Những ngày qua, câu chuyện bộ phim Ngôi nhà bươm bướm sử dụng ca khúc của Noo Phước Thịnh và Thu Minh nhưng chưa xin phép ca sĩ biểu diễn và nhạc sĩ gây nhiều tranh cãi trái chiều. Lỗi sai đương nhiên thuộc về nhà sản xuất phim và sự việc vẫn chưa đi đến hồi kết khi các bên chưa đạt được thỏa thuận. Vấn đề bản quyền, một lần nữa cho thấy còn quá nhiều tồn tại.
Theo Noo Phước Thịnh, nhà sản xuất đã sử dụng bản thu ca khúc Mãi mãi bên nhau (sáng tác Đỗ Hiếu) nhưng chưa nhận được bất cứ sự xin phép nào. Ngay sau đó, phía Noo Phước Thịnh yêu cầu bộ phim gỡ bỏ bản ghi âm bài hát của mình, xin lỗi công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và bồi thường 500 triệu đồng. Ê kíp bộ phim đã gửi lời xin lỗi chính thức đến nhạc sĩ Đỗ Hiếu, ca sĩ Noo Phước Thịnh cũng như nhóm sản xuất các bản thu khác, được sử dụng trong các phim, như: Taxi, Đường cong...
Theo đại diện đoàn phim, họ đã làm việc với Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) - chi nhánh phía Nam, thông qua hợp đồng sử dụng quyền tác giả âm nhạc, để mua bản quyền sáng tác cho các ca khúc: Mãi mãi bên nhau, Đường cong, Taxi, Nỗi lòng… Phía nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong và ca sĩ Thu Minh (tác giả và ca sĩ độc quyền các bài hát Đường cong, Taxi...) cũng lên tiếng khẳng định bộ phim đã vi phạm bản quyền, nhưng chưa thực hiện bất kỳ hành động pháp lý nào đối với nhà sản xuất bộ phim, do hiểu khó khăn của nhà làm phim, tôn trọng và tránh làm tổn thương khán giả cũng như các nghệ sĩ gạo cội tham gia trong phim. Tuy nhiên, ê kíp vẫn chờ đợi hành động thượng tôn pháp luật từ nhà sản xuất Ngôi nhà bươm bướm.
Xin được làm rõ thêm, hành động được cho là xin phép VCPMC, thực chất, nhà sản xuất Ngôi nhà bươm bướm chỉ mua quyền tác giả đối với các ca khúc này, tức là có thể mời ca sĩ, nhạc sĩ về dựng một bản thu âm mới. Tuy nhiên, trong bộ phim, bản thu âm của các ca khúc thuộc về các ca sĩ, nhóm sản xuất nói trên đã sử dụng không xin phép, tức là đã vi phạm quyền liên quan của ca khúc trên. Lỗi sai rõ ràng, còn lời giải thích vì nhầm lẫn, hiểu lầm là chưa thực sự thỏa đáng.
Không phải ngẫu nhiên ê kíp Noo Phước Thịnh tỏ ra cứng rắn, bởi hơn ai hết, họ từng nhận bài học đắt giá. Năm 2017, MV ca khúc Chạm khẽ tim anh một chút thôi của anh từng bị tố vi phạm vì đã sử dụng tác phẩm The Way mà chưa xin phép. Không những phải gỡ bỏ MV, anh còn bị yêu cầu bồi thường 1 tỷ đồng, xin lỗi công khai trên báo chí.
Hàng loạt các ca sĩ Việt, ngay cả nhiều nghệ sĩ tên tuổi: Thu Phương, Mỹ Tâm, Hồ Ngọc Hà, Bảo Anh… cũng từng ít nhất 1 lần vi phạm bản quyền, thậm chí phải bồi thường số tiền lên đến 400 triệu đồng như trường hợp của Bảo Anh. Nhìn rộng ra, trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, thời gian qua liên tiếp xảy ra nhiều vụ vi phạm bản quyền, như giữa bộ phim Gạo nếp gạo tẻ với FPT Telecom, POPS và truyền hình FPT…
Có một thực tế, các vụ vi phạm bản quyền ở Việt Nam ngay cả khi có bằng chứng rõ ràng, đa phần được giải quyết nghiêng về tình hơn là lý. Tức là sau khi vi phạm, phía bị đơn lên tiếng xin lỗi, cam kết không tái phạm, hai bên sẽ tự hòa giải, hiếm trường hợp đưa ra pháp luật. Vụ việc mới đây giữa họa sĩ Lê Linh liên quan đến quyền tác giả bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt với 12 năm ròng rã theo kiện là trường hợp đặc biệt. Và trong vụ việc lần này, nếu Noo Phước Thịnh quyết theo sự việc đến cùng, sẽ xóa đi tiền lệ trước đây.
Không chỉ với những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, việc nắm vững, hiểu và tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ, tôn trọng pháp luật luôn cần được đặt lên hàng đầu đối với tất cả lĩnh vực thuộc đời sống xã hội. Từ những vụ việc vi phạm bản quyền giữa nghệ sĩ Việt với các đơn vị nước ngoài là bài học cần được nhìn nhận một cách thẳng thắn, nghiêm túc. Chưa nói đến số tiền bồi thường là nhiều hay ít, điều quan trọng hơn, đó là sự tôn trọng với thành quả chất xám, mồ hôi, công sức của những người tạo nên tác phẩm nghệ thuật. Khi các bên không thể đạt thỏa thuận về tình, việc nhờ pháp luật can thiệp là điều cần làm, cấp thiết.