển sang giám định pháp y của tỉnh như dự Luật đề xuất.

“Thực tế trong hoạt động điều tra, công tác giám định pháp y rất quan trọng, nhất là giám định của lực lượng công an. Khi xẩy ra nhiều vụ án cùng lúc, việc trưng cầu giám định y tế rất khó khăn, hoặc nếu trưng cầu giám định của tỉnh, rất mất thời gian, làm cản trở quá trình điều tra. Cải cách tư pháp là đúng, nhưng trong điều kiện chưa có các trung tâm giám định pháp y, nếu chuyển giám định của công an sang tỉnh thì chắc chắn gây khó khăn cho công tác điều tra”, ông Kha nói. Ý kiến này nhận được sự đồng ý của một số đại biểu vì cho rằng giám định pháp y là một đặc thù riêng, một trong biện pháp nghiệp vụ của ngành công an.

Đại biểu Nguyễn Bá Thanh (Đà Nẵng) cũng ủng hộ việc tiếp tục duy trì lực lượng giám định của ngành công an tỉnh vì hiện nay họ đang làm rất tốt và lấy làm khó hiểu với đề xuất sáp nhập giám định pháp y của công an vào giám định tư pháp tỉnh.
 
Giải đáp băn khoăn của các đại biểu, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho biết, công việc giám định tư pháp là công việc đặc thù, khó khăn và gian khổ, lực lượng công an đang làm rất hiệu quả. “Với ý kiến của các đại biểu, chắc chắn ban soạn thảo Luật và Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phải xem lại. Bản thân tôi cũng đồng tình việc giữ lại lực lượng giám định pháp y của công an tỉnh”, ông Huỳnh Ngọc Sơn phát biểu. 

ANH PHƯƠNG - LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục