ĐBSCL là xứ sở của sông rạch với tổng chiều dài 25.000km, trong đó 13.000 km có khả năng phục vụ giao thông. Ước tính có tới 60% dân số ĐBSCL sử dụng các phương tiện vận tải thủy. Trong điều kiện đường bộ chưa được đầu tư phát triển đúng tầm, đường thủy đã đóng góp quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Hàng năm khu vực này làm ra 50% tổng sản lượng gạo cả nước; 90% lượng gạo xuất khẩu, 50% sản lượng thủy sản xuất khẩu và nhập khẩu hơn 2 triệu tấn phân bón... mà phần lớn đều phải vận chuyển bằng đường thủy. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của đường thủy ĐBSCL.
Tuy nhiên, đường thủy ĐBSCL đang có những bất cập. Đó là tình trạng các phương tiện “4 không” – không đăng ký, đăng kiểm, không chứng chỉ chuyên môn, không bằng cấp, không đảm bảo các điều kiện an toàn nhưng vẫn đang hoạt động khá phổ biến. ĐBSCL chỉ mới có 200.000/800.000 phương tiện đăng kiểm. Ngoài ra, do thiếu đầu tư nạo vét vì vùng này nhiều phù sa, kênh rạch dễ bị bồi lắng, không ít phương tiện thủy kém chất lượng và thiếu bảo hộ an toàn. Năm 2011, lũ lớn ở thượng nguồn và triều cường ở hạ nguồn sông Cửu Long đã làm nhiều tuyến đê bao bị vỡ.
Từ đó đến nay, tình trạng sạt lở nhiều con sông ở khắp đồng bằng ngày càng nghiêm trọng. Năm 2011, ở ĐBSCL tuy không có nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng nhưng hầu như ngày nào cũng có tai nạn xảy ra. Cuối tháng 3, tại chợ nổi Cái Răng, một chiếc sà lan trọng tải lớn đã đụng chìm một chiếc tàu du lịch chở 12 khách du lịch nước ngoài làm một người thiệt mạng.
Đầu tháng 4, vụ chìm ghe trên sông Hậu, thuộc địa phận xã Vĩnh Trường, huyện Châu Phú, An Giang đã cướp đi sinh mạng của 3 người vô tội, 21 người may mắn được cứu sống. Vụ chìm tàu du lịch Hạ Long, Quảng Ninh làm thiệt hại nhiều du khách nước ngoài và vụ lật tàu du lịch Dìn Ký (Bình Dương) dường như vẫn chưa làm nhiều địa phương vùng ĐBSCL tỉnh ngộ. Tình trạng mở tàu du lịch lậu diễn ra tràn lan không kiểm soát đang đe dọa nghiêm trọng tình trạng an toàn giao thông thủy.
Theo quy hoạch phát triển đến năm 2015, ĐBSCL sẽ có 20 bến cảng với tổng năng lực thông quan 12 - 14 triệu tấn hàng hóa/năm. Dự án luồng cho tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu qua kênh Quan Chánh Bố (Trà Vinh) đang thi công là một thuận lợi. Nhưng công trình đang thực hiện rất chậm, không biết đến năm 2016 có hoàn thành?
Trong khi chờ đợi, giải pháp căn cơ chính là ngành chủ quản và các địa phương cần có một kế hoạch tổng lực. Vấn đề cốt lõi là nạo vét các tuyến kênh huyết mạch quan trọng; đặc biệt là luồng Định An cho tàu biển vào sông Hậu và các đường thủy quan trọng khác đi TPHCM và các nước láng giềng như Campuchia, Thái Lan…
Chống sạt lở các con sông là giải pháp cấp bách đối với các địa phương ĐBSCL đòi hỏi ngành chủ quản và trung ương phải có kế hoạch đầu tư hợp lý. Cần mở rộng các lớp đào tạo ngắn và dài hạn cho người sử dụng các phương tiện giao thông thủy. Xử phạt thật nghiêm các trường hợp vi phạm an toàn giao thông thủy.
Lê Bình