
Sáng nay, 13-10, Bộ trưởng Tư pháp Hà Lan, Ernst Hirsch Ballin, cho biết, loại nấm gây ảo giác đang bán rộng rãi ở nước này sẽ bị xem như những loại ma túy khác và sẽ bị cấm bán. Lệnh cấm không cần được Quốc hội thông qua và có hiệu lực trong vài tháng tới. Các cửa hàng tiếp tục bán nấm này sẽ bị buộc đóng cửa.
Từ cái chết của một nữ sinh

Chính phủ Hà Lan quyết định mạnh tay với loại nấm gây ảo giác sau khi xảy ra một số tai nạn, thậm chí gây chết người, với những du khách từng đến Hà Lan và đã ăn nấm. Câu chuyện bắt đầu từ cái chết của nữ sinh người Pháp, Gaelle Caroff, 17 tuổi, đã nhảy lầu tự tử sau khi đến thăm một trường ở Amsterdam hồi tháng 3.
Bố mẹ Caroff đổ lỗi do cô đã ăn nấm sau khi thăm trường và bị ảo giác dẫn đến tự tử. Từ cái chết của Caroff, báo chí Hà Lan phanh phui nhiều vụ bất thường khác của du khách nước ngoài sau khi ăn loại nấm trên: một du khách Anh, 22 tuổi, chạy như người điên trong khách sạn, đập vỡ một cửa sổ và dùng dao tự cắt tay; một du khách Iceland, 19 tuổi, nhảy khỏi ban công bị gãy chân; một du khách Đan Mạch, 29 tuổi, lái xe chạy điên cuồng qua một khu cắm trại và suýt đâm vào những người ngủ trong lều... Đa số đều đã ăn nấm được bán ở Amsterdam.
Psilocybin, thành phần hóa học chính trong nấm, bị liệt vào danh mục chất bất hợp pháp theo luật quốc tế từ năm 1971. Tuy nhiên, nấm tươi chưa chế biến được bán hợp pháp ở Hà Lan với lý do không thể xác định loại chất tự nhiên nào có trong nấm.
Cấm bán nấm có khả thi?

Trong một cửa hàng bán các chế phẩm nấm gây ảo giác
Điều đáng chú ý là lệnh cấm được đưa ra dựa trên sự tham khảo từ chính những người bán nấm, những nhóm ủng hộ và chính quyền Amsterdam, những nơi hưởng lợi từ khách du lịch nước ngoài. Lệnh cấm bán nấm gây ảo giác được cho là đi ngược lại chính sách bán thuốc tự do nổi tiếng của Hà Lan.
Theo chính sách thoáng của Hà Lan, về mặt kỹ thuật, ma túy làm từ cây cần sa là bất hợp pháp nhưng cảnh sát không khởi tố những người sở hữu một lượng nhỏ. Trong khi đó, sở hữu những loại ma túy nặng như cocaine, LSD và ecstasy là bất hợp pháp. Vậy lệnh cấm nấm ảo giác kể trên thuộc loại hình nào? Mặc dù tuyên bố mạnh tay nhưng Bộ Tư pháp Hà Lan cho biết sẽ không đề cập đến chính sách không khởi tố mà đặt mục tiêu vào những người bán.
Trong khi đó, ông Murat Kucuksen, người có nông trại ở Procare cung cấp khoảng phân nửa số nấm cho thị trường Hà Lan, cho biết, ông đã mất nhiều triệu euro đầu tư vào việc trồng nấm hợp pháp. Ông Kucuksen dự đoán, lệnh cấm sẽ khiến việc mua bán đi vào thế giới ngầm, giá sẽ tăng và người bán sẽ chuyển sang bán nấm khô để tránh bị bắt dẫn đến việc sẽ không có hướng dẫn nào cho du khách. Vì thế, số vụ tai nạn sẽ tăng nhưng có thể được cho là... không liên quan đến nấm.
ĐỨC ANH (theo Guardian, AFP)
Theo thống kê, khoảng 500.000 “liều” nấm đóng gói được bán ra ở Amsterdam hàng năm. Trung tâm cấp cứu thành phố ghi nhận, từ năm 2004-2006, có 148 ca liên quan hành vi không kiểm soát do ăn nấm, trong đó có 134 ca là người nước ngoài. |