Mập mờ tên gọi “trường quốc tế”

Hiện TPHCM có khoảng 50 trường từ mầm non đến THPT có tên gọi là trường quốc tế. Nhiều trường sau khi được cấp phép thành lập đã quảng cáo rầm rộ khiến không ít phụ huynh đổ xô vào đăng ký với hy vọng con em mình sẽ được thụ hưởng một chất lượng giáo dục theo chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, sau một thời gian cho con theo học, nhiều phụ huynh lại… tất tả tìm mọi cách chuyển con về trường công lập để tiếp tục “sự nghiệp” học vấn.

Hiện TPHCM có khoảng 50 trường từ mầm non đến THPT có tên gọi là trường quốc tế. Nhiều trường sau khi được cấp phép thành lập đã quảng cáo rầm rộ khiến không ít phụ huynh đổ xô vào đăng ký với hy vọng con em mình sẽ được thụ hưởng một chất lượng giáo dục theo chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, sau một thời gian cho con theo học, nhiều phụ huynh lại… tất tả tìm mọi cách chuyển con về trường công lập để tiếp tục “sự nghiệp” học vấn.

  • Đi không được, ở không xong

Chị N.T.H. nhà ở quận 1 ngao ngán: “Tôi phải đi rất nhiều trường công nhưng đều bị từ chối. Cuối cùng phải nhờ người quen mới xin được vào Trường N.T.S. (quận 3)”. Trước đây, con chị H. học từ lớp 1 đến hết lớp 2 tại Trường Tiểu học dân lập Quốc tế I. Ở đây, buổi sáng cháu được học chương trình của Việt Nam, buổi chiều học tiếng Anh. Tuy nhiên, theo chị H., dù đã lên lớp 2 nhưng cháu không nắm được bao nhiêu từ tiếng Anh. Học ở trường này, cái “được” nhất là chương trình nhẹ nhàng, không phải học thêm, về nhà không làm bài tập.

Đến kỳ nghỉ hè, khi cho con đi học thêm, chị H. mới phát hiện con viết kiểu chữ không đúng với quy định, làm toán rất kém. Tiếc tiền thì ít mà hoảng hốt về sự… thiếu hiểu biết của con thì nhiều, chị tất tả tìm cách xin cho con qua trường công nhưng trường công lập nào vừa nghe đến “học trò trường quốc tế” đều không ngần ngại… lắc đầu. Nhờ vả mãi, chị H. mới xin cho con vào một trường tiểu học công lập nhưng con chị lại không được học lớp tiếng Anh tăng cường vì lý do “ở trường quốc tế học giáo trình English Time còn ở trường công thì học giáo trình Let’s go”.

Không chỉ với trường hợp chị H., theo tìm hiểu của chúng tôi, còn khá nhiều trường hợp khác là học sinh của trường I. cũng phải chuyển trường vì chất lượng học tập thua sút. 

Tại Trường Ngô Thời Nhiệm, ban tuyển sinh của trường cho biết, đầu năm học này, trường có tiếp nhận đơn của một học sinh chuyển từ Trường Quốc tế C.A. T.B.D. xin vào học nhưng sau khi kiểm tra học bạ từ lớp 10 của học sinh này, nhà trường quyết định không nhận. Trong học bạ, năm lớp 10, học sinh này học ở Trường THPT Hàn Thuyên có hầu hết điểm số dưới trung bình nhưng đến lớp 11 chuyển qua học tại Trường Quốc tế C.A. T.B.D. lại đạt toàn điểm khá giỏi. Không tin vào sự tiến bộ vượt bậc này nên nhà trường không nhận học sinh này vì cho đó là những điểm số không thật. Ngay cả phụ huynh học sinh này cũng nghi ngờ kết quả học tập của con mình nên mới xin chuyển trường.

Theo một số hiệu trưởng trường công lập trên địa bàn các quận, vào đầu năm học này, có rất nhiều học sinh từ các trường quốc tế xin chuyển qua trường công lập học với lý do “chất lượng không đúng như quảng cáo”.

  • Trường quốc tế, giáo viên có “quốc tế”?

Theo đánh giá của một số thầy cô giáo hiện đang dạy những học sinh chuyển từ trường quốc tế qua trường bình thường, những học sinh này thường mắc rất nhiều lỗi chính tả và ngữ pháp tiếng Việt. Cô L., từng dạy ở Trường Quốc tế Trung Tiểu học B.M. cho biết: “Buổi sáng, trường dạy chương trình của Việt Nam, buổi chiều dạy chương trình nước ngoài nhưng đa số là tiếng Anh tăng cường. Vì thời gian mỗi môn học rất ít nên học sinh ở các trường này cũng ít được thực hành. Do đó, kỹ năng của các em yếu đi là điều không tránh khỏi”.

