Ngày 16-5-2011, Chuẩn Đô đốc Hải quân Lê Văn Đạo đã đến thăm hai bệnh nhân Nguyễn Mỹ và Nguyễn Quế được đưa về từ quần đảo Trường Sa hiện đang được điều trị tại Bệnh viện 175 Bộ Quốc phòng. Trước đó, hai bệnh nhân trên đã vật lộn giữa làn ranh sống - chết tại đảo Trường Sa Lớn. Được sự trợ giúp kịp thời, nghĩa tình của những người lính hải quân, họ đã trở về…
Nghĩa tình quân dân
Sáng 6-5, đoàn công tác số 13 do Chuẩn Đô đốc Lê Văn Đạo đến đảo Trường Sa Lớn với tinh thần rất vui vì đúng vào dịp bé Nguyễn Ngọc Trường Xuân, công dân đầu tiên ra đời trên Trường Sa Lớn đầy tháng tuổi.
Vừa cập cảng, đoàn được tin báo có hai ngư dân tai biến do lặn sâu dưới biển đang cấp cứu tại bệnh xá của đảo. Bác sĩ Nguyễn Hồng Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện 175 xuống ngay bệnh xá nắm tình hình. Chuẩn Đô đốc Lê Văn Đạo triển khai công việc theo kế hoạch. Lúc này diễn biến bệnh nhân đã rất xấu. Cả hai hôn mê sâu, huyết động không ổn định, suy hô hấp nặng và phải thở máy. Sau khi hội ý chớp nhoáng với BS Sơn, Chuẩn Đô đốc Lê Văn Đạo quyết định chuyển bệnh nhân về đất liền để đảm bảo đầy đủ điều kiện điều trị nếu không chắc chắn bệnh nhân sẽ tử vong.
Sau khi hội ý, có 3 phương án đưa bệnh nhân về đất liền. Nếu đưa về theo tàu cá sẽ không đảm bảo thời gian và an toàn trong quá trình vận chuyển. Hơn nữa thời tiết cũng không cho phép. Nếu chuyển viện bằng tàu hàng, cũng vẫn là vấn đề thời gian vì phải chờ tàu, hơn nữa nếu cả người và trang thiết bị hộ tống theo bệnh nhân về đất liền sẽ ảnh hưởng đến nhiệm vụ cấp cứu của bệnh xá. Đưa bệnh nhân theo đường hàng không và sử dụng kíp cấp cứu của Bệnh viện 175 có đầy đủ trang thiết bị cơ động là giải pháp tối ưu nhưng sẽ khó khăn và tốn kém.
Chuẩn Đô đốc Lê Văn Đạo gọi điện báo cáo Tư lệnh Quân chủng Hải quân, BS Sơn báo cáo Giám đốc Bệnh viện 175, Cục Quân y để xin ý kiến Bộ Tổng tham mưu và Bộ Quốc phòng; báo cáo lãnh đạo Quân chủng Phòng không Không quân rồi cùng hồi hộp chờ đợi… Buổi tối hôm đó, cả đoàn công tác và toàn bộ bệnh xá hầu như không ngủ, lo lắng cho sức khỏe bệnh nhân. Chỉ huy đảo điều cả máy nổ dự phòng và đấu nguồn điện trực tiếp từ sở chỉ huy để đảm bảo cho hệ thống máy thở, máy tạo oxy… Nhờ nguồn điện ổn định suốt đêm, các chỉ số của bệnh nhân cũng tạm ổn định. Cả đoàn công tác chỉ còn chờ tin Bộ Quốc phòng quyết định chuyển bệnh nhân về đất liền bằng máy bay.
4 giờ sáng ngày 7-5-2011, Chuẩn Đô đốc Lê Văn Đạo và BS Sơn xuống thăm bệnh nhân lần cuối trước khi rời đảo để tiếp tục hải trình. Trong suốt thời gian trên biển thăm các đảo, cả đoàn liên tục cập nhật thông tin từ đảo và đất liền cho tới khi bệnh nhân được máy bay đưa về đến TPHCM. Mọi người cùng vỡ òa trong hạnh phúc.
