
Hệ thống điện tử “Mắt diều hâu” – giúp các tay vợt xem lại một pha bóng gây tranh cãi – vốn được lắp đặt ở hai sân trung tâm có mái che tại Melbourne Park là Rod Laver Arena và Vodafone Arena. Trong ngày thi đấu thứ 5 (18-1), có vài lần, Ban tổ chức Australia Open buộc phải tắt “Mắt diều hâu” vì độ chính xác của nó bị ảnh hưởng do thiếu sáng.

Blake đang xem lại một pha bóng qua hệ thống “Mắt diều hâu”
Giám đốc điều hành Australia Open, ông Craig Tiley cho biết, hệ thống “Mắt diều hâu” sân Vodafone Arena bị ảnh hưởng từ 4g45 đến 5g45 chiều ngày 18-1 (giờ địa phương) vì một đám mây lớn đã che khuất ngay phía trên. Ông Tiley nói: “Ánh sáng của đèn điện không thể giúp Mắt diều hâu hoạt động chính xác 100%, do vậy, lúc đó, chúng tôi không sử dụng Mắt diều hâu”.
Trước đó, trận vòng 2 giữa tay vợt chủ nhà Peter Luczak và David Nalbandian gặp vấn đề trên sân Vodafone Arena. Luczak nói: “Nalbandian thất vọng vì Mắt diều hâu không hoạt động được bởi đám mây lớn giăng ngang sân đấu”. Tay vợt nữ người Serbia Ana Ivanovic, bị ảnh hưởng ở trận thắng Sonara Cirstea vòng 1, nói: “Bạn mong chờ hệ thống này hoạt động chính xác nhưng nó lại khiến bạn mất tập trung. Đối thủ quá đủ để tôi lo lắng rồi...”.
Tuy nhiên, vấn đề không lặp lại dù mưa nặng hạt trong ngày thi đấu thứ 6 (19-1). Mưa đã khiến sân Vodafone Arena phải khởi động mái che, nhưng Mắt diều hâu vẫn hoạt động bình thường vì khi đó, bầu trời Melbourne Park rất sáng. Đây là lần đầu tiên sân Vodafone Arena lắp đặt Mắt diều hâu, năm ngoái, mới chỉ có ở sân Rod Laver Arena.
Ông Tiley nói thêm: “Chúng tôi không gặp vấn đề trên sân Rod Laver Arena, dù đám mây lớn cũng che phủ như thế. Đây là chuyện tự nhiên, bóng tối của đám mây và việc kéo mái che khiến Mắt diều hâu ở sân Vodafon Arena không thể hoạt động tốt được”.
TIỂU PHÀM