Tại Việt Nam hiện có khoảng gần 20 triệu người sử dụng internet. Bên cạnh những tiện ích, mạng xã hội cũng mang đến nhiều hệ lụy. Và các bậc cha mẹ trong gia đình của thời công nghệ số cũng đang ôm nhiều nỗi trăn trở chưa có hồi kết.
Làm đơn… cai mạng
Chị Ngọc vừa gặp tôi với gương mặt thiếu ngủ, giọng nói nghèn nghẹn: “Em ơi, bé Ni nó unfriend (bỏ kết bạn) chị trên Facebook (Fb) rồi...”. Thì ra, con gái chị hiện đang học đại học, khó khăn lắm nó mới đồng ý kết bạn với chị ở trên mạng, thế nhưng ngày hôm qua, khi thấy bạn của con gái than thở chuyện riêng tư trên Fb, chị nhảy vào comment (bình luận) an ủi, tư vấn vài câu, vậy mà con gái chị lại giãy nảy lên, bảo là mẹ không nên tham gia vào chuyện riêng tư của chúng…
Mẹ và con cùng kết bạn trên facebook.
Gần đây, mỗi khi gặp nhau, nói đến con cái, bên cạnh chuyện học hành, hầu hết các bà mẹ đều có một nỗi khổ tâm chung, dường như những đứa con dễ thương, ngoan ngoãn của họ ngày nào giờ đang thay đổi đến chóng mặt. Những giây phút quây quần bên cha mẹ, tâm sự, vui đùa ngày càng hiếm hoi, đi học về là chúng lại chúi đầu, chúi mũi vào chiếc máy vi tính. Thế giới mạng giờ đây đã hút hết sinh lực cũng như sự quan tâm của chúng.
Chị Minh, có con gái đang học cấp 3 than thở, con gái chị đi học về luôn kêu mệt, bảo làm việc gì cũng kêu bận học, vậy mà khi ngồi trước máy vi tính, con lại tỉnh như sáo và nhiều khi “ngồi đồng” đến tận nửa đêm. “Nhiều đêm, đến 11 giờ khuya tôi đã nhắc con tắt máy đi ngủ, vậy mà 1, 2 giờ sáng tỉnh dậy vẫn thấy le lói ánh đèn. Thì ra con bé giấu mẹ, trùm chăn, mở máy lọ mọ “chát chít”, chị bức xúc.
Mẹ của bé Quỳnh đang học cấp 2 thì kể, con gái chị vốn rất ngoan, hiền, thường nghe lời cha mẹ, vậy mà từ khi kết nối với mạng xã hội thì cháu như bị hút hết tâm trí. Bố răn đe, mẹ khóc lóc, cháu cũng hối lỗi, còn viết quyết tâm thư sẽ… cai mạng, nhưng chỉ được một thời gian thì đâu lại vào đấy. Đến nay, cháu đã quyết tâm cai… đến mấy lần. Cho đến ngày cháu bị vẹo cột sống vì ngồi vi tính quá nhiều và không đúng tư thế, bác sĩ yêu cầu hạn chế sử dụng vi tính thì mọi chuyện giữa mẹ con chị mới tạm ổn.
Nhiều bà mẹ khác cùng chung một tâm trạng, từ ngày có mạng, con cái họ như bị tự kỷ. Đi học về hầu như chúng không giao tiếp với ai. Ăn cơm xong là chui vào phòng, ngồi trước máy vi tính rồi tự nhiên cười, tự nhiên khóc với những người bạn… vô hình. Còn anh Khang, phụ huynh của một trường cấp 3 chuyên của thành phố thì mấy bữa nay mất ăn mất ngủ vì bị cô hiệu trưởng mời đến trường. Ngày con trai đậu vào trường cấp 3, anh đã mua cho con hẳn một chiếc điện thoại thông minh đắt tiền. Vậy mà tuần qua, con anh suýt bị kỷ luật vì đã sử dụng điện thoại để lên mạng trong giờ kiểm tra toán.
