Mạnh tay với hàng giả, hàng nhái

Hàng giả, hàng nhái được tiêu thụ công khai nhưng việc tổ chức sản xuất diễn ra trong bóng tối. Vì thế, những nỗ lực ngăn chặn vẫn chưa thể loại trừ hoàn toàn. Điều đáng nói, tình trạng tràn lan hàng giả, hàng nhái trên thị trường đang gây hoang mang cộng đồng, làm suy yếu sức cạnh tranh của hàng hóa chất lượng.
Doanh nghiệp giúp người tiêu dùng phân biệt hàng giả - hàng thật
Doanh nghiệp giúp người tiêu dùng phân biệt hàng giả - hàng thật
Lắm thủ đoạn

Theo Ban chỉ đạo chống hàng gian, hàng giả 389 quốc gia (gọi tắt: Ban chỉ đạo 389 quốc gia), qua 10 tháng đầu năm 2017, ban chỉ đạo đã xử lý 3.863 vụ vi phạm hàng gian, hàng giả. Những vụ đình đám gần đây nhất phải kể đến vụ án sản xuất kinh doanh thuốc trị ung thư giả của Công ty Dược Pharma Việt Nam. Gần hơn nữa là vụ tráo mác nhà sản xuất, lợi dụng thương hiệu nhằm nâng giá trị lên hàng chục lần của Khải Silk, với thừa nhận đã kéo dài gần 30 năm và mới nhất là lô hàng trị giá 11 tỷ đồng gồm hàng mỹ phẩm; thực phẩm chức năng; chăm sóc, làm đẹp… liên quan đến một hoa hậu quý bà vừa được khám phá. Đây mới chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. 

Tại TPHCM, trong 10 tháng đầu năm 2017, lực lượng chức năng đã thụ lý giải quyết 119 vụ, 142 đối tượng buôn bán hàng giả. Đã khởi tố 7 vụ, 13 đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả và xử lý hành chính 86 vụ, 92 đối tượng buôn bán hàng giả, phạt hành chính 2,7 tỷ đồng.

Lý giải về tình trạng sản xuất kinh doanh hàng gian, hàng giả vẫn còn diễn biến phức tạp, ông Trương Văn Ba, Phó Chánh văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia, cho rằng tình trạng hàng gian, hàng giả vẫn còn diễn biến phức tạp do nhiều nguyên nhân. Trong đó có nguyên nhân thuộc về người tiêu dùng khi chưa trang bị đầy đủ kiến thức tiêu dùng, còn tâm lý chuộng hàng ngoại, ham rẻ... Lý do khác thuộc về doanh nghiệp vì chưa theo sát thị trường, né tránh, ngại đụng chạm... Nhưng có nguyên nhân không kém phần quan trọng, đó là sự bất cập trong quản lý, sự xao nhãng trong công tác đấu tranh, tạo kẽ hở cho hàng giả, hàng nhái phát triển; sự phối hợp giữa các cơ quan chưa thực sự chặt chẽ, đồng bộ.

Trao đổi về nội dung này, bà Nguyễn Thị Huyền Trang, đại diện Cục Sở hữu trí tuệ, cho biết nguyên nhân các doanh nghiệp bị làm giả sản phẩm hoặc bị mất thương hiệu là do doanh nghiệp Việt Nam chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của thương hiệu hàng hóa; sự đóng góp của thương hiệu trong giá trị sản phẩm và sự cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trên thị trường. Từ đó, xem nhẹ việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với thương hiệu của mình, không chỉ tại thị trường nước ngoài mà ngay cả ở thị trường trong nước. Một tâm lý phổ biến là để tiết kiệm chi phí, các doanh nghiệp thường chờ khi sản phẩm có chỗ đứng tại thị trường nước ngoài nào đó, rồi mới nghĩ đến việc đăng ký thương hiệu. Các doanh nghiệp này không nhận thức được rằng, nếu muốn kinh doanh thành công và lâu dài, trước tiên phải đăng ký thương hiệu ở những thị trường mình có ý định muốn quảng bá sản phẩm.

Theo Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng, Đội phó Đội 7, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TPHCM, thủ đoạn của tội phạm buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ… ngày càng tinh vi, khó phát hiện. Tội phạm thường tổ chức sản xuất hàng giả ở nhiều nơi, mỗi nơi làm một khâu; sau đó mới chuyển đến nơi tập kết để lắp ráp hoàn chỉnh rồi đưa đến nơi tiêu thụ. Vì vậy, khi bị phát hiện ở khâu, công đoạn nào đó thì các đối tượng có thể nhanh chóng tẩu tán tang vật ở những khâu khác nhằm tiêu hủy chứng cứ. 

Mặt khác, việc thu giữ tang vật của cơ quan chức năng cũng khó bảo đảm về trị giá số lượng để xử lý về hình sự và cũng khó tìm ra đối tượng cầm đầu đường dây... Chiêu kế tiếp là các đối tượng sản xuất hàng giả lợi dụng các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hợp pháp được phép sản xuất các mặt hàng cùng loại để sản xuất hàng giả. Các đối tượng thường sản xuất loại hàng này theo đơn đặt hàng với số lượng không nhiều, sản xuất đến đâu tiêu thụ đến đó. Điều này gây khó khăn cho cơ quan điều tra trong việc phát hiện và xử lý, vì chỉ có thông qua kiểm tra, giám định của cơ quan chuyên môn mới có thể kết luận được, trong khi việc này chỉ khi nào có cơ sở nghi vấn là hàng giả thì mới có thể tiến hành. 

Chế tài xử phạt thật mạnh

Trong thời buổi “vàng thau” lẫn lộn như hiện nay, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng không chừa bất cứ một ai. Hầu hết các hãng có uy tín, có thương hiệu, được người tiêu dùng ưa chuộng đều có nguy cơ bị làm giả, làm nhái hàng hóa. Xét về góc độ kinh tế, hàng giả, hàng nhái gây ảnh hưởng rất lớn đến lợi nhuận của những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính. 

Tác động tiêu cực đầu tiên là hành vi trên làm mất uy tín của những doanh nghiệp có sản phẩm bị làm giả, khiến người tiêu dùng hiểu lầm, dẫn đến việc quay lưng lại với sản phẩm. Mặt khác, vì có lợi thế về giá cả so với với hàng “xịn” mà hàng giả, hàng nhái khiến những mặt hàng chính hãng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng lâm vào tình trạng ế ẩm, suy giảm doanh thu. Để xử lý hàng nhái, hàng giả, nhiều ý kiến cho rằng, sự tham gia của doanh nghiệp - chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ trong thực thi là rất quan trọng. Luật Sở hữu trí tuệ của Việt Nam cũng đã quy định, đây không chỉ là quyền mà còn là trách nhiệm của các doanh nghiệp trong công tác phối hợp và hợp tác với các cơ quan thực thi pháp luật. Sự liên minh giữa các nhà sản xuất trong đấu tranh chống hàng giả cần tích cực hơn nữa. Doanh nghiệp không được buông lỏng quản lý, giám sát tiêu thụ hàng hóa của mình; không nên coi việc chống hàng giả là việc riêng của các cơ quan thực thi pháp luật. 

Theo ông Nguyễn Viết Hồng, Tổng Giám đốc Công ty VinaCHG, Tổng thư ký Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TPHCM, hàng giả là vấn nạn được xã hội quan tâm. Đây là một trong những vấn đề mà các doanh nghiệp làm ăn chân chính rất bức xúc. Thời gian qua, công ty cũng có sự tương tác và khuyến khích nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM khi phát hiện hàng giả nên liên hệ trình báo với các cơ quan có thẩm quyền. Thế nhưng, việc xử lý hiện nay chưa thực sự hiệu quả và đồng bộ. 

Đứng về góc độ người tiêu dùng, khi mua phải hàng giả cũng rất ngại khiếu kiện, khiếu nại khi đưa thông tin lên các phương tiện truyền thông. Theo ông Hồng, việc nâng cao ý thức trong việc chống hàng giả giữa cơ quan quản lý Nhà nước, giới truyền thông và người tiêu dùng liên kết với nhau là rất cần thiết và cấp bách. 

Ông Trương Văn Ba cho biết thêm, dịp cuối năm chính là cơ hội thuận lợi để các đối tượng tham gia buôn bán hàng giả, hàng nhái nhiều hơn. Chính vì vậy, Ban chỉ đạo 389 quốc gia sẽ tăng cường đoàn công tác thanh tra tại các địa phương, bộ ngành. Địa phương, đơn vị nào không thực hiện tốt, Ban chỉ đạo 389 quốc gia sẽ kiến nghị Chính phủ có hướng xử lý nghiêm minh.
* NGUYỄN NGỌC TÝ, Giám đốc điều hành Công ty Thời trang nón Sơn: Cần giải quyết sự vụ nhanh hơn 

Vấn nạn hàng giả, hàng nhái là thực trạng đáng buồn trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp làm ăn chân chính, có mặt hàng bị làm giả. Việc xử lý vấn nạn hàng giả, hàng nhái hiện nay còn quá nhiều bất cập. Chẳng hạn, khi một hồ sơ vi phạm chuyển về Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tốn rất nhiều thời gian và qua nhiều khâu mới có thể xử lý được. Một thực trạng xử lý khác còn nhiêu khê hơn là hàng xâm phạm bản quyền. Chúng tôi kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền cần xử lý nhanh, dứt điểm các vụ án vi phạm và phải xử lý thật nghiêm để không còn xảy ra tình trạng tái vi phạm làm hàng giả, hàng nhái như vừa qua.

* PHẠM XUÂN HUY, Giám đốc Công ty CP Điện tử kinh tế Việt Nam - Vina groups: Đồng bộ các giải pháp

Hàng hóa đi theo chuỗi từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng. Vì thế, muốn ngăn chặn nạn hàng giả cần phải quan tâm đến những vấn đề bảo hộ thương hiệu, phân phối sản phẩm. Trong đó, phân phối qua kênh online, sàn thương mại điện tử, mạng xã hội đang đặt ra nhiều vấn đề đáng bàn. 

Tùy vào chức năng, nhiệm vụ của mình, lực lượng quản lý thị trường ở khâu nào, có những xử lý kịp thời ở khâu đó. Bên cạnh đó, chúng ta cần quan tâm hơn tới khâu quản lý việc thực hiện luật quảng cáo trên online. Hiện nay, hầu như việc quản lý này đang bị bỏ ngỏ. Ở khâu bảo vệ người tiêu dùng, các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần có những chính sách khuyến khích người tiêu dùng đưa hàng giả ra ánh sáng và xử lý mạnh, quyết liệt việc vi phạm. Để công tác xử lý hàng giả đạt hiệu quả cao, cần phải có sự liên kết giữa những lĩnh vực chuyên môn, chuyên sâu, đồng bộ hệ thống. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng nên phối hợp xuyên suốt, nhịp nhàng từ khâu vận chuyển logistic cho đến khâu thanh toán, nhằm phát hiện và xử lý kịp thời những vụ việc vi phạm, làm giả.
THU NGÂN (ghi)

Tin cùng chuyên mục