Máy bay siêu nhẹ, bao giờ cất cánh?

Máy bay siêu nhẹ, bao giờ cất cánh?

Học lái máy bay siêu nhẹ đang là sở thích của không ít người. Tiền sẵn có, thời gian sang nước ngoài thực hành không thiếu và lòng đam mê có thừa nhưng những “phi công máy bay siêu nhẹ” chỉ thiếu… khoảng trời bay!

Học “xuyên quốc gia”

Máy bay siêu nhẹ, bao giờ cất cánh? ảnh 1

Phạm Duy Long (giữa) trong một lần hướng dẫn các học viên nhảy dù

Vừa rồi, Câu lạc bộ Hàng không phía Nam (quận Tân Bình, TPHCM) thông báo mở lớp dạy lái máy bay siêu nhẹ. Tin này được nhiều người quan tâm, đã có 20 người, gồm đủ thành phần gồm bác sĩ, kỹ sư, nhân viên công chức, tiểu thương… đăng ký theo học.

Trung tá Nguyễn Hoài Nam, chủ nhiệm Câu lạc bộ Hàng không phía Nam cho biết, khoảng tháng 9 sẽ khai giảng lớp học. Tuy nhiên, trước mắt,  câu lạc bộ chỉ có thể giảng dạy 20 giờ về lý thuyết về máy bay siêu nhẹ được xây dựng theo chương trình đào tạo nước ngoài như: khí động lực học, nguyên lý bay, khí tượng, thủ tục khai báo cất cánh, hạ cánh… Trung tá Nguyễn Hoài Nam cho biết thêm, giáo viên trực tiếp giảng dạy là những phi công đã có từ 2.000 đến 3.000 giờ bay-lực lượng hiện có rất nhiều ở Sư đoàn Không quân 370 và sẵn sàng làm giáo viên cho lớp học…

Về lý do chưa thể thực hành, Trung tá Nam phân trần: “Do trong tình hình hiện nay, các loại máy bay siêu nhẹ tại nước ta chưa phổ biến, sân bay cho máy bay siêu nhẹ cũng chưa có”… Tương lai, tất cả những điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, phương tiện sẽ có, ông Nam khẳng định như vậy. Điều này hoàn toàn có cơ sở vì theo tinh thần Quyết định số 391/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án thành lập Câu lạc bộ Hàng không, Câu lạc bộ Hàng hải ngày 16-5-2005 có ghi rõ: “…Giáo dục hướng nghiệp; phổ biến kiến thức quốc phòng, chức năng nhiệm vụ chung của Bộ đội Phòng không - Không quân; tổ chức các hoạt động cho các phương tiện bay bao gồm: mô hình máy bay có điều khiển bằng vô tuyến điện, nhảy dù, dù bay, tàu lượn, khinh khí cầu, máy bay thể thao, máy bay huấn luyện hạng nhẹ và siêu nhẹ do cá nhân mua, nhập khẩu hoặc lắp ráp, chế tạo tại Việt Nam theo quy định của pháp luật; tổ chức thi đấu và cấp chứng chỉ theo quy định của cấp có thẩm quyền…”.

Đó là cơ sở pháp lý ban đầu, còn về chuẩn bị, mua sắm trang thiết bị,  Trung tá Nam cho biết, nguồn kinh phí trên 30 tỷ đồng đang chờ Bộ Kế hoạch - Đầu tư xem xét và các sân bay: Nước Trong (Long Thành - Đồng Nai), Phú Lợi (Bình Dương), Lộc Ninh (Tây Ninh)… có thể sẽ được chọn lựa.     

Xem ra, với chuyện đào tạo phi công máy bay siêu nhẹ, Câu lạc bộ Hàng không phía Nam dư khả năng đảm nhận nhờ tiềm năng nhân lực từ Sư đoàn Không quân 370, “cái khó” còn lại là thực hành. Giải quyết vấn đề này, Câu lạc bộ Hàng không phía Nam đã chọn phương án đưa học viên sang Thái Lan học phần thực hành. Theo đó, học viên sẽ sang Thái Lan theo đường du lịch, thời gian chừng 15 đến 20 ngày. Khi đã hoàn thành các khóa thực hành, học viên sẽ được cấp chứng chỉ…

Số tiền học viên phải bỏ ra cho khóa học chừng 2.000 - 3.000 USD (tùy thời gian thực tập ở nước ngoài) là “không lớn”, nhiều học viên khẳng định. Có điều, học xong, có bằng và thậm chí có sẵn máy bay siêu nhẹ, liệu họ có bay được trên bầu trời quê hương?