Trở về từ biển khơi
Đúng 10 ngày sau cuộc gặp gỡ tại đảo Trường Sa Lớn, những thành viên của đoàn công tác số 13 đã có dịp gặp lại hai ngư dân gặp nạn. Theo sự chỉ dẫn của BS Nguyễn Hồng Sơn, cả đoàn đã xuống khoa hồi sức tích cực thăm bệnh nhân Nguyễn Mỹ đang điều trị.
Tại khu hậu cứu, bệnh nhân Nguyễn Quế đang nằm nghỉ, xung quanh anh vẫn còn nhiều hệ thống dây dẫn kết nối với máy theo dõi. Mọi người đều cảm động khi chứng kiến cái bắt tay thân tình và những giọt nước mắt trên khuôn mặt sạm đen đầy ngỡ ngàng của anh Quế.
BS Nguyễn Hồng Sơn chia vui: Anh Mỹ đã hết liệt và hết tê bì, có thể tự ngồi dậy và tự phục vụ được những sinh hoạt cá nhân. Bệnh nhân Nguyễn Quế đã phục hồi được tri thức (thoát mê), đã bỏ máy thở ngày hôm qua, tuy nhiên sức cơ vẫn còn yếu đặc biệt là hai chi dưới. Sau khi bỏ được máy thở, sẽ điều trị kết hợp và sử dụng liệu pháp oxy cao áp.
BS Nguyễn Hồng Sơn cho biết thêm: Cùng với BS Ngọc, bệnh xá trưởng và BS Quyền đánh giá tình hình, chúng tôi quyết định ngay phương án điều trị. Để cứu sống bệnh nhân, phải ổn định huyết động và chống suy hô hấp. Trước đó, phải làm thông thoáng đường thở (máy hút), đảm bảo thành phần khí thở (máy tạo oxy). Rất may, máy thở khá đủ chức năng phù hợp để hỗ trợ bệnh nhân suy hô hấp phù não. Vấn đề tiếp theo là cần những thiết bị xác định chính xác các tổn thương của bệnh nhân, đánh giá và theo dõi quá trình điều trị. Với điều kiện hiện tại của bệnh xá Trường Sa Lớn, không thể đáp ứng được. Còn để vận chuyển bệnh nhân là phải đi kèm với hệ thống trang thiết bị cồng kềnh trong điều kiện không chuyên dụng là hết sức khó khăn. Không thể thiếu được loại máy nào. Chỉ cần rơi rớt một hệ thống dây của mỗi máy là bệnh nhân cũng có thể tử vong. Nhưng mệnh lệnh từ trái tim người lính đã thôi thúc họ, vượt qua tất cả khó khăn…
Nói vậy để thấy rằng, để đưa hai bệnh nhân từ Trường Sa vào đất liền là nỗ lực không nhỏ của các y bác sĩ, của quân đội ta. Nhìn những giọt nước mắt của vợ bệnh nhân Nguyễn Quế, niềm hạnh phúc của đoàn công tác, chúng tôi hiểu được mọi người đã nỗ lực như thế nào để cứu sống hai bệnh nhân giữa muôn trùng biển khơi thiếu thốn trăm bề… Không chỉ có vậy, để hỗ trợ chi phí điều trị, Chuẩn Đô đốc Lê Văn Đạo còn vận động nhiều đơn vị hỗ trợ 60 triệu đồng, giúp gia đình hai bệnh nhân vượt qua khó khăn.
Trong căn phòng kính gần đó là một quân nhân đang công tác tại Trường Sa cũng vừa được cứu sống sau 10 ngày thở máy vì bệnh mô não cầu. Như vậy chỉ trong khoảng 1 tháng, đã có một ca mổ sinh, một ca mô não cầu và 2 ca bệnh giảm áp nặng thuộc quần đảo Trường Sa được cứu sống, đó thực sự là kỳ tích của tình người.
Quỳnh Hợp