Má tôi

Phan Thị Trinh là tên của má tôi. Bà sinh ra ở Bạc Liêu, vùng đất giàu truyền thống yêu nước, ngay cái năm có sự kiện “Đồng Nọc Nạn” - biểu tượng đấu tranh giữ đất của những người nông dân Nam bộ. Bà sớm tham gia cách mạng trong những ngày chuẩn bị khởi nghĩa 1945. Bà là hình ảnh của lớp Phụ nữ Cứu quốc, Phụ nữ giải phóng…
Má tôi

Phan Thị Trinh là tên của má tôi. Bà sinh ra ở Bạc Liêu, vùng đất giàu truyền thống yêu nước, ngay cái năm có sự kiện “Đồng Nọc Nạn” - biểu tượng đấu tranh giữ đất của những người nông dân Nam bộ. Bà sớm tham gia cách mạng trong những ngày chuẩn bị khởi nghĩa 1945. Bà là hình ảnh của lớp Phụ nữ Cứu quốc, Phụ nữ giải phóng…

Má tôi luôn gắn bó với các dì trong Hội Phụ nữ Cứu quốc. Năm nào bà cũng muốn tham dự cuộc họp mặt, muốn đi thăm những gia đình có công, một thời nuôi chứa cán bộ và các gia đình có người thân đã từng tham gia đấu tranh trực diện của đội quân tóc dài… Cuộc đời má đầy gian truân, trong chiến tranh thì nay đây, mai đó, vừa nuôi con, vừa hoạt động cách mạng, chồng bị tù đày qua các nhà tù gần 9 năm - có 6 năm bặt tin nơi địa ngục trần gian Côn Đảo và đến lượt mình cũng bị giặc bắt giam cầm 3 năm ở Bạc Liêu, Cần Thơ cho đến ngày giải phóng. Như bao bà mẹ Việt Nam, má giữ được phẩm hạnh, cốt cách kiên cường, trung trinh, tiết liệt. Chính tôi đã chứng kiến nỗi đau khi cho má biết tin sét đánh - anh Hai hy sinh. Lúc đó má chỉ thốt lên hai từ “Tiếc quá!” và lặng đi… Bốn câu thơ của anh Hai vẫn như luôn âm vang trong lòng bà: Tổ quốc ơi? Có phải/ Người sinh tôi ra bằng phẫn nộ thương đau/ Bằng trang sử tiềm tàng hay lòng tin rực cháy/ Mà trong tôi có dòng máu tự hào.

Má Phan Thị Trinh (người thứ 2 từ trái sang) trong buổi Họp mặt truyền thống Cựu Nữ tù chính trị - tù binh vào tháng 2-2015

Má vẫn không nguôi nỗi nhớ về anh, đứa con trai đầu lòng đầy tài hoa đã hy sinh giữa lứa tuổi 20. Anh tôi viết báo, làm thơ, vẽ tranh ký họa và là phóng viên chiến trường của tờ báo Chiến đấu tỉnh Sóc Trăng. Măng-sét của tờ báo do anh tôi làm cùng với nhiều tranh ký họa có hồn về cuộc sống và chiến đấu của quân dân ta bấy giờ. Sau ngày đất nước thống nhất, Hội Mỹ thuật Việt Nam có gửi cho gia đình một Kỷ niệm chương và trong danh sách những họa sĩ hy sinh được lưu tại Bảo tàng Mỹ thuật thành phố có tên anh tôi - Phạm Vũ.

Những năm sau này, má tôi hay làm thơ. Thơ má tự trào -  những bài thơ ngắn luôn gắn với sự kiện lịch sử, thời sự, đất nước, quê hương, gia đình, con cháu… Má đã cho in 4 tập, chủ yếu là để tặng, để cùng chia sẻ. Lúc đầu, các em tôi nói vui: Má làm thơ như văn xuôi cắt khúc. Má cũng cười vui. Nhưng dần dần, thơ má ngày càng thơ hơn, một số bài còn được in trong một số tờ tin, tờ báo. Do gắn bó với công tác dân vận hồi kháng chiến nên cách nói và cách viết của bà dễ hiểu và mạch lạc. Cho đến bây giờ, tôi vẫn còn nhớ hình ảnh má tôi khi bà lên sân khấu nói chuyện với người dân ở xã Vĩnh Hưng, Bạc Liêu. Với bộ bà ba đen, với gương mặt tươi tắn, bà nói mạch lạc, không cầm giấy, giọng nói và nội dung đi vào lòng người.

Má sống giản dị và lạc quan, luôn yêu thương và quan tâm đến mọi người, lo cho con cháu học hành và trở nên người có ích. Tài sản của ông bà có được chính là căn nhà của nhà nước hóa giá cho. Đối với chúng tôi, tài sản lớn nhất mà ba má dành cho là vô giá, là tấm gương, là cốt cách làm người, là lý tưởng và những giá trị sống đẹp.

Người xưa cho rằng: Muốn biết tính cây hãy xem hạt giống. Muốn rõ chất nước hãy trở về nguồn. Càng nghĩ về cội nguồn, về gia đình, ba má, chúng tôi càng tự hào về truyền thống tốt đẹp để luôn giữ gìn và tiếp bước.

Những ngày ba tôi bệnh rồi mất, má như mạnh mẽ hơn lên để làm chỗ dựa cho các con, các cháu. Má sống chung thủy như câu thơ của má: Ta đã sống trong tình yêu chung thủy/ Với nước non và với nghĩa vợ chồng/ Tình yêu hỡi điều gì là quý nhất?/ Đó là điều ta biết sống vì nhau.

Những ngày gần đây, sức khỏe má yếu dần nhưng bà sống vui và như không buồn giận ai. Hôm nào khỏe, các con cháu đưa bà đi xem những công trình mới, tươi đẹp của thành phố. Má yêu quý từng phút giây có được ở cõi đời này và muốn lưu giữ tất cả những khoảnh khắc đẹp đẽ ấy. Những lúc đau yếu, có khi bà còn đọc thơ và hát, như để lấy tinh thần vượt qua bệnh tật. Bao giờ bà cũng muốn truyền cho chúng tôi niềm tin yêu vào cuộc sống.

Giờ thì má đã về nơi cõi khác với ba, với ông bà, tổ tiên. Má đã sống trọn vẹn và ra đi thanh thản, ơi người mẹ nhân từ và phúc hậu của tôi.

PHẠM PHƯƠNG THẢO

Tin cùng chuyên mục