Mạng xã hội tác động lớn đến hoạt động báo chí

Ngày 28-10, tại Thừa Thiên - Huế diễn ra Hội thảo “Mạng xã hội và báo chí” do Bộ TT-TT phối hợp với Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam tổ chức.

(SGGP).- Ngày 28-10, tại Thừa Thiên - Huế diễn ra Hội thảo “Mạng xã hội và báo chí” do Bộ TT-TT phối hợp với Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam tổ chức.

Thứ trưởng Bộ TT-TT Đỗ Quý Doãn chủ trì hội thảo; lãnh đạo các cơ quan thông tấn báo chí cả nước, các doanh nghiệp mạng xã hội Việt Nam cùng dự. Mạng xã hội đã trở thành một phần tất yếu trong đời sống, thu hút mọi người tham gia và sử dụng với nhiều tiện ích. Đặc biệt, mạng xã hội có mối quan hệ tương tác với hoạt động báo chí hiện đại. Tuy nhiên, nhiều cơ quan báo chí chưa tận dụng mạng xã hội như một nguồn thông tin bổ sung, trong khi mạng xã hội lại khai thác triệt để nguồn tin từ báo chí.

Tính đến tháng 9-2011, Việt Nam có 130 mạng xã hội được phép cung cấp dịch vụ. Trong tốp 100 website Việt Nam do Google Ad phanner công bố vào tháng 9-2010, đứng đầu là ZingMe với 5,1 triệu lượt người sử dụng; Facebook xếp thứ 2 với 2,9 triệu thành viên và 710 triệu lượt xem...

Bà Annelie Ewers, Giám đốc tổ chức đào tạo báo chí Thụy Điển (FOJO), cho rằng, mạng xã hội có tác động lớn đến hoạt động báo chí hiện đại khi có sự giám sát của nhà báo. Bà Annelie Ewers khẳng định, tận dụng lợi thế từ mạng xã hội vào hoạt động báo chí truyền thống sẽ giúp nhà báo thể hiện được vai trò, trách nhiệm của mình đối với những nội dung mà bài báo cung cấp.

Thứ trưởng Bộ TT-TT Đỗ Quý Doãn cho rằng:  Hội thảo là sự mở đầu của quá trình xây dựng mối quan hệ, tương tác mạng xã hội và báo chí truyền thống, đồng thời có những gợi ý cho công tác quản lý mạng xã hội. Mặt trái của mạng xã hội như lan truyền, kích động nội dung sai trái, vi phạm luật pháp, đạo đức… phải có sự điều chỉnh, định hướng. Để làm được điều này, cần có sự tham gia của các cơ quan báo chí.

Sắp tới, Bộ TT-TT sẽ tiếp tục mổ xẻ vấn đề quan hệ mạng xã hội với báo chí nhằm giải quyết vấn đề bảo đảm lợi ích của các chủ thể tham gia mạng xã hội. Qua đó, sẽ đưa ra văn bản pháp lý phù hợp với thực trạng, xu hướng sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam.  

V.Thắng

Tin cùng chuyên mục