Tại xưởng sản xuất bột trát tường của Công ty TNHH Phát triển Quốc tế Tân Đại Dương (quận Gò Vấp, TPHCM), chiếc máy trộn bê tông vốn dùng để trộn bột trát tường đã được thay thế bằng chiếc máy trộn bột trát tường khép kín, giúp công nhân không còn phải dùng tay đóng bao, hạn chế ô nhiễm bụi và bột trát được đảm bảo chất lượng cao… Đây là thành quả của hơn 20 năm nghiên cứu, chế tạo của Tiến sĩ Nguyễn Như Nam.
Liên tục cải tiến
Trong những năm từ 1996 tới năm 1998, nhiều máy trộn cơ khí được áp dụng trộn bột trát tường: máy trộn dải băng nằm ngang, máy trộn cao tốc, máy trộn thùng quay, máy trộn siêu đều… Lúc này, tất cả các loại máy trộn này đều làm việc đơn lẻ, thủ công, tách rời hệ thống trộn. Vì vậy quá trình sản xuất bột trát tường bằng các thiết bị này gây ô nhiễm môi trường sản xuất nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người lao động.
Cuối năm 2001, theo đơn đặt hàng của Công ty JOTON, Tiến sĩ Nguyễn Như Nam và các cộng sự đã thực hiện chế tạo máy sản xuất bột trát khép kín, trên cơ sở tham khảo hệ thống sản xuất bột trát tường theo công nghệ của Đức, đã thiết kế, chế tạo thành công 4 hệ thống sản xuất bột trát tường có năng suất 4 tấn/giờ, mang tên HTTBTT – 4A, với các công đoạn: nạp liệu, trộn, cân, đóng bao… hoàn toàn tự động. Chiếc máy có chi phí đầu tư thấp, khoảng 120 triệu đồng, chất lượng sản phẩm đảm bảo, tiết kiệm điện năng… Tuy nhiên, HTTBTT – 4A lại có nhược điểm bụi xì nhiều khi xả nguyên liệu, bay xuống ổ bi bên dưới, làm ảnh hưởng tới độ bền, ổn định của hệ thống, đe dọa sức khỏe người lao động.
Cho đến năm 2005, với sự hỗ trợ của Sở KH-CN TPHCM, Tiến sĩ Nguyễn Như Nam và cộng sự đã tiếp tục nghiên cứu, cải tiến chiếc HTTBTT – 4A theo hướng nâng cao chất lượng làm việc của máy và chất lượng sản phẩm (độ trộn đều), giảm thiểu ô nhiễm môi trường và hạ giá thành sản phẩm gia công. Chỉ sau 1 năm, chiếc máy cải tiến mang tên HTTBTT – 4B đã được chế tạo thành công, được nghiệm thu vào tháng 6 vừa qua. Hiện được lắp đặt tại gần 10 nhà máy không chỉ ở TPHCM mà cả ở Hưng Yên, Thừa Thiên - Huế…
Ứng dụng rộng rãi
Chất lượng các hệ thống sản xuất bột trát tường HTTBTT – 4B đã đạt được nhiều ưu điểm: năng suất lao động tăng 23,5%, tiết kiệm 36,6% năng lượng, mức độ tự động hóa tăng 100%... so với HTTBTT – 4A. Sản phẩm hệ thống sản xuất bột trát tường đã được tặng giải nhì Hội thi Sáng tạo kỹ thuật TPHCM 2005, giải ba Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ IX năm 2006 – 2007, được chọn là 1 trong 35 công trình tiêu biểu của TPHCM nhân kỷ niệm 35 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Về hiệu quả kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Như Nam cho biết, với 6 hệ thống đã lắp đặt kinh phí 754 triệu đồng, công suất đạt 45.000 tấn/năm, mang lại doanh thu 157,5 tỷ đồng. Như vậy, cứ 1 đồng vốn đầu tư máy móc thiết bị mang lại doanh thu 627 đồng, một hiệu quả rất cao. Đó là chưa nói đến giá của hệ thống HTTBTT – 4B khoảng 220 triệu đồng, trong khi hệ thống tương tự của Trung Quốc, Mỹ lần lượt khoảng 700 triệu đồng và trên 1 tỷ đồng.
Theo PGS-TS Phan Minh Tân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM, hệ thống HTTBTT – 4B có rất nhiều ưu điểm, đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho doanh nghiệp, góp phần giải quyết việc làm, phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng TPHCM và cả nước. Chính vì thế sắp tới, Sở KH-CN TPHCM sẽ phối hợp với Tiến sĩ Nguyễn Như Nam chuyển giao công nghệ máy sản xuất bột trát tường cho Trung tâm thiết kế chế tạo thiết bị mới Nepteach để tiếp tục phát triển, đưa sản phẩm ra thị trường.
Hệ thống HTTBTT – 4B ngay sau khi hoàn thiện đã được lắp đặt tại Công ty TNHH Bình Đông (quận 2, TPHCM, tháng 11-2006), Công ty cổ phần Thương mại tổng hợp Hương Thủy (thị trấn Phú Bài, huyện Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế, tháng 8-2006) và Công ty cổ phần Sơn Spanyc (huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên, tháng 5-2008). Ngoài ra, Tiến sĩ Nguyễn Như Nam và các cộng sự đã cải tiến, nâng cấp cho 3 hệ thống sản xuất bột trát tường HTTBTT - 4A đã lắp đặt từ trước cho 3 doanh nghiệp: Công ty TNHH Bình Đông (quận 2, TPHCM, tháng 5-2004), Công ty TNHH ĐT XDTM Xuân Định (quận 3, TPHCM, tháng 7-2004) và Công ty TNHH Phát triển Quốc tế Tân Đại Dương (quận Gò Vấp, TPHCM, năm 2005). |
KIÊN GIANG