
Thực ra câu hỏi này đã được trả lời từ cách đây 40 năm. Điều II của thỏa thuận quốc tế về không gian vũ trụ ký kết năm 1967 dưới sự chủ trì của LHQ có nói rõ “không gian bên ngoài khí quyển trái đất, kể cả mặt trăng và các thiên thể khác, không thuộc quyền sở hữu của bất cứ một quốc gia nào, dù bằng việc tuyên bố chủ quyền hay bằng việc sử dụng cũng như chiếm đóng”. Như thế, Mặt Trăng không thuộc về ai cả, nói một cách khác, Mặt Trăng thuộc về tất cả mọi người.
- Đã có nhiều ông chủ?

Một số công ty Mỹ khẳng định đã bán được hàng triệu mét vuông đất Mặt Trăng
Từ đó đến nay, công cuộc chinh phục vũ trụ trên thế giới đã có nhiều tiến triển. Các quy chế, các thỏa thuận tay đôi hay đa phương, giữa các chính phủ hay giữa các hãng khai thác vũ trụ… đang nở rộ. Hiện có hàng tấn tài liệu quy định về nguyên tắc, về trách nhiệm đối với các vụ bắn tên lửa vào vũ trụ, về các vệ tinh, các phi hành gia bay vào không gian, các trạm vũ trụ quốc tế, các thiết bị thám hiểm không gian…
Các điều luật áp dụng với không gian vũ trụ giờ đây rất phức tạp nhưng lại không có kế hoạch chung đồng bộ, ngay cả các chuyên gia trong lĩnh vực đôi khi cũng bị “lạc” trong “rừng rậm” này. Thêm vào đó, những công ty tư nhân kinh doanh các chuyến bay vũ trụ cũng đã được thành lập. Điều gì sẽ xảy ra khi một trong những hãng này đặt chân được tới Mặt Trăng và khai thác nó?
Chưa kể ngày càng có nhiều người tự tuyên bố là chủ nhân sở hữu Mặt Trăng. Tất cả những điều đó đã khiến cho Viện Nghiên cứu quốc tế về quyền không gian phải lên tiếng cảnh báo “về tính hợp pháp” của các “tuyên bố đơn phương” này và nhắc nhở trách nhiệm của các quốc gia trong việc không thừa nhận các sở hữu đó. Nhưng điều rắc rối nằm ở chỗ, không phải nước nào trên thế giới cũng ký kết thỏa thuận 1967 về không gian vũ trụ. Cho tới tháng 1-2005, 97 nước trên tổng số 178 nước của LHQ đã thông qua luật này – trong đó có Trung Quốc, Pháp, Nga, Mỹ…, 27 nước khác mới chỉ đặt bút ký mà thôi.
Có một thỏa thuận quốc tế khác, ký kết năm 1979, về việc khai thác Mặt Trăng và các thiên thể khác, tuy bị đặt trong khuôn khổ nhưng hoàn toàn được phép. 11 quốc gia đã thông qua, 5 nước khác đã ký kết, nhưng các nước như Mỹ, Trung Quốc, Nga hay Nhật Bản… thì không.
- Đã phân lô và bán đất Mặt Trăng!

Con người đã đặt chân tới Mặt Trăng
Không ít hãng kinh doanh vũ trụ đều có kế hoạch khai thác “mỏ” trên các hành tinh: helium-3 (có thể làm thành nhiên liệu) và nước trên Mặt Trăng; magnésium, cobalt hay uranium trên sao Hỏa; vàng của các thiên thạch…
Với kế hoạch trở lại Mặt Trăng vào năm 2020 và việc thành lập một “căn cứ” thường trực ở đây vào năm 2024, Cơ quan Nghiên cứu vũ trụ Mỹ NASA nhấn mạnh tính chất khoa học của các hoạt động của mình, đồng thời cũng cho hay rằng có thể họ sẽ xây dựng một trạm phóng tàu vũ trụ từ Mặt Trăng bay tới các hành tinh khác. Chưa kể các dự án “xây dựng” những khách sạn trên Mặt Trăng hay trên quỹ đạo.
Luật nào sẽ được áp dụng cho các hoạt động này? Hiện tại, dường như người ta áp dụng những luật lệ tương tự như luật hàng hải quốc tế, các con tàu vũ trụ mang màu cờ của nước mình và phải tuân thủ luật pháp nước đó. Nếu một tên lửa của Nga được bắn lên từ đất Pháp thì cả Nga lẫn Pháp đều phải chịu trách nhiệm về hành trình của nó, nhưng ở bên trong con tàu thì luật của nước Nga được áp dụng.
Trong số những người tuyên bố là “chủ nhân ông” của Mặt Trăng, được biết đến nhiều nhất có lẽ là ông Dennis M. Hope, người Mỹ. Tự cho mình là tổng thống “chính phủ thiên hà”, năm 1980 ông này đăng ký quyền sở hữu Mặt Trăng và cùng tất cả các hành tinh khác thuộc hệ Mặt Trời tại Sở Địa chính thành phố San Francisco, kèm theo bản cóp-pi gửi cho LHQ, Chính phủ Mỹ và Nga.
Thông qua Công ty Lunar Embassy của mình, ông ta rao bán những “thửa đất” trên Mặt Trăng. Với giá vài ba chục USD, người ta có thể “tậu” được một khoảnh 4.000m2 nằm gần bờ biển Êm đềm, có giấy chứng nhận chủ quyền hẳn hoi, kèm theo hình ảnh khu đất cùng đặc điểm, vị trí tọa độ của nó… Một công ty khác cũng của Mỹ, Lunar Republic Society, có trụ sở ở New York, nhảy vào lĩnh vực “địa ốc” này từ năm 1999. Cũng tự cho mình là người sở hữu Mặt Trăng, công ty này khẳng định đã bán được hàng triệu mét vuông Mặt Trăng, cho những người có lẽ cũng ở “trên trời”...
NHỊ BÌNH (theo Le Figaro)