Mặt trận phải thực hiện tốt giám sát, phản biện xã hội

Dân bức xúc về việc tăng giá

Hội nghị Đoàn chủ tịch lần thứ 13 (khóa VII) của Ủy ban TƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam  (MTTQ) đã diễn ra trọn ngày 12-1 tại Hà Nội. Những phát biểu thẳng thắn đã cho thấy, hoạt động mặt trận cần phải đổi mới, dấn thân hơn nữa để nghe dân hơn, nói cho dân nghe và quan trọng là để dân tin, dân làm theo.

Dân bức xúc về việc tăng giá

Báo cáo do ông Vũ Trọng Kim, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam cho biết, hiện nay nhân dân chưa an tâm trước sự phục hồi chậm của nền kinh tế, tình trạng nợ xấu ngân hàng, hàng tồn kho của doanh nghiệp, đầu tư công dàn trải, những tiêu cực trong quản lý chưa được khắc phục giải quyết như những sai phạm lớn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong chi tiêu công, trong khi liên tục báo lỗ, tăng giá điện; vụ trả lương cao bất hợp lý và các sai phạm tại 4 doanh nghiệp công ích ở TPHCM... Việc liên tục tăng giá một số mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, điện, sữa bột... đã tác động không tích cực đến đời sống của nhân dân.

Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam cũng thừa nhận, vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém trong hoạt động của MTTQ. Đặc biệt, vai trò giám sát của MTTQ các cấp còn nhiều hạn chế, nhất là giám sát việc phòng chống tham nhũng, lãng phí của công và các công trình đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. “Công tác phản biện xã hội cũng còn hạn chế khi chưa có biện pháp phù hợp để thúc đẩy cơ quan có thẩm quyền thực hiện đầy đủ các kiến nghị giám sát hoặc theo dõi các địa phương giải quyết kiến nghị giám sát”, ông Vũ Trọng Kim nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, năm 2014, MTTQ Việt Nam sẽ đổi mới nội dung hoạt động. Trong đó có việc cần làm tốt hơn trách nhiệm phản ánh tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của nhân dân đối với Đảng, chính quyền các cấp. Theo đó, sẽ hình hành các báo cáo định kỳ của MTTQ cấp tỉnh và TƯ về tình hình tư tưởng và ý kiến của nhân dân để báo cáo với Đảng và chính quyền các cấp (2 hoặc 3 tháng một lần). Đồng thời với đó, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân cũng sẽ hiệu quả hơn, bao gồm cả việc tuyên truyền về tình hình kinh tế-xã hội của đất nước, Hiến pháp sửa đổi năm 2013, Luật Đất đai, nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội, giải quyết kiến nghị của cử tri… Đặc biệt, MTTQ Việt Nam sẽ đề xuất và chủ động tham gia xây dựng một số đề án, chương trình của Chính phủ hoặc các tỉnh thành để giải quyết các vấn đề bức xúc của xã hội.

Toàn dân tham gia phòng chống tham nhũng

Ông Lù Văn Que, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về dân tộc của Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam, cho rằng: “Hoạt động của mặt trận cần tránh hình thức, không hô hào, cần đi vào giải quyết những vấn đề thiết thực. Không chỉ nghe dân nói, nói cho dân nghe mà còn cần làm cho dân tin. MTTQ nếu chỉ “vỗ tay” không thì dân không tin”.

Về các phong trào, các cuộc vận động của mặt trận, theo ông Lù Văn Que, nên có phong trào toàn dân thi đua sản xuất, thực hành tiết kiệm. Vì xã hội chỉ tích cực, lành mạnh khi là một xã hội sản xuất, chứ không phải là xã hội tiêu dùng. MTTQ đang vận động nhân dân dùng hàng Việt, nhưng nếu hàng hóa kém chất lượng, giá cao thì nhân dân làm sao chịu mua. Cũng giống ý kiến ông Que, nhiều vị đại biểu khác cho rằng cần có phong trào toàn dân tham gia phòng chống tham nhũng, lãng phí. Bởi chống tham nhũng mà chỉ cán bộ, đảng viên làm thì khó thành công, phải là nhân dân cùng tham gia, vì ai lãng phí, tham nhũng dân biết hết.

Ở góc độ của mình, ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch LĐLĐ Việt Nam, nêu thực trạng đời sống của người lao động, công nhân hiện nay rất khó khăn. Mức lương tối thiểu quá thấp, chỉ bảo đảm 60% - 70% đời sống tối thiểu của công nhân. Viện sĩ Trương Công Phú, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về kinh tế của Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam, cũng chỉ ra, lạm phát giảm nhưng thực tế các loại hàng hóa mà dân dùng hàng ngày đều tăng giá. Trong khi đó, “tăng lương mới chỉ cho vui, chỉ là bù lương thôi, mà cũng bù chưa đủ”.

Các vị đại biểu cũng cho rằng, mặt trận phải thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội. “Tăng cường chất lượng hoạt động để tham gia phản biện, tư vấn các chính sách, quy định, đề án của Chính phủ. Tránh tình trạng chính sách nào có lợi trực tiếp cho dân thì rất chậm thông qua, còn chính sách nào có lợi trực tiếp cho nhà nước (điển hình là chính sách thu thuế, phí...) thì được chuẩn bị, thông qua rất nhanh”, ông Trương Công Phú lưu ý. Các đại biểu cũng nhấn mạnh, hiện nay nhân dân đang kỳ vọng vào quyết tâm phòng chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước và đang chờ đợi sự minh bạch đến cùng trong xét xử các đại án tham nhũng.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục