Xả thân cứu người, tương thân tương ái
Hành động Lục Vân Tiên “tả đột hữu xung” cứu Kiều Nguyệt Nga và Kim Liên là hình ảnh gây ấn tượng nhất trong truyện thơ của Nguyễn Đình Chiểu. Đó cũng là tính cách tiêu biểu chi phối những tính cách khác của nhân vật, như sự hiếu thảo, chung thủy, nghĩa tình, bao dung, độ lượng. Và đó cũng là những đức tính tốt đẹp của người Sài Gòn - Nam bộ được hun đúc từ thuở khẩn hoang mở đất lập làng, chống chọi thiên nhiên hoang sơ khắc nghiệt và những thế lực hắc ám, đoàn kết tương trợ nhau vượt qua bao khó khăn nguy hiểm ở vùng đất mới phương Nam. Đức tính ấy đã trở thành triết lý sống, một thứ đạo, đạo làm người.
Danh tướng Trần Văn Trà người lãnh đạo cao nhất của thành phố Sài Gòn - Gia Định ngay sau ngày đất nước thống nhất, từng kể rằng công trình thủy điện Trị An được xây dựng trong hoàn cảnh muôn vàn khó khăn nhờ tinh thần vì nghĩa lớn của mỗi người dân. Không chỉ ở TPHCM mà khắp Nam bộ lúc ấy đâu đâu cũng dậy lên phong trào quyên góp vì Trị An. Đích thân tướng Trần Văn Trà cùng những nhà lãnh đạo khác như Võ Văn Kiệt, Tô Ký, Trần Văn Danh, Nguyễn Vĩnh Nghiệp… không ngừng đi vận động. Vị tướng kể rằng ông rất cảm động khi có những người đàn bà bán hàng hè phố, ông già mù đánh đàn bên bến phà vẫn đóng góp để xây dựng nguồn ánh sáng cho tương lai.
Chính từ tinh thần nghĩa hiệp mà những phong trào xã hội từ thiện đền ơn đáp nghĩa, tương thân tương ái “lá lành đùm lá rách” đã xuất hiện một cách tự nhiên và lan tỏa rộng khắp. Đó là phong trào xây nhà tình nghĩa, tình thương; những chuyến hàng cứu trợ đồng bào bị thiệt hại nặng vì thiên tai ở miền Trung, miền Bắc, miền Tây mùa lụt bão; những chuyến tặng quà cho người dân, trẻ em nghèo hiếu học vùng sâu vùng cao... Đó là những hiệp sĩ đường phố chống trộm cướp, đinh tặc; là việc hỗ trợ giải cứu nông sản, thực phẩm nuôi trồng của nông dân; những bữa cơm bữa cháo từ thiện ở các bệnh viện và các quán cơm giá rẻ; những ổ bánh mì, thùng nước uống miễn phí cho người đi đường, thậm chí có cả quầy quần áo 0 đồng…
Khó mà biết hết, kể hết những việc làm giàu ý nghĩa mang tinh thần Lục Vân Tiên của hàng triệu người Sài Gòn. Họ làm một cách tự nguyện, lặng lẽ, không khoa trương và cũng không nhằm bất cứ mục đích nào khác ngoài việc giúp người khốn khó. Gần như năm nào mùa mưa bão cũng gây thiệt hại lớn ở nhiều địa phương.
Bao giờ người Sài Gòn cũng đi đầu trong công tác hỗ trợ. Từ giới trí thức, văn nghệ sĩ, công chức đến bà con tiểu thương các chợ An Đông, Bến Thành, Thị Nghè, Tân Bình, Tân Phú, Tân Hương, Bình Trị Đông, Phú Lâm,… đều quyên góp kẻ ít người nhiều, kẻ tiền mặt người quần áo, lương thực, thực phẩm chuyển ngay đến vùng đồng bào bị nạn. Và từ thành phố này, những phong trào hoạt động xã hội từ thiện đã lan tỏa khắp các tỉnh thành, ảnh hưởng sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân.
Những nghĩa hiệp
Những năm đầu mới đi làm báo tôi cảm phục tinh thần tương trợ của anh Hàn Tấn Quang đối với các nhà văn, nhà báo có cuộc sống khó khăn và những chuyến đi cứu trợ đồng bào bị bão lụt, trong đó có Phú Yên quê tôi trong cơn bão lũ thế kỷ năm Quý Dậu 1993. Anh quê Quảng Ngãi vào Sài Gòn học tập, tham gia phong trào tranh đấu, bị đối phương bắt bỏ tù, về sau anh sáng lập tờ tạp chí Kiến Thức Ngày Nay.
