Bộ môn đờn ca tài tử từ lâu đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân miền Tây Nam bộ. Đặc biệt đối với người nông dân, lao động, đôi tay dẫu chai sần theo hai mùa mưa nắng, nhưng khi cầm lên cây đàn, cất lên tiếng hát, thì từng nốt nhạc tuôn tràn theo lời ca, còn lời ca cũng quyện theo tiếng đàn tưởng chừng như không dứt. Bởi tâm hồn họ chính là người nghệ sĩ, cất tiếng ca, trỗi lên cung đàn bằng cả lòng mình giữa đất trời mênh mông miệt quê nhà.
1- Chúng tôi về Miệt Thứ 11, Miệt Thứ cuối cùng của vùng Miệt Thứ để dự buổi sinh hoạt đờn ca tài tử của CLB Đờn ca tài tử ấp Mương Đào B xã Vân Khánh huyện An Minh tỉnh Kiên Giang. Đến nơi thì trời đã tối khuất mình, cơn mưa chiều dai dẳng vẫn chưa tạnh. Bầu trời đêm thăm thẳm, lẻ loi vài ánh sao buồn hiu hắt, càng khiến Miệt Thứ thêm u buồn da diết.
Nhưng đêm nay, mưa mặc mưa, vẫn không ngăn được những bước chân hối hả đi trên con đường đê trơn trợt qua cánh đồng lúa vừa xuống mạ, nước lắp xắp vỗ về. Những ánh đèn pin nhấp nháy, tiếng gọi nhau đằm thắm xen giọng cười vui, rủ rê cùng đi sinh hoạt đờn ca tài tử. Ngày ngày họ là những nông dân cày sâu cuốc bẩm, đầu tắt mặt tối “trên đồng cạn dưới đồng sâu”, mồ hôi tưới xanh cây lúa, cho đàn con có chén cơm ngon, cắp sách đến trường, yên lòng trên giảng đường đại học. Còn đêm nay, họ là những nghệ sĩ chân chất và nồng nàn với lời ca tiếng hát, trải lòng cho câu vọng cổ ngân dài sâu lắng. Trước hàng ba nhà ông Huỳnh Thanh Gấu, thành viên của CLB Đờn ca tài tử ấp Mương Đào B, được mọi người gọi thân mật ông Tư Gấu, tuy nay đã hơn 60 tuổi nhưng luôn sôi nổi, nhiệt tình trong mọi phong trào văn nghệ của địa phương, con chim đầu đàn của phong trào đờn ca tài tử nơi đây.
Các thành viên trong CLB tề tựu đông đảo, không ngờ Bí thư Đảng ủy xã Vân Khánh Nguyễn Trung Hưng cũng có mặt, chẳng những anh là thành viên tích cực mà còn là giọng ca vàng của câu lạc bộ. Ai nấy đều ăn mặc tươm tất, các cô thì áo bông hoa tha thướt, các ông có người vận áo vô thùng, bảnh bao. Mọi người ngồi bệch trước hàng ba, quây quần bên dĩa ốc bươu luộc còn nghi ngút khói và con cá lóc nướng trui nóng hổi, chai rượu đế vừa mở nắp thơm lừng, dĩa rau đồng đủ loại non xanh, trông bắt mắt. Những thứ “mồi bén” cây nhà lá vườn này không thể thiếu trong những buổi sinh hoạt đờn ca như vậy. Lịch sinh hoạt của CLB cứ xoay vòng, lần này nhà người này, lần sau nhà người nọ, tới phiên nhà ai thì nhà đó chịu lo phần mồi với rượu, còn ai có thêm con cá, trái cà, quả dưa thì cứ mang tới cho thêm phần xôm tụ, cho lời ca tiếng hát kéo dài tận đêm khuya.
Trong lúc chờ các tay đờn lên dây nắn phím, Bí thư xã Vân Khánh Nguyễn Trung Hưng cho biết, CLB Đờn ca tài tử được thành lập gần 15 năm, đến nay vẫn sinh hoạt đều đặn nửa tháng một lần. CLB có 20 thành viên chính thức, còn người cảm tình thích hát tới học ca, học đàn thì hầu như cả ấp ai cũng tham gia. Đặc biệt CLB Đờn ca tài tử ấp Mương Đào B còn vinh dự được xem là CLB Đờn ca tài tử đầu đàn của huyện An Minh. Cứ mỗi lần dự hội diễn văn nghệ ở huyện đều đoạt giải nhất. Nhiều thành viên được CLB Đờn ca tài tử tỉnh Kiên Giang mời tham gia khi đi hội diễn cấp khu vực. Những giọng ca Minh Mãi, Hồng Toán, Cẩm Hường, Văn Mun, Hoàng Mạnh, Tư Gấu… không chỉ làm rạng danh bộ môn đờn ca tài tử vùng Miệt Thứ mà còn mang huy chương về cho tỉnh Kiên Giang.
