Lùi thời gian trình Dự án Luật Giáo dục Đại học ra Qụốc hội

(SGGPO).– Hôm qua, 5-5, Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4-2011.

Nghị quyết nêu rõ, nền kinh tế còn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình kinh tế và những biến động chính trị, xã hội trên thế giới còn diễn biến phức tạp, khó lường. Giá cả trong nước tăng cao do tác động của tăng giá thế giới và sự điều chỉnh giá một số mặt hàng thiết yếu theo giá thị trường. Lãi suất cao làm cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người lao động gặp nhiều khó khăn; tỷ lệ nhập siêu có xu hướng tăng...

Vì vậy, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế thế giới và trong nước, nâng cao năng lực phân tích, dự báo để kịp thời có biện pháp chỉ đạo, điều hành phù hợp. Tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp đã đề ra nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Nghị quyết nêu rõ, thực hiện chủ trương nhất quán điều hành giá cả theo cơ chế thị trường một cách công khai, minh bạch, có lộ trình, các bộ, cơ quan, địa phương tập trung chỉ đạo tăng cường kiểm soát giá cả, thị trường, bảo đảm cân đối cung cầu và bình ổn giá những hàng hóa thiết yếu, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, tăng giá.

Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục thực hiện các giải pháp điều hành lãi suất, kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán phù hợp với diễn biến thị trường; ưu tiên tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, sản xuất hàng xuất khẩu. Tiếp tục triển khai các biện pháp quản lý tiền tệ, tín dụng, tỷ giá, thị trường ngoại tệ và hoạt động kinh doanh vàng đã và đang phát huy tác dụng thời gian vừa qua. Khẩn trương hoàn tất và ban hành các văn bản về cơ chế, chính sách quản lý ngoại tệ, vàng; kiểm soát hoạt động của các ngân hàng thương mại bảo đảm chấp hành đúng quy định về tiền tệ, tín dụng, an toàn hệ thống.

Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch – Đầu tư đôn đốc việc rà soát cắt giảm, điều chuyển vốn đầu tư phát triển và công bố công khai, minh bạch việc cắt giảm vốn đầu tư phát triển bằng nguồn ngân sách nhà nước, tín dụng đầu tư, trái phiếu Chính phủ và vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước so với kế hoạch, số vốn điều chuyển cho các công trình cấp thiết, sắp hoàn thành trong năm 2011. Kiên quyết cắt giảm vốn đầu tư những công trình chưa cấp thiết, chưa hoàn thành thủ tục đầu tư và chưa khởi công. Bộ Tài chính được giao chủ trì rà soát, đề xuất điều chỉnh chính sách thuế theo hướng khuyến khích sản xuất trong nước các loại phụ tùng, linh kiện thay thế nhập khẩu; bảo hộ các sản phẩm trong nước cần phải bảo hộ; có giải pháp cụ thể, hiệu quả, phù hợp với các cam kết WTO để hạn chế nhập khẩu đối với từng mặt hàng như ô tô, điện thoại di động, nông sản phẩm và các mặt hàng tiêu dùng xa xỉ, không thiết yếu, nhằm giảm nhập siêu.

Chính phủ cũng giao Bộ LĐ-TB và XH đề xuất việc tiếp tục điều chỉnh lương tối thiểu đối với người lao động trong các doanh nghiệp. Bổ sung mới các đối tượng chính sách xã hội và chính sách trợ cấp, ưu đãi trên cơ sở đối chiếu với chuẩn nghèo mới. Chính phủ sẽ xem xét, đề xuất nâng mức tiền ăn cho các bữa ăn ở bếp ăn tập trung cho chiến sỹ các lực lượng vũ trang; điều chỉnh mức và lãi suất cho vay học tập đối với HS-SV. Đề xuất để hỗ trợ kịp thời các đối tượng mới có khó khăn, như người lao động trong các doanh nghiệp dệt, may, da giầy có vốn đầu tư nước ngoài, lao động tự do...

Chính phủ giao Bộ GD-ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp dự thảo văn bản báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị lùi thời gian trình Dự án Luật Giáo dục Đại học vào Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII. Giao Bộ GD-ĐT tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo Dự án Luật này để chuẩn bị trình Quốc hội (đây là dự thảo luật đã vấp phải phản đối mạnh mẽ trong thời gian qua khi tiến hành lấy ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học).

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục