Những ngày vừa qua, dư luận xôn xao về sự kiện blogger “Cô gái Đồ Long” bị bắt về tội vu khống. “Cô gái Đồ Long” là tên trên mạng (nickname) của Hương Trà, người từng cộng tác viết báo cho một tờ báo ở TPHCM. Sự kiện này tuy tạo bất ngờ nhưng lại không gây mấy ngạc nhiên cho những người đã từng biết về blogger Hương Trà - Cô gái Đồ Long. Vào năm 2007, Hương Trà từng phải ra hầu tòa do bị ca sĩ Phương Thanh khởi kiện về tội bôi nhọ, vu khống.
Lần đó, Hương Trà, khi bị các tờ báo lên tiếng về việc viết bài phê phán thiếu căn cứ trên blog Yahoo 360°, đã nhắn tin cho một nhà báo mắng rằng: “Không biết phân biệt thế nào là blogger thế nào là người thật à”. Ý của Hương Trà là khi cô ta viết trên mạng với nickname “Cô gái Đồ Long” thì dù là viết gì chăng nữa cũng sẽ không liên quan đến con người thật có tên Hương Trà. Không chỉ một mình Hương Trà nghĩ như vậy, ngay khi hệ thống Internet xuất hiện tại Việt Nam, lợi dụng tính ẩn danh của hệ thống mạng, rất nhiều người đã thông qua các phần mềm chat khi ấy để bêu xấu, chửi bới người khác mà không sợ bị phát hiện.
Đến khi blog Yahoo 360° xuất hiện và phát triển rộng khắp, việc vu khống trên mạng đã trở thành vấn nạn của xã hội. Sau đó, lần lượt đến các loại công cụ xã hội ảo khác như facebook, twister, wordPress… đã trở thành mảnh đất màu mỡ cho những kẻ vu khống thỏa sức bôi nhọ bất cứ ai, bất cứ vấn đề gì họ không thích. Phương thức chung của họ đều giống nhau, từ một cá nhân hay sự kiện có thật, họ tô vẽ, chế biến, thêm thắt thậm chí đôi khi là dựng đứng lên theo kiểu “nghe đồn”, “nghe nói”, “hình như…” để nhằm bôi bác, miệt thị những cá nhân, tổ chức mà họ không ưa.
Và cũng như Hương Trà, những kẻ vu khống đó luôn có một điểm giống nhau là cố tách biệt những cái nickname trên mạng với con người thật của họ. Họ tự phân mình ra làm hai, một cái tên trên mạng (thậm chí có thể là nhiều cái tên) thoải mái bôi nhọ người khác và một con người thật không muốn chịu trách nhiệm với những điều vu khống kia. Họ giống như những kẻ mang mặt nạ để làm điều xấu, luôn có ảo tưởng rằng chỉ cần bỏ cái mặt nạ ra là họ vẫn sẽ là người tốt và rằng nếu có buộc tội thì người ta chỉ có thể buộc tội cái mặt nạ.
Thế nhưng, có một điều mà những đối tượng vu khống trên mạng không thèm để ý là trong khi họ cố muốn tách biệt con người ảo trên mạng và con người thật thì ngược lại, họ lại đẩy những nạn nhân của mình từ thế giới ảo trên mạng vào thế giới thật của cuộc sống, với tất cả các mối quan hệ phức tạp, áp lực xã hội và gia đình. Người ta có thể không biết nickname “Cô gái Đồ Long” là ai nhưng ai cũng biết Phương Thanh, Linh Nga… những người bị lôi ra để bêu rếu.
Những người lên mạng chẳng ai biết con người thật của Quachdaica, Dieucay, Nguoibuongio… nhưng người ta lại có thể dễ dàng đọc từ những trang web, blog của họ những chi tiết không biết thật giả miêu tả cuộc sống của những người nổi tiếng từ nghệ sĩ, doanh nghiệp đến cả các quan chức, chính trị gia… Đó là những kẻ vu khống, hèn nhát núp sau những tấm mặt nạ để nếu có bị lật tẩy trò hèn mạt thì họ sẽ vứt ngay cái mặt nạ đó đi, đeo lên một cái mặt nạ mới nhằm chối bỏ trách nhiệm! Còn số phận, cuộc sống của những con người bị họ lôi lên mạng, bôi trét bằng những chi tiết bẩn thỉu, xấu xa nhất thì họ chẳng cần quan tâm. Đã có trường hợp nạn nhân của họ bị uất ức đến nỗi gia đình xào xáo, tâm lý khủng hoảng, thậm chí có trường hợp tự tử. Còn họ, lại lạnh lùng, thản nhiên bỏ đi cái mặt nạ bị lên án để đeo mặt nạ mới, tìm nạn nhân mới.
Vụ bắt giữ Hương Trà là tiếng chuông cảnh tỉnh những kẻ đã, đang và dự tính lên mạng dựa vào chiếc mặt nạ nickname để vu khống, bêu xấu người khác. Đằng sau mỗi chiếc mặt nạ luôn là những con người bằng xương bằng thịt và chính con người đó phải chịu trách nhiệm với những việc mình làm chứ không phải cái nickname vô tri. Có thể trong giây phút nào đó chiếc mặt nạ che khuất khuôn mặt thật, nhưng sớm muộn trò hèn mạt nào rồi cũng sẽ bị lột trần. Và khi chiếc mặt nạ bị rơi xuống, chính con người thật hiện ra, đón chờ họ sẽ là sự trừng phạt nghiêm khắc của pháp luật cùng sự dè bỉu, khinh thường của người đời.
TƯỜNG VY