Ngay cả khi Sở GD-ĐT ra quy định buộc các trường phải thi chung đề thi của sở đều vấp phải phản ứng vì họ viện lý do là chưa có cơ sở pháp lý để ràng buộc điều này (?!). Đây cũng là lý do vì sao trường công lập ngại nhận HS trường quốc tế chuyển qua.

Ông Lê Ngọc Điệp, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học Sở GD-ĐT TPHCM

Một giáo viên (GV) đã từng làm việc nhiều năm tại một trường quốc tế ở quận 3 cho biết: “Tiếng là trường quốc tế nhưng việc tuyển GV rất dễ dãi, đa số là GV người Việt và chủ yếu là chạy show từ các trường khác. Còn GV do trường tuyển đều mới ra trường, không có kinh nghiệm. GV người nước ngoài hầu hết là tay ngang, thậm chí có cả Tây ba lô và rất hiếm GV người nước ngoài có bằng cấp thực sự. Học sinh ở các trường này được coi là những thượng đế nhỏ tuổi, nếu học sinh vi phạm thì GV quản nhiệm sẽ là người bị kỷ luật. Thậm chí có trường hợp khi GV cho điểm thấp thì ban giám hiệu không đồng ý mà tự ý sửa điểm HS để lấy lòng phụ huynh. Chính vì vậy mà đa số HS học ở các trường quốc tế đều có điểm số rất cao”.

Một cán bộ Sở GD-ĐT cho biết, các trường quốc tế thường không chú trọng vào các môn xã hội còn các môn dạy về đạo đức thì chỉ dạy cho có. Chương trình tiếng Anh được các trường quảng cáo là hợp tác với các nước nhưng thực tế là đều do GV người Việt soạn giáo án theo một số tài liệu của nước ngoài rồi đưa cho người nước ngoài giảng dạy. Đây thực chất là những ngôi trường thuần Việt: chủ trường, hiệu trưởng cũng như hầu hết giáo viên là người Việt, dạy chương trình của Bộ GD-ĐT Việt Nam cho học sinh Việt Nam, chỉ khác các trường bình thường ở chỗ có dạy thêm “chương trình quốc tế” nhưng đa số là chương trình tăng cường tiếng Anh.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đội ngũ GV ở nhiều trường quốc tế còn rất trẻ, đa số GV đều mới ra trường và thường xuyên chuyển đổi công việc nên nhiều trường không tránh khỏi cảnh thiếu GV. Mới đây, do thiếu GV nên Trường Tiểu học dân lập Quốc tế A.C. đã sử dụng giám thị làm GV đứng lớp khiến cho nhiều phụ huynh rất bức xúc.

Theo Sở GD-ĐT TPHCM, trong tổng số 50 trường có tên gọi là trường quốc tế, thực chất chỉ là trường có yếu tố nước ngoài. Còn trường quốc tế dạy chương trình nước ngoài được các nước công nhận chỉ có khoảng 10 trường với mức học phí cao ngất ngưỡng.

Trước những mập mờ về tên gọi khiến nhiều phụ huynh học sinh bức xúc trong việc thẩm định chất lượng từng trường, ngành giáo dục cần có những công bố chính xác về tên gọi, chất lượng ở các trường để người dân có thể chọn trường phù hợp hơn với con em mình

LÊ LINH

TS Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM:

Loại bớt những trường thiếu chất lượng

Trước sự mập mờ giữa tên gọi và chất lượng của các trường quốc tế, chúng tôi đã trao đổi với TS Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, để làm rõ vấn đề này.

° PV: Ông đánh giá thế nào về chất lượng các trường quốc tế ở TPHCM?

