Dự kiến hôm nay 29-3, Bộ VH-TT-DL sẽ tái giải trình với Chính phủ về kinh phí dự trù tổ chức Asiad 18. Tất nhiên, quan điểm của bộ vẫn sẽ là đăng cai đại hội với ngân sách tiết kiệm nhất mà theo bộ là khả thi.
Thế nhưng, dù giải trình như thế nào thì chắc chắn Bộ VH-TT-DL cũng không thể trả lời thỏa đáng về mục đích việc đăng cai sự kiện thể thao lớn nhất châu Á này và không chỉ xem xét ở khía cạnh tài chính. Tính hiệu quả của việc đăng cai Asiad 18 không chỉ nằm ở góc độ quảng bá hình ảnh đất nước mà tiên quyết phải là đẳng cấp thể thao của vị thế nước chủ nhà. Còn nếu chỉ chăm chăm vào việc vun vén để đủ ngân sách tổ chức thì những hiệu ứng xã hội sẽ ra sao nếu ta trắng tay về thành tích thi đấu?
Nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao, chuyên gia Nguyễn Hồng Minh bày tỏ mối quan ngại về việc giải trình của Bộ VH-TT-DL chỉ mới thiên về phần kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, bỏ quên phần vô cùng quan trọng, nếu không nói đó là điều cốt yếu để chúng ta đăng cai Asiad 18, đó là lực lượng VĐV tham gia. Theo ông Minh, để chuẩn bị cho SEA Games 2003, ngành thể thao mất 10 năm để chuẩn bị con người, trong khi hiện tại chúng ta chỉ còn 5 năm với mục tiêu tăng vượt bậc thành tích để đạt mục tiêu 7-10 HCV.
Thế nhưng, hiện tại chưa có đề án nào của ngành thể thao dự trù ngân sách đầu tư cho lực lượng VĐV, trong khi ngân sách rót cho ngành hàng năm đang “ăn đong” ở mức 60-70 tỷ đồng. Một thực tế khác, thế hệ VĐV tốt nhất của chúng ta đã qua thời đỉnh cao sau lần đăng cai Asian Indoor Games 2009, dẫn đến việc thất bại toàn diện ở Asiad 2010 với chỉ 1 HCV, còn 2 kỳ Olympic gần nhất đều tay trắng.
Đáng nói hơn, quá trình sa sút của thể thao Việt Nam đã nhìn thấy rất rõ tại SEA Games 27 vừa qua. Số lượng huy chương đạt đến ngưỡng châu Á chỉ nằm trong lòng bàn tay, trong khi tuyến kế thừa lại chưa thấy xuất hiện nhân tố đặc biệt. Tiêu biểu như ở môn bơi, một mình Hoàng Quý Phước đoạt đến 15 HCV tại giải vô địch quốc gia vừa tổ chức, trong khi bản thân anh lại đang vất vả tìm lại chỗ đứng trên đường bơi Đông Nam Á.
Những băn khoăn của đại biểu Quốc hội về ngân sách tổ chức Asiad 18 rất có cơ sở. Khoản chi tiết kiệm của ngành thể thao hoàn toàn chưa tính đến ngân sách để nâng cao thành tích chuyên môn. Thông thường, trước khi muốn giành quyền đăng cai một sự kiện thể thao, các nước chủ nhà phải bắt đầu từ năng lực thi đấu. Không thể có chuyện vì mục tiêu quảng bá đất nước mà thành tích lại không có gì, khác nào “lấy vàng đãi khách” trong bối cảnh nguồn lực xã hội cũng như ngân sách quốc gia đang phải ưu tiên cho việc hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đang gặp nhiều khó khăn. Cũng cần nhắc lại: Bất kỳ quốc gia nào đăng cai Olympic, Asiad từ trước đến nay, bên cạnh năng lực kinh tế, còn phải là một thế lực về thể thao. Trong khi với Việt Nam, chỉ xét tại châu Á, chúng ta đang nằm ngoài tốp 20, một điều hầu như chưa có tiền lệ. Đấy là chưa nói, đặt mục tiêu tiết kiệm ngân sách để làm gì nếu như sau đại hội, chúng ta lại đối diện với bài toán lãng phí cơ sở vật chất khi không có người tập luyện, vì lực lượng VĐV thiếu và không có kinh phí đầu tư.
Con số ước tính được các chuyên gia thể thao đưa ra là phải 400 triệu USD mới bảo đảm khâu tổ chức về chuyên môn và khoản tiền đó chỉ khả thi nếu như ngay từ bây giờ, ngành thể thao phải bắt tay ngay vào việc thu hút tài trợ chứ không phải đợi nước đến chân mới chạy nếu ta vẫn quyết tâm tổ chức Asiad 18.
VIỆT QUANG