Mọi giải pháp chỉ là tương đối
Trong các buổi gặp gỡ, hầu hết các phụ huynh đều rất cần sự hỗ trợ, gỡ rối và tư vấn các giải pháp về mối quan hệ của con trẻ với thế giới mạng và gia đình. Là một kỹ sư, nên giải pháp của anh Hưng cũng rất khoa học. Anh cho biết: “Ngay từ khi xây nhà, tôi đã dành hẳn một phòng rộng rãi để cả nhà cùng làm việc và học tập. Máy vi tính của các con ngay bên cạnh, nên tôi dễ dàng kiểm soát các con lên mạng, vào chương trình gì và kết nối với ai”.
Thế nhưng, việc hiểu được con, chia sẻ với con và làm bạn, đồng hành cùng với chúng trên thế giới mạng mới là nguyện vọng thực sự của các bậc cha mẹ. Khi mới rộ lên phong trào Fb, rất nhiều phụ huynh đã mày mò học hỏi công nghệ, tự lập tài khoản để có thể kết nối với con. Thế nhưng, theo nhiều phụ huynh, không phải dễ dàng gì mà bọn trẻ “cho phép” cha mẹ làm bạn với chúng. Có nhiều ông bố bà mẹ chỉ được biết mọi thông tin về con qua đường vòng, từ những người quen khác. Chị Hương, có con gái học cấp 2 tâm sự: “Con gái tôi khi thấy mẹ yêu cầu kết bạn, sợ mẹ buồn nên cũng chấp nhận, nhưng sau này tôi mới phát hiện ra, con bé lập ra hai tài khoản, một cái để chúng tán dóc với nhau mọi chuyện linh tinh, còn tài khoản kia thì chúng dành riêng để kết nối với mẹ”.
Là một người khá thành công trong việc kết nối với con cái và các bạn trẻ trên Fb, chị Hồng chia sẻ bí quyết: “Khi các con có Fb từ khi học cấp 2, tôi và các con đã cùng thỏa thuận: Không đưa những thông tin quá riêng tư của gia đình lên mạng xã hội; Fb là hình ảnh cá nhân nên không đưa những hình ảnh phản cảm, không văng tục, không viết những ký hiệu, từ ngữ khó hiểu, mỗi khi gặp bạn offline thì phải thông tin cho cha mẹ biết…”.
Chị Hồng còn cho biết thêm, từ khi kết bạn với con, Fb là nơi chia sẻ thông tin rất tốt. “Con trai tôi đi du học, qua Fb chúng tôi nhanh chóng cập nhật được mọi thông tin về cháu nên xa cũng hóa gần, gia đình cũng yên tâm. Có một lần, ở nhà thấy cháu đưa lên Fb hình ảnh đang ở một quán bar nào đó ở tận trời Tây, tôi gọi điện ngay cho cháu để trao đổi…”, chị kể. Chị còn tư vấn thêm, khi đã kết bạn với con trên Fb, các bậc phụ huynh cần tránh chuyện dạy dỗ con trên mạng mà hãy trao đổi với con những thông tin bổ ích: “Hồi cháu còn học cấp 3, mỗi lần có bài viết nào hay tôi đều cắt và đặt trên bàn học để cháu đọc. Bây giờ có Fb tôi chỉ cần “share” (chia sẻ thông tin) với cháu về những đều cần tránh, những thông tin bổ ích về giữ gìn sức khỏe, những gương tốt trong cộng đồng và cả những mẫu bài thi”. Còn với chị Quỳnh thì Fb giúp chị gần gũi với các con hơn: “Hồi các con còn nhỏ, chúng thích những lời âu yếm, bây giờ chúng đã lớn nên nhiều khi khó nói. Nhờ Fb mà tôi thường viết ra những cảm xúc yêu thương của mình, những kỷ niệm với các con từ nhỏ mà mình giữ trong ký ức. Từ đó, các con thêm hiểu và mẹ con gắn bó với nhau hơn…”.
Chúng ta đang sống trong thế giới mạng và phải học cách thích nghi. Nhưng, thế giới mạng chỉ là ảo, cuộc sống và gia đình mới là thực. Hãy sưởi ấm ngôi nhà của bạn bằng nhiều hoạt động thú vị. Hãy kéo con bạn đến với những hoạt động thể thao, dã ngoại và tổ chức nhiều hơn những buổi họp mặt gia đình đầy ắp tiếng cười…
Trần Quốc