Matsushita: Lò đào tạo tinh hoa cho nước Nhật

Matsushita: Lò đào tạo tinh hoa cho nước Nhật

Năm giờ sáng, các học viên của học viện Matsushita (Matsushita Institute of Government and Management) đã thức dậy, dọn dẹp làm vệ sinh rồi chạy bộ một cuốc trước khi dùng bữa điểm tâm nhẹ buổi sáng theo phong cách cổ truyền gồm có cơm và cá. Đó là những người được đào tạo để trở thành những vị lãnh đạo tương lai của nước Nhật…

Thế kỷ của người châu Á

Nằm về phía Nam thành phố Tokyo, Học viện Matsushita được thành lập vào năm 1979 bởi chính người đã sáng lập ra hãng điện tử khổng lồ cùng tên của nước Nhật, ông Konosuke Matsushita (1894-1989).

Matsushita: Lò đào tạo tinh hoa cho nước Nhật ảnh 1

Ông Konosuke Matsushita

Với niềm tin quyết đoán rằng “thế kỷ 21 là thế kỷ của châu Á”, ông Matsushita muốn đào tạo một tầng lớp cán bộ tinh hoa mới cho đất nước. Từ đó tới nay, trong số những người từng là học viên của trường, có 60 người đã trở thành thành viên Quốc hội hay giữ những chức vụ nhà nước ở các địa phương, 2 người là bộ trưởng, nhiều người là nhà báo, lãnh đạo doanh nghiệp hay trường đại học…

Hàng năm, ngôi trường nằm bên bờ biển này chỉ thu nhận từ 8 tới 10 học viên trong độ tuổi từ 22 tới 35, sau khi đã tuyển chọn rất kỹ lưỡng dựa trên những tiêu chuẩn về học vấn và phẩm chất, năng lực. Những người này đến đây từ nhiều nguồn, họ sẽ theo học tại trường trong vòng 3 năm, mọi kinh phí hoàn toàn do nhà trường đài thọ.

Một giảng viên – ông Kazuhiro Furuyama – cho biết: “Học viên phải có kế hoạch chính trị cụ thể, được nuôi dưỡng bằng tình yêu tổ quốc chứ không phải bởi những tham vọng cá nhân”. Cô Noriko Minagawa, 28 tuổi, là cô giáo, hiện là sinh viên năm thứ nhất trong trường, nói: “Tôi muốn đưa các nhà tâm lý vào các trường học để giúp các giáo viên phát hiện sớm những em học sinh có vấn đề”. Yutaka Kumagai, 32 tuổi, cùng lớp với cô, thì muốn xây dựng và phát triển công nghiệp hàng không ở vùng phía Bắc nước Nhật, quê hương anh, nhằm thay thế cho nền kinh tế nông nghiệp đang suy giảm, mang lại sức sống mới cho địa phương.

Cơ hội cho những người trẻ

Matsushita: Lò đào tạo tinh hoa cho nước Nhật ảnh 2

Học viện Matsushita

Một trong những mục đích của nhà trường là mang lại cơ hội cho những người trẻ tuổi “có tài năng và giàu tham vọng” nhưng không đủ điều kiện để theo đuổi một sự nghiệp chính trị. Chương trình dạy học bao gồm cả một số bộ môn truyền thống của văn hóa Nhật Bản như môn thư pháp – “có lợi cho sự phát triển tinh thần”, các môn về pháp lý hay các kỳ thực tập trên thực địa cùng với các chính trị gia hay trong các doanh nghiệp… “Chúng tôi muốn đào tạo nên những nhà lãnh đạo tài năng, có những đức tính đáng quý, đồng thời cũng lại là những nhà quản lý giỏi, có ý thức về tầm quan trọng của việc tuân thủ ngân sách chẳng hạn”.

Ngay cả việc các học viên hàng ngày phải tham gia quét dọn trong trường cũng mang một ý nghĩa tinh thần nào đó: “Làm sao có thể “xếp đặt nước Nhật một cách ngăn nắp” nếu không biết cầm chổi thực sự?”. Hàng năm, các học viên còn phải trải qua kỳ kiểm tra việc đi bộ 100km trong vòng 24 tiếng đồng hồ…

Gần đây, Học viện Masushita đã mở cửa đón tiếp học viên nước ngoài, với điều kiện là có khả năng nói và viết thạo tiếng Nhật. Cô Marion Cossin - 21 tuổi, sinh viên Khoa Nhật ngữ và các nền văn minh phương Đông của Trường Đại học Oxford, thực tập sinh người Pháp đầu tiên tại Học viện Matsushita - cho hay, trước khi tới đây, cô chưa từng bao giờ làm công việc dọn dẹp cả, và tinh thần tập thể của người Nhật là điều khá lạ lẫm đối với cô: “Ở đây, người ta sống với nhau 24 trên 24”. “Tất cả là vấn đề văn hóa” - Marion Coussin nhận xét. Còn các giáo viên thì rất khen ngợi sự cố gắng để mau chóng thích nghi của Marion…. 

NGUYỄN VŨ (theo Japan Today, AFP)

Tin cùng chuyên mục