° TS HUỲNH CÔNG MINH: Nói đúng hơn đây là những trường có yếu tố nước ngoài, bao gồm trường do người nước ngoài đầu tư hoặc trường có cơ cấu tổ chức hoạt động như trường nước ngoài. Toàn TP có 50 trường quốc tế ở các cấp học từ mầm non, tiểu học đến trung học. Còn nếu nói đúng nghĩa trường quốc tế là trường dạy chương trình nước ngoài được các nước trên thế giới công nhận thì có chưa đến 10 trường. Có trường do Bộ GD-ĐT hoặc Bộ Kế hoạch - Đầu tư cấp phép, cũng có trường do UBND TP ra quyết định thành lập. Sở GD-ĐT là cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương đối với các loại hình trường này. Nhìn chung, các trường có yếu tố nước ngoài trong thời gian qua đã có những đóng góp rất cơ bản như thêm chỗ học cho con em nhân dân, du nhập vào những phương pháp dạy học tiên tiến và tạo sức cạnh tranh thúc đẩy toàn ngành phát triển theo xu hướng tiến bộ. Tuy nhiên còn một số trường có cơ sở vật chất không ổn định, chật hẹp, lực lượng giáo viên (GV) không cơ hữu dẫn đến khó khăn về đảm bảo chất lượng nhà trường.

° Làm thế nào để phụ huynh có thể chọn được trường quốc tế tốt cho con em, thưa ông?

° Đội ngũ GV của trường phải ổn định, được đào tạo chính quy và không vay mượn nhất thời (phụ huynh có thể yêu cầu nhà trường thông tin cho mình để đánh giá). Chương trình giảng dạy sẽ thể hiện qua hệ thống bằng cấp và cách thi cử kiểm định chất lượng của nhà trường. Phụ huynh cần tìm hiểu thêm về người sáng lập và hệ thống quản lý của nhà trường để đánh giá về tính chuyên nghiệp và mức độ tâm huyết của nhà trường đối với sự nghiệp giáo dục đào tạo.

° Nhiều phụ huynh phản ánh chất lượng ở các trường quốc tế không giống như quảng cáo ban đầu, chương trình quá nhẹ khiến phụ huynh càng thêm lo lắng?

° Nếu như HS theo hệ thống giáo dục quốc dân với cách thi cử và đánh giá theo quy định thì rất chặt chẽ và làm an lòng phụ huynh về tính ổn định của nó. Còn các trường quốc tế, trong điều kiện thuận lợi khi lớp học ít HS, học tập cả ngày ở trường, trang thiết bị đầy đủ cho từng HS tự học nên cách tổ chức dạy và học khác hơn, nhẹ nhàng và hiệu quả. Chỉ có điều cần lưu ý về sự khác biệt ấy, nếu đã học trường quốc tế thì khó mà thi lấy được bằng quốc gia (trừ một số trường đầu tư quốc tếø dạy chương trình Việt Nam).

° Ở một số trường, chất lượng GV không ổn định, thậm chí có cả GV tay ngang, GV nước ngoài là… Tây ba lô?

° Thực ra trường nào cũng có GV mới và cũ. Còn chuyện GV tay ngang không đúng chuyên môn cần phải được khắc phục và chấn chỉnh kịp thời.

° Có trường quốc tế, ban giám hiệu bắt GV cho điểm số HS rất cao, có thể nói là điểm ảo để lấy lòng phụ huynh?

° Thực ra chuyện này có xảy ra nhưng không chiếm đa số bởi vì nếu thật sự có tâm huyết với trường thì không ai làm như vậy. Bởi làm thế sẽ mất uy tín nhà trường và khó phát triển bền vững.

° Sắp tới sở sẽ làm gì để chấn chỉnh tình trạng trên, thưa ông?

Phụ huynh có thể tham khảo danh sách các trường quốc tế, trường có yếu tố nước ngoài trên trang web của Sở GD-ĐT TPHCM: www.hcm.edu.vn/quocte

° Hiện nay, hệ thống văn bản pháp quy về lĩnh vực này chưa đầy đủ về cấp vĩ mô nhưng với trách nhiệm của mình tại địa phương, Sở GD-ĐT được sự quan tâm của lãnh đạo TP nên đã thực hiện được các yêu cầu quản lý nhằm đảm bảo quyền lợi cho con em nhân dân. Ở các quận huyện có các phòng giáo dục và mỗi năm chúng tôi đều có thanh tra, kiểm tra, giao ban định kỳ… Chúng tôi cũng đang tổ chức mạng lưới cộng tác viên là những người làm quản lý dạy chương trình tiếng Việt ở các trường để có thể dự giờ thanh tra chéo ở các trường với nhau nhằm thúc đẩy các trường làm tốt hơn. Việc này sẽ loại bớt những trường giảng dạy thiếu chất lượng để động viên, trân trọng những nơi đầu tư chính thống, đóng góp cho ngành giáo dục TP

LÊ LINH thực hiện

Tin cùng chuyên mục