Vẫn còn là khát vọng?

Thực tế, nước ta đã có người lắp ráp và bay thành công máy bay siêu nhẹ nhưng rồi chuyện đó đã đi vào quên lãng…

Cao, đen, đầu trọc, gương mặt góc cạnh, Phạm Duy Long khiến người đối diện khó cảm tình khi mới gặp lần đầu nhưng khi nói chuyện, đặc biệt chuyện anh chinh phục bầu trời thì sẽ bị cuốn hút. Anh là người Việt Nam đầu tiên dám bỏ tiền sang Canada học lái máy bay siêu nhẹ với giấc mơ được bay trên bầu trời quê hương cũng như mở rộng mô hình này… Hiện tại, Long là huấn luyện viên môn dù lượn (paragliding) của Câu lạc bộ Vietwings, đồng thời là thành viên chủ chốt của Câu lạc bộ Hàng không phía Nam.

Làm việc, dành dụm tiền, sau đó xin thêm tài trợ, năm 2003, Long khăn gói sang Canada học lái máy bay hạng nhẹ tại trung tâm đào tạo phi công Airflow Aviation ở Vancouver. Công việc làm thêm là... rửa máy bay để có tiền ăn học đã giúp anh tiếp xúc động cơ máy và có “trớn” cho những kỹ năng sau này… Sau khi có được bằng lái máy bay hạng nhẹ cấp quốc tế, Long lấy thêm chứng chỉ nhảy dù lượn vì muốn truyền đạt lại kinh nghiệm này cho các bạn trẻ trong nước…

Về nước, sau nhiều tháng trời chạy lo “giấy phép bay”, đến ngày 8-12-2005, tại sân bay Nước Trong (Đồng Nai), Phạm Duy Long đã thực hiện thành công ba đợt bay trên chiếc VAM-1 (loại máy bay siêu nhẹ, hai chỗ ngồi, gắn một động cơ 60 mã lực, tốc độ tối đa 140 km/g trên quãng đường bay 400km). Chuyến bay thành công, tim anh như vỡ tung vì hạnh phúc… Nhưng khát vọng bay của Long nhanh chóng vỡ như bong bóng xà phòng ngay sau đó, vì Việt Nam chưa cho phép cá nhân sử dụng, điều khiển các thiết bị bay… dù đã có bằng cấp theo tiêu chuẩn quốc tế.
   
Đó là chuyện những năm về trước, còn giờ đây, cơ chế và tổ chức đã có và sắp tới, Long sẽ là người dẫn các học viên trong lớp học phi công máy bay siêu nhẹ sang Thái Lan học. Chưa hết, anh còn dâng lên niềm tự hào vì máy bay siêu nhẹ VAM-II của nhóm anh chế tạo hiện đã có đối tác đặt vấn đề, trong đó một số đối tác từ Campuchia đề nghị nếu chuyển giao công nghệ, nhóm của Long sẽ nhận được 400ha đất… Nhưng Long cho biết anh đang cân nhắc.

Khi nào thì phi công máy bay siêu nhẹ được bay? Còn phải đợi rất lâu… Trung tá Nam tự an ủi: “Cứ cho học trước đã, khi nào được bay thì hay, ít nhất là ta cũng đi tắt đón đầu vậy!”. Đúng vậy, nếu không tổ chức lớp học thì tương lai của máy bay siêu nhẹ sẽ còn xa vời và càng xa lắm chuyện ứng dụng máy bay siêu nhẹ vào nông nghiệp, phòng chống thiên tai, du lịch, quảng cáo, vận chuyển (air taxi)… mà các nước phát triển trên thế giới  đã đi trước chúng ta cả vài chục năm.

Bá Tân

Tin cùng chuyên mục