Mất việc tại quê nhà

Cách đây 4 năm, thông tin hàng ngàn lao động phổ thông Trung Quốc theo nhà thầu vào nước ta làm việc đã làm nhiều người không khỏi lo ngại, bởi hàng vạn lao động trong nước hiện còn khó khăn về công ăn việc làm, thu nhập thì xã hội không thể chấp nhận việc lao động phổ thông nước ngoài tràn vào như vậy. Trong khi các cơ quan có trách nhiệm vẫn còn loay hoay tìm giải pháp khả thi, thì theo thông tin mới nhất của Bộ LĐTB-XH, hiện số lao động nước ngoài vào Việt Nam đã lên 74.000 người, tăng vọt so với 4 năm về trước. Điều đó thể hiện sự chưa làm tròn trách nhiệm của các cơ quan chức năng, đồng thời bộc lộ kẽ hở trong việc quản lý lao động và người nước ngoài đang sống, làm việc trên lãnh thổ nước ta.

Nhiều người cho rằng, sở dĩ lao động nước ngoài tràn vào ồ ạt như hiện nay là do có nhiều công trình, dự án do người nước ngoài trúng thầu. Vì không muốn gặp phải những khó khăn, như khác biệt về văn hóa và ngôn ngữ nên nhà thầu nước ngoài đã đem theo cả lao động của nước mình vào làm.

Do vậy, cần phải thông cảm. Nhưng nhiều người khác lại không đồng tình. Bởi lao động của Việt Nam hiện cũng đi làm việc ở hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, cũng đang sử dụng nhiều loại ngôn ngữ khác nhau, hòa vào nền văn hóa cũng như tuân thủ luật pháp của mỗi nước, vẫn làm việc hiệu quả ở nhiều công trình của các nhà thầu nước ngoài. Vì vậy công nhân của ta hoàn toàn có thể đáp ứng yêu cầu của các nhà thầu nước ngoài đang thi công các dự án tại Việt Nam.

Tuy nhiên, lý do mà phần lớn các nhà thầu ngoại nại ra thường là do không tuyển đủ lao động Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn nên đành phải đưa lao động nước họ vào. Bởi trong luật của chúng ta đã đề rằng, nếu không tuyển được lao động Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn thì cho phép họ làm như vậy. Sự thực, trình độ chuyên môn, tinh thần làm việc cũng như ý thức tổ chức kỷ luật lao động của lao động phổ thông nước ngoài cũng không hơn gì lao động Việt Nam. Nhưng đây chính là cớ mà các nhà thầu nước ngoài lợi dụng để tìm cách đưa ồ ạt lao động của họ vào nước ta làm việc, tước đi cơ hội việc làm của chính lao động trong nước.

Thêm một nghịch lý khác là mỗi năm, chúng ta đang phải nỗ lực để đưa 70.000 - 80.000 lao động ra nước ngoài làm việc với mục đích là tạo điều kiện cho lao động có mức thu nhập cao hơn ở quê nhà. Để ra nước ngoài làm việc, trong khi hàng vạn lao động của ta đang phải bỏ ra những khoản chi phí lớn để học nghề và môi giới thì lao động của nước ngoài vào nước ta không mất khoản phí nào, chúng ta cũng không thu được khoản dịch vụ việc làm nào. Trên các công trường, cùng là lao động phổ thông nhưng lao động của nước ngoài lại luôn có mức lương cao gấp 5 - 7 lần lao động trong nước. Như vậy, chúng ta đang mất cơ hội “xuất khẩu lao động tại chỗ”.

Quan điểm của nhà nước ta là chỉ cởi mở đón nhận những lao động có tay nghề, trình độ, đã qua đào tạo chứ không cho phép đón nhận cả những lao động phổ thông nướùc ngoài. Bởi lực lượng lao động này trong nước có sẵn. Đó là chính sách đúng đắn nhằm khai thác những lợi thế về kỹ thuật và công nghệ cũng như kinh nghiệm của nước ngoài, không chỉ để giải quyết bài toán về lao động và kinh tế mà còn để đảm bảo an sinh xã hội.

Vừa qua, Chính phủ đã kịp thời có những bổ sung, sửa đổi về chính sách quản lý lao động nước ngoài tràn vào nước ta, đặc biệt là về lao động trái phép thông qua Nghị định 46/2011/NĐ-CP. Trong đó, điểm nổi bật là yêu cầu các nhà thầu, chủ đầu tư phải đăng ký việc sử dụng lao động nước ngoài với các cơ quan chức năng của Việt Nam, đồng thời các dự án phải ưu tiên tuyển dụng lao động Việt Nam ở những vị trí mà người Việt Nam có thể làm được. Hiện nay, các quy định đều đã rõ nhưng để thực sự hiệu lực thì các cơ quan có trách nhiệm như Bộ LĐTB-XH, Bộ Công an và Bộ Xây dựng, đặc biệt là chính quyền các địa phương cần phải bắt tay nhau cùng vào cuộc mạnh mẽ, không để lao động nước ta mất việc trên chính quê hương mình.

Văn Phúc Hậu

Tin cùng chuyên mục