2- Chủ nhà Tư Gấu rót đầy ly rượu mời tôi, người khách phương xa, dặm dài ngót 400km, từ TPHCM xuống đây cốt để dự buổi sinh hoạt đờn ca tài tử đêm nay. “Xin mời tất cả nâng ly trăm phần trăm kỷ niệm lần đầu tiên chúng ta gặp gỡ. Ly rượu ngày xưa ta kết nhau tình bằng hữu, còn ly rượu ngày nay ta kết nghĩa kim bằng…”, chưa chi Tư Gấu đã vô câu vọng cổ ngọt xớt. Tiếp theo là giọng ca của anh Minh Mãi, Chủ nhiệm CLB với một lớp Phú lục, rồi anh vô luôn câu vọng cổ bằng chất giọng cao vút, mượt mà, không gian chừng như nín lặng, chỉ còn tiếng hát của Minh Mãi lan man bên dòng kênh Mương Đào lững lờ trôi. Hoàng Mạnh cũng không vừa, anh tham gia bằng lớp Nam xuân do chính anh sáng tác, ca ngợi đất nước quê hương Miệt Thứ. Đến Thanh Bằng với 3 câu vọng cổ quá mùi mẫn, thắm sâu vào lòng người nghe, nhẹ nhàng và có sức lan tỏa tận đáy lòng. Tay ghita phím lỏm Sáu Nhân đâu phải chỉ có đờn, anh còn có giọng hát ngọt như... mía lùi.
Đặc biệt hôm nay, có sự tham gia của hai giọng hát mới gia nhập CLB, còn đang chập chững tập tành với những nhịp điệu của các bài bản và vọng cổ. Được mọi người động viên khích lệ, cả hai cô Lê Thị Thum và Kim Ngân cũng góp lời ca tiếng hát. Sau khi dứt điệu Trăng thu dạ khúc, Lê Thị Thum vô câu vọng cổ thật buồn áo não, toát lên thân phận cam chịu của người phụ nữ góa bụa cơ hàn vùng Miệt Thứ. Nỗi tâm tư sầu muộn có biết bày tỏ với ai đâu, chỉ biết gởi gắm trong lời ca tiếng hát. Cái chất giọng đặc trưng của vùng đồng bằng sông Cửu Long mộc mạc mà hết sức trữ tình dễ thương. Tôi bị cuốn hút và trải lòng theo từng tiếng hát: “Con “gạch” Cái Thia chảy dìa Tắc Cậu, con sáo qua sông con sáo đậu hiên nhà. “Chời” tháng tư em mặc áo qua cà… tình của ta “chong chắng”… “gõ gàng””…
3- Lời ca tiếng đàn cứ mãi ngân nga trầm bổng giữa đêm khuya Miệt Thứ, khiến tôi, người khách phương xa, quên mất bao mệt mỏi của đoạn đường dài mình mới đi qua. Và càng tâm đắc hơn khi nghe anh Huỳnh Văn Mun, sau khi ca câu vọng cổ ngọt ngào da diết, anh Mun bộc bạch: “Chúng tôi là những người nông dân tay lấm chân bùn, quanh năm chỉ biết ruộng đồng, nên lời ca, tiếng đàn cũng không thoát qua khỏi bờ đê đồng ruộng. Chúng tôi đến với nhau bằng tình chòm xóm, sâu đậm nhất là cái tinh thần mê say văn nghệ. Mà trước tiên là để cho chính mình thỏa chí đờn ca, quên bao mệt nhọc của những ngày lao động vất vả. Chúng tôi hát bằng cả sự đam mê, tiếng hát không vì cơm áo gạo tiền, biết sao hát vậy theo kiểu người này chỉ dạy người kia, hoàn toàn cây nhà lá vườn không qua trường lớp nào hết”.
| |
- Kỳ 2: Nghệ sĩ miệt vườn
NGUYỄN TƯỜNG LỘC - THƯ NAM