“Tàu Nam Vang chạy ngang cồn cát”. “Cồn cát” vấn vương dân lục tỉnh từ xa xưa chính là cù lao Tân Lộc này. Trải bao biến động, nơi đây cũng thăng trầm, dập dềnh như sóng nước Hậu Giang vậy.
Bến sông rộn rã
Chiếc phà cập bến cù lao (cồn). Người lên kẻ xuống lao xao cả khúc sông. Tuyến đường chính từ bến sông vô UBND phường Tân Lộc (Thốt Nốt, Cần Thơ) hơn 6km được trải bê tông mượt mà. Anh Võ Phú Huống, Trưởng ban văn hóa phường Tân Lộc, cho biết có trên 20km đường bao quanh cù lao thì hơn 90% được đổ bê tông tráng nhựa. Hệ thống đèn đường cũng phủ trùm gần hết, chủ yếu do dân đóng góp. Bóng đêm thăm thẳm xứ cù lao với vài bóng đèn dầu hột vịt leo lét thực sự đã lùi xa lắm rồi.
Cái tên “Hòn đảo ngọt” định danh cho Tân Lộc nhờ bài hát của nhạc sĩ Phạm Tuyên cũng do cả ngàn hecta đất cù lao khi đó dập dờn những cánh đồng mía. Vào thời hoàng kim, “ngọt” nhất (1993 - 1994), cù lao Tân Lộc (rộng hơn 3.000ha) có gần 400 cơ sở nấu đường và lò nấu rượu mật. “Nay mía xuống, mận lên, từ 7 - 8 năm rồi”, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Lộc Đỗ Trung Ngôn tâm sự. 347/452ha diện tích vườn toàn phường trồng mận, không phải mận đá nhạt nhòa khi xưa mà là giống mận An Phước nổi danh thị trường. Lão nông Nguyễn Phú Tia còn nhanh nhạy mày mò đưa ra “Rượu mận Sáu Tia” làm lao xao suốt mấy kỳ hội chợ vùng. Để sản phẩm vươn xa, ông đã đăng ký độc quyền kiểu dáng công nghiệp, vệ sinh an toàn thực phẩm và làm thủ tục đăng ký sở hữu trí tuệ. “Có thí sinh thi hoa hậu mang cả rượu mận của tôi đi giới thiệu đặc sản quê hương đó nha…”, ông Sáu Tia tự hào.
Năm 2012, số hộ nghèo trong phường chỉ còn 5,23%; đạt 14/20 tiêu chí xây dựng nông thôn mới; 4/8 trường THCS đạt chuẩn quốc gia cùng hàng trăm học sinh giỏi cấp trường, quận và thành phố. Và còn từ phong trào “Nắm gạo tình thương” sâu rộng; các tổ cho vay vốn; các lớp học nghề may, việc làm ở các cơ sở hoặc khu công nghiệp... “Chất lượng cuộc sống, trình độ văn hóa, nhận thức xã hội được nâng lên… là những yếu tố quan trọng nhất giúp các cháu tự làm chủ và quyết định đúng đắn cuộc đời mình”, bà Nguyễn Thị Huệ, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Tân Lộc khẳng định.
Cô gái trên phà có nét đẹp “mặn mà”, da trắng, dáng người cao dong dỏng, hỏi hoài không chịu nói tên nhưng cũng nhận xét: Đám trai làng nay bớt nhậu nhẹt, tham gia các lớp tin học, trồng hoa kiểng, sửa xe, làm du lịch, vô các xí nghiệp, công ty trong ngoài thành phố... Sóng cù lao hết nôn nao lòng trẻ.
Lộc sông đi rồi
Có lúc Tân Lộc vang danh “Cù lao cá” với trên 200 bè; với phong trào săn đất, đào ao khiến giá đất dậy sóng (khoảng 280 triệu đồng/công/1.000m², tức gần 3 tỷ đồng/ha). Mỗi năm hàng chục ngàn tấn cá da trơn được xuất khẩu từ đây. Cá len vào giấc ngủ từng nhà bởi giá lên giá xuống phụ thuộc mãi tận trời xa; cá lật tung, thổi bay bao thửa ruộng, mảnh vườn khắp cù lao để biến thành những ao, đầm… Để rồi bây giờ “lại chuyển sang vườn, rẫy hết rồi”!
