Nếu như Luật Doanh nghiệp 2014 cởi trói cho doanh nghiệp khởi nghiệp, kinh doanh bao nhiêu thì không ít văn bản khác ở cấp thấp hơn lại “thi nhau” tạo ra rào cản cho doanh nghiệp bấy nhiêu. Cơ quan tiêu biểu cho việc đưa ra nhiều quy định bất cập, gây phản ứng từ doanh nghiệp có lẽ là Bộ Công thương.
Điển hình cho những bất cập, cản trở hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp là Nghị định 19 về kinh doanh khí do Bộ Công thương xây dựng và trình Chính phủ ban hành (có hiệu lực từ 15-5-2016). Nghị định có hiệu lực cũng là lúc hàng chục doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này kêu cứu. Họ tận dụng mọi diễn đàn, hội thảo để mong tiếng nói của mình đến được với cơ quan quản lý. Lý do là nghị định này trái với tinh thần của Luật Doanh nghiệp 2014, đưa ra các điều kiện kinh doanh mang tính bóp nghẹt và góp phần đẩy doanh nghiệp vào tình thế phá sản. Cụ thể, Nghị định 19 quy định thương nhân phân phối khí phải “có các bồn chứa với tổng sức chứa tối thiểu 300m³” và “có số lượng LPG chai các loại (không tính chai LPG mini) đủ điều kiện lưu thông trên thị trường thuộc sở hữu của thương nhân với tổng dung tích chứa tối thiểu 2.620.000 lít”. Theo ông Hà Thanh Tùng - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Đông Tùng (tỉnh Hà Giang), để đáp ứng điều kiện trên doanh nghiệp phải đầu tư ít nhất 50.000 chai gas (loại khí hóa lỏng LPG) 12kg. Như vậy chỉ riêng tiền vỏ chai đã mất khoảng 25 tỷ đồng. Còn các loại tiền thuê khoảng 2.500m² nhà xưởng để chứa số vỏ chai này và thuê người trông nom, bảo quản cũng mất vài chục triệu đồng/tháng.
Nghịch lý ở chỗ, số vỏ chai này sẽ không dùng đến mà chỉ mua để đấy cho đủ điều kiện là thương nhân phân phối. Điều này đã làm khó doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp ở vùng sâu, xa và đi ngược lại tinh thần Nghị quyết 19 của Chính phủ.
Còn tại một hội thảo do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cách đây không lâu, 20 đại diện doanh nghiệp kinh doanh khí tại Hà Giang, Đồng Nai, Quảng Ngãi, Bình Định… phản ánh họ đầu tư rất nhiều, hoạt động cả chục năm, đã có thương hiệu, uy tín. Thế nhưng, Nghị định 19 ra đời đã khiến cho các doanh nghiệp đứng trước nguy cơ bị đóng cửa do các điều kiện trong nghị định đưa ra. “Chúng tôi chấp nhận bị phá sản nếu không đủ sức cạnh tranh, chứ không muốn bị chết vì cơ chế thay đổi”, đại diện một doanh nghiệp nói.
Tại hội nghị lấy ý kiến tổ chức, cá nhân về quy định, thủ tục hành chính ngành công thương ngày 27-9 vừa qua, một lần nữa, Nghị định 19 lại bị doanh nghiệp bức xúc mang ra phản ánh. Bà Phạm Thị Hiền Lương, đại diện các doanh nghiệp kinh doanh khí gas tại Bình Định, đặt câu hỏi: “Đâu là cơ sở cho quy định điều kiện về dung tích tối thiểu là 2.620.000 lít, có hệ thống phân phối cửa hàng, tối thiểu là 20 đại lý hoặc tổng đại lý…? Những nơi địa bàn xa xôi, dân cư ít mà quy định như vậy, lượng tồn sẽ rất cao và không phù hợp”.
Thế nhưng, những nghịch lý nêu trên lại tồn tại ở khá nhiều văn bản khác. Ví dụ như Thông tư 37 của Bộ Công thương quy định kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm… trong sản phẩm dệt may. Quy định này đã tạo ra chi phí quản lý quá lớn cho cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp, tạo ra các thủ tục không cần thiết trong khi hàng trăm mẫu vải xét nghiệm chỉ phát hiện chưa đến chục mẫu có vấn đề. Với doanh nghiệp, quy định này tạo thêm gánh nặng chi phí, giảm tính cạnh tranh. Thế nhưng quy định như vậy vẫn tồn tại. Hay như tại dự thảo nghị định về khai thác và kinh doanh khoáng sản đang được Bộ Công thương lấy ý kiến. Dù chỉ là văn bản ở cấp nghị định, chỉ được quy định những vấn đề chi tiết mà luật giao nhưng dự thảo đưa ra các quy định điều chỉnh các hoạt động khai thác, chế biến, vận chuyển, lưu trữ và kinh doanh đối với các loại khoáng sản rộng hơn Luật Khoáng sản (chỉ quy định về việc khai thác khoáng sản) và cũng rộng hơn nội dung mà Luật Đầu tư giao (yêu cầu quy định điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành nghề kinh doanh khoáng sản). Theo ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế (VCCI), ngành công thương xây dựng các quy định điều kiện kinh doanh về phân bón, xăng dầu, gas... can thiệp thái quá vào thị trường. Trong khi, quy mô của doanh nghiệp dựa vào cung cầu của thị trường, Nhà nước không nên can thiệp. Các điều kiện kinh doanh phân biệt quy mô này sẽ hạn chế khởi nghiệp.
Bộ Công thương là bộ quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại, bao gồm hầu hết các ngành và lĩnh vực quan trọng của đất nước như: cơ khí, luyện kim, điện, công nghiệp tiêu dùng, xuất nhập khẩu, phát triển thị trường, dịch vụ thương mại, hội nhập kinh tế quốc tế… Chính vì vậy, mỗi chính sách đưa ra đều có tác động rất lớn đến người dân, doanh nghiệp. Một chính sách ra đời đều hướng đến nhiều mục tiêu, vừa thuận lợi cho các doanh nghiệp, quản lý và quyền lợi người tiêu dùng. Thế nên, nếu sự cân bằng trong các mục tiêu bị phá vỡ, quá nghiêng về việc quản lý thì khi đó, doanh nghiệp, người tiêu dùng sẽ bị thiệt. Suy cho cùng, doanh nghiệp là người kinh doanh, do đó, Nhà nước cũng chỉ nên đề ra các quy định để doanh nghiệp tuân thủ đúng các quy luật thị trường, không nên đề ra các quy định mang tính chất “cầm tay chỉ việc”, làm thay doanh nghiệp.
HÀ MY