Đua xe trái phép lâu nay đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân, vì các đối tượng này thường chọn khung giờ thanh vắng, sử dụng các loại xe “độ”, “chế” với tiếng nẹt pô đinh tai nhức óc. Nguy hiểm hơn, chúng bất chấp an toàn giao thông, tính mạng của người đi đường. Thời gian qua, Chính phủ, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Bộ Công an và lãnh đạo các địa phương đã chỉ đạo nhiều biện pháp, giải pháp để hạn chế đua xe trái phép, nhưng tình hình vẫn không giảm mà lại có chiều hướng gia tăng.
Không chỉ tại TPHCM, ở nhiều địa phương như Hà Nội, Cần Thơ, Hậu Giang, Tiền Giang, Bình Dương…, nạn đua xe trái phép cũng diễn ra thường xuyên, dù lực lượng chức năng đã nỗ lực triệt phá.
Theo Cục Cảnh sát giao thông, trong năm 2020, lực lượng chức năng toàn quốc đã phát hiện 803 vụ việc sử dụng xe máy lạng lách đánh võng trên đường, với 1.807 đối tượng; đã khởi tố 12 vụ, 69 đối tượng. Quý 1-2021, lực lượng chức năng đã phát hiện, ngăn chặn 326 vụ đua xe trái phép. Thế nhưng, càng ngày các đối tượng đua xe càng manh động hơn, thậm chí sẵn sàng dùng phương tiện chặn quốc lộ để đua xe. Các chuyên gia về tâm lý học tội phạm cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến nạn đua xe trái phép.
Đầu tiên, đó là nhu cầu được trải nghiệm cảm giác mạnh khi đối diện với nguy hiểm. Hoạt động thể thao mạo hiểm như đua mô tô giúp con người thỏa mãn nhu cầu đó. Ở nước ta hiện nay, các hoạt động đua xe mạo hiểm chưa được tổ chức rộng rãi. Sự thiếu vắng sân chơi này là một trong những nguyên nhân dẫn đến các cuộc đua tự phát. Đối tượng tham gia các vụ đua xe trái phép hầu hết là thanh thiếu niên. Đây là độ tuổi rất hiếu động, bốc đồng, ham hiểu biết, thích cảm giác mạnh và luôn có ham muốn tự thể hiện mình với người xung quanh.
Nếu tham gia vài lần không bị ngăn chặn, xử lý nghiêm khắc, sẽ hình thành nên thói quen vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, còn có trách nhiệm của chính quyền địa phương và gia đình. Chính quyền, các ban ngành ở một số địa phương xem công tác phòng chống đua xe là việc riêng của lực lượng công an, nên hoạt động phòng ngừa chưa được triển khai thường xuyên, rộng khắp.
Tình trạng nuông chiều, thiếu sự giám sát, buông lỏng quản lý con cái khá phổ biến ở nhiều gia đình. Điều này dẫn đến việc không nắm bắt được tư tưởng, hành vi, sinh hoạt hàng ngày của con em mình để giáo dục, uốn nắn. Quan trọng hơn, công tác phòng ngừa nghiệp vụ nhiều lúc còn chưa theo kịp tình hình; hoạt động điều tra, truy tố, xét xử vụ án chưa kịp thời, nghiêm minh, dẫn tới bỏ lọt tội phạm; hay biện pháp xử phạt thông thường chỉ là hành chính nên tác dụng răn đe, giáo dục chưa cao.
Trước tình trạng thanh thiếu niên sử dụng mạng xã hội kêu gọi, tụ tập đông người, chạy xe lạng lách đánh võng, nẹt pô, gây rối trật tự công cộng, đua xe trái phép trên các tuyến giao thông diễn ra công khai thời gian qua, Bộ Công an đã chỉ đạo cảnh sát giao thông toàn quốc và công an các tỉnh thành tập trung thực hiện quyết liệt trong việc khẩn trương điều tra, giải quyết các vụ việc mới xảy ra và áp dụng thủ tục rút gọn để phối hợp cơ quan bảo vệ pháp luật nhanh chóng đưa ra truy tố, xét xử nghiêm những đối tượng tổ chức, đua xe trái phép, gây rối trật tự công cộng theo quy định của pháp luật; đề nghị xét xử lưu động ngay tại địa bàn một số vụ điển hình nhằm răn đe, giáo dục chung.
Đồng thời, thông qua các hoạt động nghiệp vụ và qua mạng xã hội, cơ quan thông tin đại chúng, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống camera giám sát để phòng ngừa, ngăn chặn ngay từ khi các đối tượng có ý định nhen nhóm. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, những biện pháp trên là chưa đủ mạnh để răn đe. Các cơ quan thực thi pháp luật cần tăng nặng hình phạt như nâng mức phạt tiền và các chế tài kèm theo (tịch thu phương tiện vi phạm, thu hồi giấy phép lái xe…); nếu vi phạm nguy hiểm phải xử lý hình sự thì mới giải quyết được dứt điểm nạn đua xe trái phép!