Mái nhà thực vật tại sao không?

Mái nhà thực vật tại sao không?
Mái nhà thực vật tại sao không? ảnh 1

Ở phương Tây, diện tích của các mái nhà tương ứng với khoảng 30 % diện tích của toàn thành phố. Đa số những mái nhà này được làm từ các vật liệu xây dựng cứng và thô kệch như kim loại hay bê tông. Trong những năm gần đây, nhiều mái nhà đó đã được “phủ xanh”…

Đức là nước đi tiên phong trong việc che phủ các mái nhà bằng những thảm thực vật xanh bắt mắt và thân thiện với môi trường. Mỗi năm, một diện tích khoảng 14 triệu m2 mái nhà được phủ mới bằng các loại thực vật phù hợp.

Ở Pháp, những « mái nhà thực vật » vẫn còn rất hiếm. Năm 2002, diện tích của những mái nhà này mới chỉ khoảng 65.000m2. Các kiến trúc sư thuộc “Hiệp hội mái nhà thực vật Pháp” đang đặt mục tiêu từ nay cho đến năm 2010 mở rộng diện tích “mái nhà xanh” lên 1 triệu m2.

Các nhà khoa học đã tiến hành nhiều nghiên cứu ở Đức và các nước Bắc Âu - những quốc gia đi tiên phong trong lĩnh vực này - để thử nghiệm và gia tăng những lợi ích của “mái nhà xanh”. Các nhà khoa học nhận thấy những lớp thực vật này làm hạn chế những hậu quả của quá trình nhận tạo hóa môi trường đô thị.

Theo các nhà khoa học, trong những năm tới, con người sẽ phải chứng kiến nhiều hiện tượng khí hậu mới và nguy hiểm. Do đó, những “mái nhà xanh” có thể là một cứu cánh thực sự và sẽ là một lựa chọn ưu tiên cho các nhà quy hoạch đô thị tương lai. Còn ngay bây giờ, đối với những mái nhà có độ nghiêng vừa phải, các kiến trúc sư hoàn toàn có thể cải tạo để phủ xanh chúng. 

Trên thực tế, những “mái nhà xanh” cho phép hạn chế dòng chảy của nước trong các trận mưa lớn. Lớp nền đất và thực vật giúp giữ nước trong một vài giờ thay vì để nước đổ ngay ra các hệ thống cống rãnh như trong trường hợp mái nhà làm bằng bê tông hay các chất liệu cứng khác. Với “mái nhà thực vật”, một phần nước sẽ được bay hơi qua thực vật, phần nước còn lại được thảm thực vật lọc và có chất lượng tốt, giúp giảm chi phí của các trạm xử lý nước.

Nhờ khả năng khôi phục độ ẩm trong không khí, các “mái nhà xanh” cũng góp phần hạ nhiệt độ của không khí. Ở các thành phố, điều này rất có ý nghĩa vì nhiệt độ ở thành phố bao giờ cũng cao hơn nhiệt độ ở vùng ngoại ô và nông thôn từ 10C đến 40C.  Ngay từ những năm 1980, các vệ tinh đã phát hiện ra hiện tượng các “đảo nóng đô thị”. Hiện tượng này đã được tái khẳng định trong đợt nắng nóng năm 2003, khiến khoảng 20.000 người chết ở Pháp, trong đó chủ yếu là người dân ở các thành phố lớn.

Vào mùa hè, các “mái nhà  xanh” giúp hạn chế việc sử dụng các hệ thống điều hòa nhiệt độ, vừa tốn điện năng, vừa không có lợi cho môi trường. Bên cạnh đó, các “mái nhà thực vật” làm gia tăng độ bền của mái nhà do ngăn chặn tia cực tím làm hỏng vật liệu xây dựng. Đặc biệt, “mái nhà  xanh” giúp gia tăng sự đa dạng sinh học vì nhiều loại thực vật trồng trên mái nhà được nhập khẩu từ nơi khác hoặc được lai tạo cho phù hợp với điều kiện thời tiết ở mỗi thành phố .  

Hà Vy (theo Le Figaro)

Tin cùng chuyên mục