Tôi cũng ấn tượng vợ chồng doanh nhân Võ Ngọc Thành về những món quà cuối năm dành cho người nghèo cùng những chuyến hàng cứu trợ kịp thời đồng bào bị thiên tai. Quê ở Phú Yên, học kinh nghiệm từ nước ngoài trở về anh Võ Ngọc Thành cùng vợ Nguyễn Thị Hồng đã sáng lập hệ thống siêu thị Maximark lừng lẫy một thời. Tôi nhớ vào đêm 2-11-2009, xóm Trường nằm bên bờ sông Kỳ Lộ thuộc huyện miền núi Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên bị trận lũ bất ngờ ập về cuốn trôi 18 người và vùi lấp toàn bộ nhà cửa, tài sản 44 hộ dân trong xóm. Hai hôm sau, anh Võ Ngọc Thành đã về tận xóm Trường cứu trợ với số hàng hóa và tiền mặt giá trị rất lớn.
Tôi cũng tâm đắc với tinh thần nghĩa hiệp của doanh nhân trẻ Trần Thanh Phong, người bạn học cùng lớp với nhà văn Trần Nhã Thụy, chủ nhân Công ty Thiên Bút mang hình ảnh quê nhà Quảng Ngãi, vừa kinh doanh anh vừa có những chuyến đi làm từ thiện lặng lẽ khắp nơi. Anh từng phối hợp với Ban Nhà văn trẻ Hội Nhà văn TPHCM bay ra tận miền núi Nghệ An để tặng quà, hỗ trợ chương trình dành cho học sinh nghèo miền cao.
Cũng là người quê Quảng Ngãi, anh Lê Văn Thái có hoàn cảnh trái ngược với doanh nhân Trần Thanh Phong, nhưng tinh thần trượng nghĩa giống nhau. Anh rời ruộng đồng quê nhà vào thuê căn nhà nhỏ trên đường Hồng Lạc, phường 11, quận Tân Bình để sửa xe nuôi gia đình. Những lúc rảnh anh tranh thủ đi mua xe đạp phế thải về tháo ra, sơn sửa và lắp ráp mới, mang tặng các em học sinh con gia đình khó khăn thông qua Chi hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo Bình Phú Đông.
Tinh thần nghĩa hiệp còn thể hiện ở cả giới tu hành. Ở chùa Lá, Gò Vấp, sư thầy trụ trì Thích Nhuận Tâm là một trong những người nhiệt thành như vậy. Ông từ quê nhà Quảng Nam vào Sài Gòn tu hành tự lập chùa bằng hai bàn tay trắng, khởi đầu mái lá cho đến ngôi chùa bề thế, mở lớp dạy ngoại ngữ miễn phí cho trẻ em bất hạnh, hỗ trợ nghệ sĩ nghèo, vận động nhiều chương trình xã hội từ thiện…
Tôi không thể nào quên người bạn thơ Lâm Xuân Thi, doanh nhân văn hóa gắn liền với thương hiệu xe đạp Martin 107 nổi tiếng. Thời gian đầu khởi nghiệp, trong hoàn cảnh còn đơn độc khó khăn, anh đã thể hiện tinh thần trượng nghĩa Lục Vân Tiên khi tặng xe đạp cho những tấm gương điển hình trong các phong trào của thành phố như săn bắt cướp, vệ sinh môi trường, sinh viên vượt khó hiếu học và cả quà tết cho đồng bào nghèo khắp nơi.
Mỗi lần các quận, huyện hay bệnh viện, trường học của TPHCM cần phần thưởng động viên các cá nhân có thành tích tốt trong các chương trình hoạt động xã hội và giáo dục, tìm đến đặt vấn đề anh luôn sẵn lòng hỗ trợ. 30 năm qua, hàng chục ngàn chiếc xe đạp được anh tặng đã trở thành phương tiện giúp ích cho những người nông dân nhẹ nhàng hướng tới cánh đồng, cho bà con thị dân nghèo có “cần câu” ngang dọc mưu sinh và cho những em thơ vui vẻ đến trường, mà trong đó có không ít em bây giờ đã thành đạt.
Tinh thần nghĩa hiệp Lục Vân Tiên ngày càng có sức lan tỏa ở những chiều kích mới, cao hơn, đẹp hơn bởi hàng triệu người dân thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu.