Nhắc đến câu chuyện ứng xử với các di tích - những trang sử mang dấu ấn về sự biến động, thăng trầm của các thời kỳ lịch sử - nhiều người cũng chỉ biết thở dài: chuyện này “khổ lắm, nói mãi”, xót xa thì xót xa thật nhưng biết làm sao trong tình cảnh “cha chung không ai khóc”, hoặc làm chưa tới vì “thừa nhiệt tình, thiếu hiểu biết”… Từ đó mới thấy, thật khó để tìm hướng đi đảm bảo sự hài hòa giữa hai yêu cầu bảo tồn và phát triển giá trị di sản trong bối cảnh đời sống đương đại.
Thật ra, Đảng và Nhà nước đã định hướng rõ phải giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc với chỉ dẫn cụ thể là bảo tồn, gìn giữ và phát huy những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của cha ông. Chủ trương đã được luật hóa qua Luật Di sản với những điều khoản cụ thể. Nghĩa là, có luật rồi thì phải tuân thủ, không có chuyện làm biến dạng, méo mó, và tệ hơn nữa là phá bỏ “xây mới”. Nhưng thực tế lại khác, luật thì không phải ai cũng đọc, cũng hiểu dẫn đến vô vàn biến tướng nhức nhối.
Đầu tiên phải nói thật là chúng ta đang thiếu cả ý thức lẫn tri thức về di sản, thiếu hụt trầm trọng trên diện rộng, đến ngay cán bộ làm công tác bảo tồn, quản lý di sản cũng hết sức mù mờ về đối tượng cần gìn giữ.
Hãy thử hỏi mấy người biết cái gì là biểu tượng của Văn Miếu - Quốc Tử Giám: Khuê Văn Các hay các tấm bia đá? Cái gì có trước và cái gì có sau, đấy là còn chưa nói tới tầm cao hơn là thổi được hơi thở của thời đại vào những kỷ vật cũ, những phế tích quá khứ. Nói khác đi, tâm thế và sự hiểu biết của đại bộ phận người dân khi đến với di sản đều thiếu hụt. Không nói đâu xa, mấy ngày tết đi lòng vòng các miếu Bà, chùa Bà trong Nam ngoài Bắc đều thấy đồ cúng lễ, cũng đủ hết, có xôi, có thịt, có nhang, rồi cũng vái lạy, chỉ khác là… không biết mình lạy ai…
Điều thứ hai cần nói nữa là công tác trùng tu đang có vấn đề. Chuyện tu bổ di tích đòi hỏi phải có kiến thức chuyên sâu về nhiều lĩnh vực, song chúng ta đang làm theo kiểu được chăng hay chớ, kinh phí tới đâu làm tới đó, thiếu cái nhìn tổng thể. Gần giống như một cô gái mới thoát thời bao cấp bỗng có vài món mỹ phẩm nhưng không biết làm gì ngoài việc tô trát dày cộp. Kết quả là “lợn lành hóa lợn què”, trở thành một sản phẩm kệch cỡm không nhan mà cũng chả có sắc.
Nhìn đâu cũng thấy vấn đề, càng nhìn càng thấy vấn đề. Người chưa được phong di tích thì khấp khởi hy vọng sự đổi đời, còn kẻ có rồi thì hối tiếc “ước gì” không được phong như cái làng cổ Đường Lâm đang trăn trở. Suy cho cùng cũng là vấn đề mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển kinh tế. Đây là bài toán khó giải, khi dữ liệu đưa ra là làm sao có của ăn của để, có tích lũy mà vẫn giữ được hồn cốt, gia phong? Rất tiếc, chúng ta chưa giải được một cách căn cơ, bài bản, có lý, có tình. Minh chứng cho điều này khi điểm mặt đội ngũ tỷ phú mới nổi: đa số đi lên nhờ bất động sản. Và tất nhiên, với họ, đất đã không hóa “tâm hồn” như nhà thơ Chế Lan Viên mơ ước, mà thực sự biến thành đất vàng, đất kim cương, chỉ có đất là có giá. Dễ thấy, những cao ốc chọc trời ở khắp nơi trên đất nước đang vội vã mọc lên thế chỗ cho nơi trước đây còn là di tích hay chứng tích lịch sử. Đến mức người nước ngoài phải tròn mắt sao Việt Nam lại cứ thích “quy hoạch” trung tâm mua sắm ở những khu đất mặt tiền, có ngã năm, ngã bảy, trong khi đất ở ngoài rìa còn đầy rẫy?
Thế mới biết, xây bao giờ cũng khó hơn phá, và đã phá rồi thì không thể xây lại nguyên mẫu. Dĩ nhiên, chúng ta đã làm hết sức để giữ cho được con số gần 50.000 di tích, song còn đó những vướng mắc về việc xử lý công trình dưới tầm “di tích” thuộc sự quản lý của ngành quy hoạch - kiến trúc. Cụ thể là các biệt thự cổ phân loại 1, 2, 3…, với sự trăn trở cái nào cần dỡ bỏ, cái nào cần bảo tồn. Và chung quy cũng là câu hỏi muôn thuở về bảo tồn và phát triển, giữa lợi ích cá nhân với hưởng thụ xã hội… Sau khi ngôi nhà số 12 Lý Tự Trọng, quận 1, TPHCM bị đập bỏ, đã được giải quyết cho xây dựng lại cao 70m (Báo SGGP đã có bài viết), chủ một ngôi nhà khác ở số 83 Ngô Thời Nhiệm, phường 6, quận 3 đã khiếu nại tại sao nhà ông không được phép làm như vậy dù nhà này còn mục nát thê thảm hơn ngôi nhà được phép kia. Ông chủ này cũng có lý của mình và chờ cái “tình” ban cho từ các cơ quan chủ quản. Nhưng ở đây câu hỏi đặt ra là bao giờ “lý” và “tình” sẽ gặp nhau, và liệu rằng có cách nào hài hòa được lợi ích kinh tế với bảo tồn các công trình mang ý nghĩa chứng nhân lịch sử?
Sự giằng xé giữa người làm văn hóa và người làm kinh tế là hiển nhiên. Song như Gamzatov từng viết, nếu bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ đáp trả bằng đại bác và phải trân trọng quá khứ thì mới có phát triển bền vững, mới có tương lai tươi sáng.
BÍCH AN