Mang yêu thương đến với trẻ khuyết tật

Nếu như việc nuôi dạy và chăm sóc những đứa trẻ bình thường vất vả một thì các cô giáo tại Trường Giáo dục chuyên biệt Tương Lai (quận 1, TPHCM) lại vất vả gấp đôi ba lần.
Cô và trò Trường Tương Lai trong giờ học mỹ thuật
Cô và trò Trường Tương Lai trong giờ học mỹ thuật
 Nhưng bằng tấm lòng, tâm huyết, kiến thức của mình, các giáo viên tại trường luôn cố gắng với mong muốn có thể giúp trẻ phát triển và hòa nhập cộng đồng. 
Một sáng tháng 5, tôi có dịp đến thăm Trường Giáo dục chuyên biệt Tương Lai, dù đã tìm hiểu bước đầu về hoạt động của nhà trường nhưng khi đến tận nơi, nhìn tận mắt các em, tôi không khỏi ngỡ ngàng, bởi các em học sinh ở đây quá đặc biệt. Phản xạ của các em khi thấy người lạ thường là la hét. Cô Phạm Thị Hải Dương, giáo viên phụ trách lớp, phải giữ chặt tay để các em bình tĩnh, không gây thương tích cho chính mình và khách. Cô Dương chia sẻ, dù có khác biệt nhưng các em rất biết nghe lời khi được cô giáo nhắc nhở. Lớp cô Dương phụ trách có gần 10 em, em nhỏ nhất 5 tuổi và lớn nhất 14 tuổi, trai có gái có. 
Cuộc nói chuyện giữa tôi với cô Dương luôn bị ngắt quãng bởi những hành vi vô thức, không thể kiểm soát của các em. Nhưng cái hay là qua những lời nói, cử chỉ của cô, các em đã biết cùng ngồi lại với nhau chơi xếp hình, nặn đất, xâu chuỗi hạt, thậm chí vẽ.  Nói về lý do chọn gắn bó với ngôi trường và học sinh chuyên biệt này, cô Dương bộc bạch: “Ban đầu là nghề chọn mình chứ mình không chọn nghề, nhưng khi tiếp xúc với các em thì chính tình thương yêu trẻ lại giúp em muốn gắn bó với nơi đây. Em chỉ mong mình có thể giúp bù đắp được phần nào thiệt thòi của các em”. 
Hiện nay trường đang nuôi giữ và chăm sóc hơn 70 em học sinh, nhỏ nhất 3 tuổi và lớn nhất là 18 tuổi, với nhiều dạng khiếm khuyết khác nhau: bệnh tự kỷ, tăng động, chậm phát triển, bệnh Down, tâm thần nhẹ, teo cơ và bại não. Vừa phải dạy bảo, vừa chăm sóc các em đang bị bệnh nên giáo viên ở đây gặp nhiều vất vả và áp lực. Thông thường, một ngày lên lớp, các cô không có thời gian nghỉ ngơi. Thế nhưng, nhiều cô giáo đã gắn bó với nghề đến gần 30 năm và dành hết tình yêu thương của mình để chia sẻ, bù đắp cho sự thiệt thòi của các em. 
Tại ngôi trường này, mỗi giáo viên đều  tự giác học tập và rèn luyện cả về chuyên môn lẫn đạo đức nghề nghiệp. Các cô ý thức rất cao việc làm thế nào để giúp trẻ khiếm khuyết sớm hòa nhập tốt với cộng đồng, với xã hội. Đó chỉ có thể là tình thương, là trách nhiệm, là chuyên môn giỏi. Trong nhiều năm qua, tập thể giáo viên nhà trường đã chủ động thực hiện tốt việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Thông qua những mẩu chuyện về Bác, mỗi cá nhân nâng cao hơn nhận thức chính trị và năng lực chuyên môn. Việc học tập Bác được vận dụng  trong mỗi ngày đến lớp với sự sáng tạo trong từng cách tiếp cận, dạy dỗ, chăm sóc các em. Các cô còn tự làm đồ chơi mô phỏng đồ gia dụng để dạy trẻ kỹ năng sống, phát huy khả năng, năng khiếu tiềm ẩn trong mỗi em, giúp các em siêng năng đến lớp, tiến bộ hơn trong học tập, nhất là đối với các em chậm phát triển, bị khuyết tật trí tuệ. Bên cạnh đó, các giáo viên đã xây dựng chương trình can thiệp sớm và tâm vận động, qua đó giúp nhiều em đi lại được, nói chuyện được cũng như mạnh dạn tiếp xúc tốt với mọi người xung quanh.

Tin cùng chuyên mục