Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là một chiến lược phù hợp khi đất nước mở cửa, cần vốn đầu tư và giải quyết công ăn việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, thực tế tại Việt Nam và nhiều quốc gia cho thấy, nếu không quan tâm thúc đẩy mối liên kết giữa các công ty FDI và các nhà cung ứng nội địa, công nghiệp hỗ trợ không thể phát triển và sẽ không thể làm nền tảng cho những dự án đầu tư mới có trình độ công nghệ cao hơn. Kết quả là không những phần lớn giá trị của sản phẩm tạo ra nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam, mà năng lực công nghệ nội địa sẽ giậm chân tại chỗ. Do vậy, việc phát triển công nghiệp hỗ trợ là vô cùng cần thiết.
Trong thực tiễn sản xuất, có hai cách hiểu về công nghiệp hỗ trợ. Ở góc hẹp, công nghiệp hỗ trợ là các ngành sản xuất phụ tùng, linh kiện phục vụ cho công đoạn lắp ráp ra sản phẩm hoàn chỉnh. Ở góc độ rộng hơn, công nghiệp hỗ trợ được hiểu như toàn bộ các ngành tạo ra sản phẩm cũng như tạo ra các máy móc thiết bị hay những yếu tố vật chất nào khác góp phần tạo thành sản phẩm. Tại Việt Nam, thời gian qua, phát triển công nghiệp hỗ trợ là một chính sách được ưu tiên hàng đầu của Chính phủ, được kỳ vọng sẽ làm thay đổi bộ mặt của ngành công nghiệp Việt Nam. Bởi xét trên tầm nhìn trung và dài hạn, ngành công nghiệp hỗ trợ đóng vai trò rất quan trọng để xây dựng các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành công nghiệp Việt Nam. Đây cũng là nền tảng chính để xây dựng ngành công nghiệp sản xuất và lắp ráp sản phẩm cuối cùng.
Tuy nhiên, cho đến nay ngành công nghiệp hỗ trợ nước ta vẫn đang ở giai đoạn sơ khai, manh mún. Cụ thể, còn chưa định hình được sản phẩm hỗ trợ. Nhiều sản phẩm như ô tô, điện thoại di động, da giày, dệt may… vẫn chủ yếu là gia công, lắp ráp. Việt Nam chưa có các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ mũi nhọn, từ đó thúc đẩy mạnh đầu tư trở thành thế mạnh. Thêm vào đó, các chính sách, chiến lược, mối quan hệ cung cầu chưa đồng bộ. Số lượng các doanh nghiệp hỗ trợ nội địa mới chỉ dừng lại ở khâu sản xuất các chi tiết, linh kiện đơn giản và cơ cấu giá trị nội địa hóa rất nhỏ. Lý giải nguyên nhân trên, ông Lê Hoài Quốc, Trưởng ban Quản lý Khu công nghệ cao TPHCM cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam hiện chỉ có thể tập trung đầu tư và phát triển sản xuất các loại phụ tùng linh kiện có kích cỡ cồng kềnh với công nghệ sản xuất không quá phức tạp và chỉ với mục tiêu đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp FDI. Bên cạnh đó, năng lực của các nhà cung ứng chưa mạnh. Các doanh nghiệp nội địa có trình độ công nghệ thấp hơn nhiều so với doanh nghiệp của các nước trong khu vực ASEAN. Về năng lực tổ chức sản xuất và quản lý, chưa đáp ứng được đòi hỏi của các nhà đầu tư FDI. Quan trọng hơn, doanh nghiệp nội địa không đáp ứng được yêu cầu cũng như chính sách thu mua của các doanh nghiệp FDI rất khắt khe về chất lượng, thông số kỹ thuật, nguồn nguyên vật liệu, thời gian cung ứng…
Để có thể phát triển nhanh và mạnh ngành công nghiệp hỗ trợ, nhất thiết thành phố phải hình thành hệ thống các cơ quan đầu mối nhằm hỗ trợ toàn diện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển. Chính sách hỗ trợ này phải bao hàm cả hệ thống tổ chức, ngân sách, chính sách hỗ trợ và tạo việc làm… Đặc biệt là phải hướng hoạt động của những doanh nghiệp này vào các ngành công nghiệp hỗ trợ mà thành phố quan tâm. Chính sách hỗ trợ không chỉ tập trung vào việc giảm chi phí và nâng cao chất lượng hạ tầng công nghiệp mà còn phải duy trì được môi trường thuận lợi cho việc cải cách, đổi mới, trên cơ sở liên kết giữa doanh nghiệp, trường đại học và cơ quan nghiên cứu. Từ đó, thúc đẩy các doanh nghiệp nội địa nâng cao nhận thức và thực hiện sự đổi mới sáng tạo trong việc tạo ra sản phẩm cung ứng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Có thể thấy, phát triển được ngành công nghiệp hỗ trợ cũng đồng nghĩa là bảo đảm tính chủ động cho nền kinh tế, hạn chế tình trạng nhập siêu, tăng cường sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp chính, nâng cao giá trị sản phẩm công nghiệp, phát triển hệ thống doanh nghiệp vừa và nhỏ, mở rộng thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài.
MINH XUÂN