Hôm nay 20-6, dự án Luật Xử lý vi phạm hành chính sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua. Đây là văn bản pháp luật dự kiến sẽ có tác động sâu rộng đối với toàn xã hội. Phiên thảo luận của Quốc hội về dự án luật này (ngày 30-5 vừa qua) đã cho thấy nhiều vấn đề còn tồn tại với những ý kiến khác nhau. Ngay trước giờ Quốc hội “bấm nút”, phóng viên Báo SGGP đã ghi lại ý kiến của các ĐBQH và chuyên gia về một số vấn đề liên quan.
Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Trần Ngọc Vinh: Cần thiết tịch thu phương tiện
Tôi cho rằng quy định mức phạt tiền cao hơn (nhưng tối đa không quá hai lần) mức phạt tiền chung được áp dụng đối với cùng hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông, môi trường, quản lý đô thị tại khu vực nội thành của các thành phố trực thuộc trung ương là cần thiết để hạn chế tình trạng vi phạm. Không ai muốn phạt cao làm gì, nhưng nếu xảy ra vi phạm nhiều quá chứng tỏ chế tài chưa đủ sức răn đe. Lưu ý rằng đây chính là đề xuất từ ĐBQH các thành phố đó!
Về hình thức xử phạt tịch thu, thậm chí tạm giữ tang vật, phương tiện sử dụng để vi phạm pháp luật, tôi cho rằng cực chẳng đã mới phải làm (vì phải có bộ máy để tịch thu, trông giữ, chi phí tốn kém…), nhưng khi cần vẫn phải làm và trước khi làm phải công khai tuyên truyền rõ ràng chứ không phải đè ra phạt ngay. Có mức, có khung hình phạt công khai rõ ràng rồi mà đối tượng vẫn cố tình vi phạm thì dù phạt nặng cũng thích đáng thôi. Nhưng cần nói thêm, trước khi quyết định đưa vào luật việc phạt nặng phải xem mặt bằng chung: vi phạm có phổ biến không, gây nguy hiểm cho xã hội đến mức độ nào? Và phải có hướng dẫn rất cụ thể từng trường hợp để ngăn chặn tình trạng lạm quyền, lạm dụng.
ĐBQH Trần Du Lịch: Còn nhiều điểm căn bản chưa được tiếp thu!
Tôi nhận thấy một số góp ý của ĐBQH đã được tiếp thu, thể hiện trong dự thảo nhưng chưa triệt để. Đáng nói, một số điểm chưa tiếp thu lại là những điểm rất căn bản. Luật lần này đã được sửa khá căn cơ như vậy mà không đưa những nội dung này vào, tôi e là sau này, trong tiến trình cải cách tư pháp, khi làm một số luật khác sẽ bị vướng!
Đơn cử như một trong những hình thức xử phạt lao động công ích. Không ít ĐBQH, trong đó có tôi, cho rằng đây là hình phạt mang tính răn đe cao đối với những đối tượng mà việc phạt tiền họ không có nhiều tác dụng. Hoặc mức phạt đối với họ quá thấp, họ sẵn sàng trả tiền để vi phạm; hoặc quá cao, họ không có tiền để trả. Cái vướng ở đây là e ngại vi phạm đến quyền nhân thân, tài sản; nhưng nếu trao cho tòa án ra phán quyết (chứ không phải cơ quan hành chính) thì không có gì sai. Ở các nước có Tòa vi cảnh với thủ tục xét xử rất đơn giản, đảm bảo tính công bằng, khách quan. Chỉ khi giao cho cơ quan nhà nước quyết định việc xử phạt với hình thức này mới không ổn.
Bên cạnh đó, do chỉ dựa vào các hình thức xử phạt bằng tiền nên để đảm bảo tính răn đe thì mức phạt lại có xu hướng bị đẩy lên quá cao, lên tới 1 tỷ đồng đối với cá nhân. Thử tính xem: khoản tiền đó bằng thu nhập bình quân của một người Việt Nam trong khoảng 50 năm, nếu họ không chi xài ăn uống gì cả! Chuyện quá vô lý. Như tôi đã phân tích, phạt tiền cao chưa chắc tỷ lệ thuận với tính răn đe cao!
Một điểm bất hợp lý nữa, theo tôi, là việc luật chưa làm rõ những vi phạm mang tính trật tự đô thị, mà giao cả cho Chính phủ quy định trong các nghị định. Như thế nếu làm đủ có thể phải ra hàng chục nghị định nữa, bao gồm từ việc phơi quần áo làm mất mỹ quan đô thị cho đến việc dắt chó đi dạo! Lẽ ra nội dung này nên giao cho Hội đồng nhân dân địa phương quy định. Cũng cần phải lưu ý rằng kỷ cương xã hội chưa nghiêm một phần do thiếu luật, nhưng phần khác cũng quan trọng không kém, là do không làm theo luật! Các vụ xây nhà lố tầng ở TPHCM đâu phải do không có luật mà do thực thi luật không nghiêm!
ANH THƯ thực hiện