Trước thực trạng ngày càng lộn xộn, phức tạp trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật và trình diễn thời trang, gần đây Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã có những động thái quyết liệt nhằm chấn chỉnh, lập lại trật tự kỷ cương trong lĩnh vực này. Dư luận hoan nghênh nhưng cũng còn chút dè dặt chờ xem hiệu quả và tính bền vững của những giải pháp được đưa ra.
Đây là một lĩnh vực nhạy cảm, được đông đảo công chúng quan tâm bởi lẽ nó tác động sâu rộng đến tư tưởng, đạo đức và lối sống của cộng đồng xã hội, đặc biệt là giới trẻ. Lâu nay, chúng ta không thiếu những quy định cụ thể để điều hành, tổ chức hoạt động biểu diễn, từ việc thẩm định, phúc khảo các chương trình đến công tác giám sát, hậu kiểm.
Tuy nhiên do cơ quan, đơn vị được giao thực hiện chức trách nhiệm vụ chưa nghiêm, thậm chí có nơi có lúc buông lỏng quản lý. Một người vi phạm không sao ắt kéo theo nhiều người vi phạm, dẫn tới tình trạng rối rắm, lộn xộn, thậm chí gây phản cảm mà lý ra phải tạo nên ấn tượng đẹp, thẩm mỹ tốt qua những chương trình biểu diễn.
Từ việc tùy tiện trút bỏ xiêm y nơi công cộng rồi tung lên mạng để gọi là “bảo vệ môi trường”, đến những trang phục lạ lẫm, ăn mặc hở hang, hát nhép đánh lừa khán giả, phì phà thuốc lá ngay trên sân khấu trước bàn dân thiên hạ… đã gây xốn mắt và hơn thế nữa là xốn xang lòng dạ của mọi người quan tâm yêu mến văn hóa dân tộc.
Một số diễn viên còn tung hê nhiều chuyện lẽ ra chỉ là tâm sự rất riêng tư, hoặc tự khoe thân thể trần trụi mà thực chất là những chiêu trò tiếp thị mong “nổi tiếng” dù bị tai tiếng làm vẩn đục môi trường văn hóa xã hội. Vài trường hợp đã bị cơ quan chức năng nhắc nhở, xử phạt, nhưng do mức phạt chưa đủ sức răn đe và bên trong cũng còn có trường hợp nể nang, thông cảm nên tình hình lâu nay vẫn cứ lộn xộn.
Để khắc phục tình trạng này, trước mắt cần có những biện pháp mới vừa mạnh vừa công bằng và cần thiết điểm đúng “gót chân Asin” của người vi phạm. Có thể khẳng định đối với người biểu diễn, phạt tiền theo quy định tuy có tác dụng nào đó tùy số tiền phạt ít hay nhiều nhưng chưa thể tạo được “ấn tượng khó quên”. Điểm mấu chốt chính là hình thức phạt cấm biểu diễn ở nơi công cộng và trên màn ảnh truyền hình cả nước (thời hạn cấm tùy thuộc mức độ vi phạm). Khi người của công chúng không được xuất hiện trước công chúng nữa, dù trong một thời gian ngắn, cũng đồng nghĩa với sự nghiệp có nguy cơ đổ vỡ. Hình thức phạt này tương tự người làm thương mại vi phạm bị cấm buôn bán. Không được biểu diễn là điều đáng sợ nhất, đau khổ nhất đối với người nghệ sĩ.
Thêm nữa, khi xử lý diễn viên vi phạm cũng cần xử lý luôn đơn vị tổ chức, sử dụng diễn viên ấy như các công ty, sân khấu, kể cả nhà đài nào xuê xoa làm ngơ để những vi phạm diễn ra, hoặc thiếu trách nhiệm nhắc nhở diễn viên, quản lý chương trình.
Ở đây, công bằng mà xét, nếu so sánh với đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên đang lao động nghệ thuật nghiêm túc hiện nay trong cả nước thì số trường hợp vi phạm không nhiều nhưng lại bị một số phương tiện truyền thông bung lên bàn tán ồn ã, góp tiếng nói tạo ra những xì-căng-đan không đáng có. Nên chăng cơ quan chức năng xem xét cả những cá nhân, phương tiện nào cổ xúy, phổ biến hình ảnh phản cảm dù núp dưới danh nghĩa phê phán, cung cấp thông tin. Mọi sự tiếp tay, ăn theo, té nước theo mưa nhằm quảng bá thu hút người xem, người đọc trái quy định, không phù hợp với thuần phong mỹ tục, cũng cần được chấn chỉnh hoặc xử lý tùy mức độ.
Với những giải pháp đồng bộ được thực hiện triệt để, liên tục, mạnh tay xử lý vi phạm và nhất là có hình thức cấm biểu diễn trước công chúng, tin rằng diễn viên, nghệ sĩ sẽ làm nghề nghiêm túc, tự nâng cao ý thức để tránh vi phạm. Khi ấy những hiện tượng tiêu cực không có đất nảy mầm, phát tán.
Xuân Thái