Mạnh tay với dự án “treo”

Hiện trên địa bàn TPHCM vẫn còn hàng trăm dự án, công trình chậm tiến độ, bị treo... dẫn đến quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng. Để hạn chế tình trạng này, Sở TN-MT TPHCM đang rà soát để xử lý mạnh tay, đề xuất hủy bỏ các dự án có thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất nhưng quá 3 năm chưa triển khai.

“Xí” đất rồi... để đó

Theo Sở TN-MT TPHCM, từ năm 2016 đến nay, HĐND thành phố đã thông qua 11 nghị quyết cho phép thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất đối với 1.445 dự án. Hiện có 402 dự án đã hoàn thành (chiếm 28%), 741 dự án đang triển khai (chiếm 51%). Tuy nhiên, trong đó vẫn còn 302 dự án treo, tức là đã quá thời hạn 3 năm mà chưa thực hiện thu hồi đất. Sở TN-MT đang rà soát để đưa ra khỏi nghị quyết các dự án, công trình quá 3 năm đăng ký kế hoạch sử dụng đất nhưng chưa triển khai. 

Về phía quận, huyện, đại diện UBND huyện Củ Chi cho biết, tổng số các dự án thực hiện có thu hồi đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất trên địa bàn huyện đã được HĐND thành phố ban hành nghị quyết thông qua là 95 dự án với diện tích thu hồi 1.686,7ha.

Trong đó, tại Nghị quyết 84, HĐND thành phố đã thông qua việc thu hồi, hủy bỏ 10 công trình, dự án trên địa bàn huyện, như: Dự án Trường Mầm non Tân Thạnh Đông (thay đổi vị trí); dự án sửa chữa nâng cấp đường Cây Trôm - Mỹ Khánh (nâng cấp trên nền hiện hữu, không thu hồi đất); Bệnh viện xã Tân Phú Trung (chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính)...

Theo lãnh đạo huyện Củ Chi, những nguyên nhân cơ bản khiến các dự án này chậm triển khai thực hiện là do vướng bồi thường, tái định cư, chủ đầu tư không đủ năng lực.

Tại huyện Bình Chánh, ông Võ Đức Thanh, Chủ tịch UBND huyện, cho biết, tổng số dự án thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng đã được HĐND thành phố thông qua từ năm 2015 đến nay trên địa bàn huyện là 244 dự án, trong đó 71 dự án hoàn thành (đạt tỷ lệ 29%); 121 dự án đang thực hiện (chiếm gần 50%); còn lại là số dự án quá 3 năm chưa thực hiện và đã loại khỏi kế hoạch sử dụng đất hàng năm (52 dự án, chiếm tỷ lệ 21%). 

Cụ thể, một số dự án đang bị chậm tiến độ là: dự án khu E tại khu đô thị Nam thành phố; dự án cây xanh cách ly tại 2 xã Phong Phú và Đa Phước; dự án khu đô thị Sing - Việt… Nguyên nhân chủ yếu các dự án chậm hoàn thành là do công tác thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư gặp nhiều khó khăn, trong đó đơn giá bồi thường chưa thực sự sát với giao dịch thực tế trên thị trường. Ngoài ra, một số chủ đầu tư chưa thật sự phối hợp cùng địa phương giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc trong công tác chi trả tiền bồi thường.

Nhiều vướng mắc

Giải thích vì sao có nhiều dự án bị treo, bị chậm tiến độ ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân phải thu hồi, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, đã chỉ ra hàng loạt khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai.

Cụ thể, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn khiến nhiều dự án kéo dài đến nay vẫn chưa kết thúc, dẫn đến tiến độ dự án chậm; chính sách bồi thường hỗ trợ, tái định cư thường xuyên được điều chỉnh, bổ sung theo hướng có lợi hơn cho người dân nhưng không phù hợp cho các dự án đã phê duyệt phương án theo chính sách Luật Đất đai năm 1993, 2003 nên gặp khó khăn trong việc tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận; việc áp dụng chính sách cho các tổ chức, cá nhân được bồi thường có lúc có nơi chưa phù hợp với quy định, thiếu nhất quán trong áp giá bồi thường; chính sách tái định cư và các khoản hỗ trợ khác chưa thích hợp dẫn đến tình trạng khiếu nại, so bì giữa các hộ dân. 

Tại một số dự án, công tác bố trí vốn bồi thường, hỗ trợ, tái định cư không hợp lý, làm kéo dài thời gian thực hiện, phát sinh thêm tiền phạt do chậm chi trả cho người dân. Mặt khác, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất và đầu tư xây dựng công trình còn hạn chế...

Để tháo gỡ những bất cập, vướng mắc hiện nay, ông Nguyễn Toàn Thắng kiến nghị, Quốc hội sớm thông qua nghị quyết thí điểm tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập nhằm đẩy nhanh tiến độ giao mặt bằng để đầu tư xây dựng các dự án.

Hiện nay, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chỉ được thực hiện sau khi đã thành lập, thẩm định, phê duyệt dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng. Do đó, cần nghiên cứu kết nối, lồng ghép giữa 2 quy trình này sẽ nâng cao hiệu quả, đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng. 

Vốn là điểm nghẽn quan trọng của các dự án đầu tư có liên quan đến thu hồi đất và bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nên ông Nguyễn Toàn Thắng cũng kiến nghị UBND TPHCM cần ưu tiên, bố trí kinh phí ngân sách để thực hiện các dự án đầu tư công trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện.

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý đất đai bảo đảm chặt chẽ, công khai minh bạch, từ công tác quy hoạch, xây dựng quy hoạch đến việc quản lý và sử dụng đất hàng năm nhằm sử dụng có hiệu quả, tránh lãng phí; tập trung rà soát tính khả thi của từng công trình, dự án đầu tư có sử dụng đất; kiên quyết xử lý các công trình, dự án chậm tiến độ, kéo dài; thường xuyên rà soát, báo cáo khó khăn vướng mắc, đề xuất, xin ý kiến các bộ, ngành hướng dẫn tháo gỡ, đẩy nhanh thực hiện tiến độ dự án.

Tin cùng chuyên mục