Mạch nguồn cảm hứng sáng tạo vô tận

Hình tượng Hồ Chí Minh là sự kết hợp đẹp đẽ giữa những cái cao cả và bình thường, giản dị mà thanh cao, vĩ đại mà gần gũi, rất Việt Nam. Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật toàn quốc, đã nhiều lần nhấn mạnh: “Bác Hồ vĩ đại bao giờ cũng là ngọn nguồn, là kết tinh những giá trị dân tộc. Gặp Bác như gặp suối nguồn trong trẻo nhất, như trở về nguồn cội tinh thần lớn lao nhất...”. Bác Hồ là hình tượng tiêu biểu nhất cho tinh hoa của văn hóa Việt Nam. Bản thân hình tượng Bác đã có sự tỏa sáng và sức hút lớn. Chính mạch nguồn cảm hứng ấy đã cho ra đời hàng ngàn tác phẩm văn học nghệ thuật sống mãi với thời gian.

Có hàng trăm nhạc phẩm đặc sắc về Bác, hình tượng vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc ta đã hiện ra với tầm cao vĩ đại về trí tuệ, nhân cách, đức độ nhưng lại giản dị, đặc biệt rất gần gũi với nhân dân. Biết ơn Cụ Hồ Chí Minh của Lưu Bách Thụ có thể được coi là một trong những bài hát đầu tiên viết về Người và ca khúc này gần như ngay lập tức được sự đón nhận của quần chúng. Ngay sau đó, hình ảnh của Bác liên tục xuất hiện trong các tác phẩm mới của các nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, Đỗ Nhuận, Văn Cao (cùng có tên Ca ngợi Hồ Chủ tịch)... rồi Tiếng hát giữa rừng Pác Pó (tác giả Nguyễn Tài Tuệ), Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người (tác giả Trần Kiết Tường), Người là niềm tin tất thắng (tác giả Chu Minh).

Nhạc sĩ Thuận Yến, tác giả của nhiều ca khúc rất thành công về Bác, như: Bác Hồ một tình yêu bao la, Vầng trăng Ba Đình, Miền Trung nhớ Bác... lúc sinh thời đã khẳng định rằng: “Bác Hồ luôn là nguồn cảm hứng vô tận của tôi!”. Mỗi nốt nhạc, mỗi ca từ về Bác đều được ông chắt lọc từ chính rung động của con tim, từ lòng kính yêu vô hạn.

Vượt qua rào cản về ngôn ngữ, vượt lên khoảng cách về địa lý, nhạc sĩ Ewan MacColl (người Anh), trong Đại hội liên hoan quốc tế ca hát phản kháng chiến tranh tổ chức tại La Habana (Cuba) đã cất vang Bài ca Hồ Chí Minh (The Ballad of Ho Chi Minh) khiến cả khán phòng dậy sóng. Từ Đại hội này, Bài ca Hồ Chí Minh nhanh chóng được phổ biến ở Việt Nam, cũng như trong lực lượng phản chiến ở Tây Ban Nha, Pháp, Thụy Điển, Nga, Đức, Nhật, Cuba… Bài ca Hồ Chí Minh đã được các nghệ sĩ yêu hòa bình của Mỹ lúc ấy đón nhận như một vũ khí tinh thần, để tố cáo hành động xâm lược của Mỹ với Việt Nam. Trong suốt gần nửa thế kỷ qua, mỗi dịp kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, ca khúc Bài ca Hồ Chí Minh của nhạc sĩ Ewan MacColl lại vang lên với điệp khúc “Hồ, Hồ, Hồ Chí Minh” sôi động.

Thể hiện hình tượng Bác Hồ trên sân khấu không chỉ là thỏa mãn nỗi nhớ của công chúng về một con người vĩ đại, về một người lãnh tụ gần gũi bằng xương bằng thịt, mà lớn hơn thế là mục đích, là lý tưởng của cuộc sống hôm nay - NSND Lê Tiến Thọ chia sẻ. Vì thế, thể hiện hình tượng Bác Hồ là một thử thách về tài năng sáng tạo vô cùng hấp dẫn, nhưng cũng đầy những khó khăn, thử thách to lớn với người nghệ sĩ.

Ngay từ giữa những năm 70 của thế kỷ XX, vở cải lương Người công dân số một của Nhà hát Cải lương Trung ương đã ra mắt công chúng và gây tiếng vang lớn về nghệ thuật tại Hội diễn sân khấu toàn quốc. Đó là dấu ấn ghi nhận sự thành công của vở diễn, đồng thời cho thấy khả năng thể hiện một cách chân thực hình tượng Bác Hồ trên sân khấu Kịch hát dân tộc. Và sau đó hình tượng Bác Hồ tiếp tục được tái hiện trong nhiều tác phẩm sân khấu như Đêm trăng huyền thoại của Đoàn chèo Thái Nguyên, vở Những vần thơ thép của Nhà hát chèo Việt Nam... Với NSƯT Tiến Hợi (Nhà hát kịch Hà Nội), người có gần 40 vai diễn về hình tượng Hồ Chí Minh, thì đó không chỉ là công việc, là trọng trách của người nghệ sĩ mà đó là niềm vinh dự mà bất cứ ai làm nghề đều mong muốn. Đồng cảm với điều này, họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, chia sẻ: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị anh hùng dân tộc và danh nhân văn hóa thế giới. Bác cũng là hình ảnh vị lãnh tụ đẹp nhất trong trái tim người dân Việt Nam, chính vì vậy mà các tác phẩm mỹ thuật sáng tác về Người luôn có số lượng đồ sộ, nội dung phong phú. Trên tất cả các chất liệu, loại hình sáng tác như hội họa, điêu khắc, đồ họa của các nghệ sĩ, hình ảnh Bác Hồ bao giờ cũng vô cùng thiêng liêng, cao quý nhưng vô cùng gần gũi”.

Chỉ tính riêng trong 4 năm qua, đã có hàng chục ngàn tác phẩm, công trình của hàng trăm lượt tập thể, cá nhân tham gia sáng tác, quảng bá về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trên các phương tiện, loại hình báo chí, xuất bản, văn học, nghệ thuật... Không chỉ tạo ra không khí sáng tạo sôi động trong nước mà nhiều cá nhân, tập thể  đang hoạt động, công tác ở nước ngoài, tác giả là người nước ngoài cũng có tác phẩm tốt gửi về tham dự. Đó chính là minh chứng rõ ràng nhất về sức sống trường tồn của hình tượng Hồ Chí Minh.

MAI AN

Tin cùng chuyên mục