
Mũi là cửa ngõ của đường hô hấp với hệ thống lông, niêm mạc gồm các mạch máu và hệ thần kinh, không ít trường hợp tai biến, tử vong đã xảy ra khi dùng thuốc nhỏ mũi. Ở trẻ sơ sinh hoặc trẻ dưới 6 tháng tuổi, trước đây khi dùng thuốc nhỏ mũi chứa hoạt chất naphazolin 0,1% do chất này có tính co mạch mạnh, hấp thu lan tỏa gây co thắt các mạch máu não và làm chết đứa trẻ. Không chỉ ở trẻ em, ngay cả người lớn khi dùng nhỏ mũi nhiều lần trong ngày và lạm dụng dài ngày chất naphazolin cũng có nguy cơ viêm mũi do thuốc, ảnh hưởng xấu đến các tế bào có lông chuyển và làm xơ cứng các mạch máu tại mũi.

Cũng cần lưu ý ở những người có tiền sử bệnh về viêm loét dạ dày, tá tràng nếu dùng lâu ngày các thuốc nhỏ mũi hoặc dạng thuốc bơm xịt vào mũi (aerosol) có chứa thuốc nhóm kháng viêm loại corticoid cũng có nguy cơ gây xuất huyết đường tiêu hóa.
Các tá dược dùng trong thuốc nhỏ mũi cũng được các nhà bào chế đặc biệt quan tâm vì nếu trong thành phần có chứa thủy ngân (thường được dùng như chất bảo quản chống vi khuẩn nấm mốc phát triển) có thể dẫn đến mất khả năng ngửi, không hồi phục được.
Trong kinh nghiệm dân gian khi sử dụng thuốc có nguồn gốc từ dược liệu, như thường dùng tỏi tươi ngâm trong nước hoặc trong cồn pha loãng để sát khuẩn mũi cũng dễ gây kích ứng, làm bỏng niêm mạc mũi. Sử dụng dung dịch nước muối sinh lý NaCl 0,9% để rửa mũi rất an toàn cho trẻ sơ sinh.
Trước khi nhỏ mũi, cần lưu ý xì mũi hoặc dùng quả bóp cao su để hút nhẹ nhàng các chất dịch nhày hoặc mủ còn đọng trong hốc mũi. Khi nhỏ mũi có thể nằm ngửa hoặc ngồi với tư thế ngửa đầu tối đa để giúp thuốc vào được trong hốc mũi. Cẩn thận đưa đầu ống thuốc nhỏ mũi vào sâu trong hốc mũi khoảng 1 phân, tránh chạm vào thành mũi, nhỏ vài giọt thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Hít nhẹ hoặc dùng ngón tay day nhẹ ngoài cánh mũi để giúp thuốc vào sâu trong hốc mũi. Đậy kín nhanh lọ thuốc nhỏ mũi.
Để không làm tổn hại niêm mạc mũi, đồng thời giúp ổn định hoạt động sinh lý bảo vệ tự nhiên của hệ thống lông nhày tại mũi, các thuốc hoặc các chất khi dùng cho mũi cần bảo đảm các yêu cầu như độ pH trung tính hoặc kiềm nhẹ (pH từ 7 đến 9), nhiệt độ không nóng hoặc quá lạnh nên từ 230C đến 400C. Trong sinh hoạt hiện nay, cần lưu ý khi dùng các khăn, mặt nạ (mask) che mặt mũi để tránh nắng, bụi khi ra đường, nếu không đảm bảo vệ sinh hoặc thay mới khăn mỗi ngày cũng là nguy cơ cao cho bệnh về mũi.
PGS.TS Trương Văn Tuấn (ĐH Y dược TPHCM)