Malaysia: Cảnh cáo các blogger

Malaysia: Cảnh cáo các blogger

Raja Petra Kamarudin, người điều hành trang web Malaysia Today, là một blogger nổi tiếng tại Malaysia, đã bị triệu tập đến một sở cảnh sát ở trung tâm Kuala Lumpur. Theo một bản tin trên mạng, mục đích triệu tập là để thẩm vấn Raja Petra về những lời nhận xét về Hồi giáo và đức vua mang tính chất xúi giục nổi loạn. Tuy nhiên, theo Raja Petra, ông chỉ phản đối thái độ của một số tín đồ Hồi giáo chứ không phản đối đạo Hồi.

Đầu tuần này, một thành viên cao cấp trong đảng cầm quyền UMNO đã lên tiếng chỉ trích một bản tin trên Malaysia Today là nhạo báng Hồi giáo và đe dọa sự hòa hợp dân tộc. Một bộ trưởng chính phủ cũng cảnh báo các blogger “vô trách nhiệm” có thể bị phạt tù mà không cần xét xử. Trang web Malaysia Today, tự cho là một nguồn “tin độc lập”, cũng có các blogger đăng tải ý kiến và hiện là một trong những trang web tranh luận chính trị phổ biến nhất ở Malaysia.

“Phương tiện truyền thông vô trách nhiệm”

Malaysia: Cảnh cáo các blogger ảnh 1

Trang web Malaysia Today trở thành diễn đàn tranh luận chính trị

Mohd Nazri Aziz, bộ trưởng luật pháp Malaysia, cảnh báo rằng đã đến lúc hành động chống lại cái mà chính phủ gọi là blog “vô trách nhiệm” hay blog có tính khích động. Và chính phủ có thể áp dụng biện pháp phạt tù để đối phó với các blogger đề cập những vấn đề được cho là nhạy cảm ở đất nước Malaysia đa tôn giáo, đa dân tộc.

Phó Thủ tướng Najib Abdul Razak, trong một buổi họp tại Học viện Báo chí Malaysia vào chiều 24-7, cũng cho biết chính phủ hết sức bối rối bởi sự phát triển của các phương tiện truyền thông “vô trách nhiệm”.

Theo ông, các blogger cần tỏ ra chừng mực khi tải lên mạng những bài tranh luận về chủng tộc và tôn giáo, nếu không sẽ có nguy cơ bị khởi tố, kể cả người phụ trách trang web và các phóng viên mạng. Lý do là “nhân danh tự do, những trang web này cho phép đăng tải những lời phỉ báng, dối trá và nguyền rủa, sử dụng ngôn ngữ hạ cấp, thô lỗ và nói xấu chủng tộc mà không quan tâm đến người đọc hay những người có liên quan”.

Bất đồng trong chính phủ

Ở Malaysia, các blog đã có một lượng người tham gia đều đặn trong những năm gần đây, chủ yếu là những diễn đàn công khai về những vấn đề chính trị nóng bỏng. Nhưng, cho đến nay các trang web chưa phải chịu sự giám sát của chính phủ như những phương tiện truyền thông chính.

Vài tháng nay, một số viên chức cấp cao trong chính phủ đã yêu cầu hành động nghiêm khắc hơn, kể cả đưa ra luật lệ mới nhằm kiểm soát những người mà họ cho là xem thường Hồi giáo, hay gieo rắc mầm mống chia rẽ. Nhưng không phải tất cả mọi người trong chính phủ đều ủng hộ quan điểm này.

Toh Kin Woon, một lãnh đạo cấp cao của Gerakan, đối tác trong liên minh cầm quyền Barisan Nasional, buộc chính phủ ngừng mọi biện pháp cấm đoán, ngừng theo dõi các blogger, vì không thể thúc đẩy sự phát triển đất nước một khi tước bỏ nhân quyền. “Các quyền dân sự và chính trị như quyền tự do ngôn luận, bất đồng ý kiến và hội họp cũng quan trọng như các quyền lợi kinh tế như quyền có việc làm, có nhà ở, được học tập và chăm sóc sức khỏe”.

Võ Hà (theo Al Jazeera,
New Straits Times
)

Tin cùng chuyên mục