Cuộc hội ngộ của các tài năng nghệ thuật trong và ngoài nước tại Liên hoan Giai điệu mùa thu 2013 đã thật sự chinh phục đông đảo công chúng. Những nghệ sĩ trẻ bằng tài năng, lòng nhiệt huyết và lao động sáng tạo không chỉ đem đến cho công chúng những xúc cảm nghệ thuật bay bổng, thăng hoa mà còn tỏa sáng ngay trong cuộc đời thật với cách ứng xử văn hóa, bình dị, với nhân cách của người nghệ sĩ đích thực. Chỉ có điều, trong số các nghệ sĩ tài năng trẻ ấy, có cả nghệ sĩ trẻ của Việt Nam, phần lớn được đào tạo và phát triển tài năng trong môi trường văn hóa nghệ thuật của nước ngoài.
Giật mình nhìn lại các thế hệ tài danh nghệ thuật ở trong nước, một số các nghệ nhân lẫy lừng một thuở giờ đang dần khuất bóng, số nghệ sĩ tên tuổi còn đang trụ lại trên các sàn diễn ở mọi lĩnh vực giờ đã tròm trèm ở lứa tuổi 40. Còn lại, số người mang danh nghệ sĩ thì rất nhiều nhưng tài năng vẫn nhạt nhòa, chưa có dấu ấn đậm nét.
Từ bao đời nay, trong lĩnh vực nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật đỉnh cao, nghệ thuật hàn lâm, con đường để có được những tài năng luôn đi theo một quy luật: phát hiện và đào tạo. Nhận thức rõ ảnh hưởng của nghệ thuật trong đời sống tinh thần của công chúng, từ nhiều năm trước Nhà nước ta đã rất chú trọng việc phát hiện và đào tạo tài năng nghệ thuật.
Thuở ấy, cứ mỗi khi vào mùa tuyển sinh, không khí của các trường, các đoàn nghệ thuật đều rộn ràng cho những chuyến đi. Ban tuyển sinh lặn lội đến các vùng, miền xa xôi hút hắt chỉ để tìm và phát hiện cho được những mầm non có năng khiếu nghệ thuật. Hành trình đi tìm kiếm tài năng cứ thế cũng gian nan và tâm huyết giống như việc khai thác những mỏ quặng đá quý. Những mầm non ấy sau khi được phát hiện sẽ được các trường, các đoàn nghệ thuật đem về rèn giũa, khổ luyện về chuyên môn, chăm chút về tâm hồn, nâng niu từng nhân cách.
Đào tạo nghệ thuật không thể tính bằng những giờ lên lớp, bằng giáo trình mà giữa thầy và trò là cả một mối quan hệ bền chặt, họ trao cho nhau tình yêu, niềm đam mê của cả một đời nghệ thuật và bằng cả trái tim của người nghệ sĩ.
Bên cạnh hệ thống trường, lớp, đoàn nghệ thuật, trong dân gian cũng có một phương thức đào tạo, góp phần sản sinh ra một lớp nghệ sĩ tài danh: các “lò” truyền nghề của các nghệ nhân. Theo học ở các “lò” này, phần lớn các nghệ sĩ được trưởng thành ngay trong môi trường thấm đẫm chất nghệ thuật, giàu chất thực tế và được các nghệ nhân đòi hỏi không kém phần khắc nghiệt. Họ không chỉ rút ruột dạy cho trò những mảng miếng, phong cách, chiêu thức rất riêng của nghề nghiệp mà còn truyền cho lớp sau cả cái máu lửa, bản lĩnh của người nghệ sĩ… và những kinh nghiệm, bài học đắt giá của cả một đời người.
Với những phương thức phát hiện và đào tạo như vậy, cho nên ngay cả trong những năm tháng khi đất nước ta phải đối diện với những khó khăn nhất, ngay cả trong thời chiến tranh ác liệt, chúng ta vẫn có được các thế hệ nghệ sĩ tài danh, lớp này truyền dạy cho lớp khác…
Thế nhưng, trong những năm gần đây, khi các thế hệ nghệ sĩ tài danh lần lượt ra đi, lớp nghệ sĩ tài năng trong các lĩnh vực nghệ thuật ngày càng thưa thớt. Điều ấy có thể lý giải được. Vào các mùa tuyển sinh, không khí của các trường nghệ thuật vẫn chộn rộn, nhưng hầu như không còn những cuộc thi tuyển tìm kiếm gắt gao những tài năng. Quy chế tuyển sinh nhiều phần dễ dãi. Số thí sinh vào trường, người muốn khổ luyện vì nghệ thuật thì hiếm hoi, kẻ vì danh thì không ít.
Môi trường đào tạo nghệ thuật cũng có phần đơn điệu. Thầy và trò học theo giờ lên lớp, theo giáo trình, biểu diễn thực hành ít ỏi theo đúng lịch của học vụ… Ai muốn học thêm thì đi học ngoài giờ, trả tiền theo quy luật thị trường. Trong thực tế, từng có những sinh viên giỏi của trường nhạc, muốn tổ chức một đêm trình diễn tác phẩm của mình đã phải tự bỏ ra cả trăm triệu đồng, bởi tất cả các yếu tố: phòng diễn, dàn nhạc, băng rôn… đều được quy theo giá cả. Điều này đã làm thui chột không ít cảm hứng sáng tạo của các bạn trẻ.
Sự có mặt của 7 tài năng trẻ từ Quỹ Vladimir Spivakoiv (Nga) tại Liên hoan Giai điệu mùa thu 2013 khiến chúng ta phải nhìn lại. Sự ra đời của quỹ này đã giúp cho hàng ngàn tài năng trẻ trên khắp nước Nga được phát hiện và phát triển bền vững trên con đường nghệ thuật. Hai tài năng trẻ piano của Việt Nam là Diệu Linh và Diệu Ân cũng được quỹ này phát hiện và chăm chút. Được sự hỗ trợ của quỹ, các tài năng trẻ đã chắp cánh bay cao, bay xa…
Nhiều năm trước đây, thành phố chúng ta cũng có Quỹ Hỗ trợ tài năng trẻ nghệ thuật, nhưng gần đây thì vắng bóng. Thời cơ chế thị trường, nhiều doanh nghiệp, mạnh thường quân lại mặn mà hơn với các games show chủ yếu là để PR tên tuổi hơn là đầu tư cho những tài năng, cho những giá trị đích thực của nghệ thuật nước nhà.
VIỆT HÀ