Lão ngư Chín Chỉnh (Nguyễn Chỉnh) đã 83 tuổi, vóc người cao lớn, da dẻ đỏ au tựa vách nhà thẫn thờ nhìn ra sông Cái Lai Vung (bên kia là Đồng Tháp): Lòng sông xói lở nhiều rồi mới rộng như vậy, cá cũng đi đâu hết… Ngày xưa chỉ dỡ 2 - 3 đống chà cũng được 5 - 10 tấn cá, tôm lớn bằng bắp tay, “ken đỏ chà”. Mùa cá bông lau ở đuôi cồn người ta phải sắp tài, có xuồng kéo cá cơm lên cả trăm ký, rồi cá sửu, cá úc, cá lăng, cá kết… “Dân hạ bạc tất bật quanh năm. Bây giờ chỉ thả lưới theo mùa, “bà độ” lắm cũng chỉ được 5 - 7kg cá. Xuồng, ghe lớn chuyển sang chở mướn, không còn vô rạch nữa…”. Cái nghề cả ba thế hệ dồn cho ông Chín Chỉnh, cái “Xóm câu” tồn tại cả trăm năm cũng trôi đi mất. Chợt gợi nhớ cái cảnh hàng đoàn ghe xuồng chở cá, cua, ốc, rắn, bông súng… từ bên đất bạn Campuchia đổ về xã đầu nguồn Khánh An (An Phú - An Giang). Biết bao cù lao đồng bằng vẫn bập bềnh sông nước nhưng rõ ràng, lộc sông đã bỏ dần người châu thổ…
Dấu xưa nhà cổ Tân Lộc cũng nhạt nhòa, trở thành hoài niệm. Cả chục ngôi nhà trên 100 năm tuổi nội thất bằng danh mộc, sơn son thếp vàng, họa tiết tinh xảo, cửa song tiện…tường vách nghiêng ngả, dây leo từng bụi trổ mái thả dài xuống đất. “Chỉ còn mấy cái thôi, xuống cấp trầm trọng rồi. Nhiều năm đợi chờ bởi lời hứa rót tiền tu bổ như gió thổi qua cồn, gia chủ chán nản, buông xuôi…”, anh Võ Phú Huống, Trưởng ban văn hóa phường, buồn bực chia sẻ.
Vẫn còn nhiều việc phải trăn trở lắm, Phó Chủ tịch Đỗ Trung Ngôn thừa nhận. Trồng lúa phải là lúa cao sản; hoa màu hay cây ăn trái phải có giá trị kinh tế cao như mè, xoài cát Hòa Lộc, mận An Phước. Xóm lưới, xóm tàu hủ có thể phát triển được, xóm dệt chiếu phải chuyển lên làm máy…
“Theo quy hoạch của thành phố, Tân Lộc vẫn được xác định khai thác thế mạnh miệt vườn. Dân làm vườn lão luyện, không khí trong lành, nét quê còn nhiều… Nếu được nhà nước đầu tư nơi đây sẽ trở thành khu du lịch xanh tuyệt vời”, ông Ngôn khẳng định. Từ mấy năm trước, Cần Thơ đã có chủ trương xây dựng chiếc cầu nối liền cồn Tân Lộc với quốc lộ 91 để phá thế độc đạo và phát triển du lịch cho cù lao. Dự án du lịch quốc gia “Hệ thống 5 cồn dọc sông Hậu” (cồn Ấu, cồn Khương, cồn Sơn, cồn Cái Khế, cồn Tân Lộc) là bước đi táo bạo với tầm nhìn mới: Mỗi cồn sẽ là một làng du lịch với các công trình vui chơi giải trí đa năng, khu resort, khu hội nghị - hội thảo cao cấp, khu vườn sinh thái, thể thao nước, bến tàu du lịch quốc tế, khu nghỉ dưỡng, làng nghề… mang đặc trưng miệt vườn, sông nước không đâu có được.
Cù lao Tân Lộc đã chuyển mình, hội nhập nhiều. Và trong tương lai nơi đây sẽ là điểm dừng chân cho những chuyến tàu du lịch quốc tế ngược xuôi trên dòng Mekong…
VŨ THỐNG NHẤT