MI5 và những tài liệu mật thú vị

MI5 và những tài liệu mật thú vị

Cục Tàng thư Anh vừa giải mật hơn 180 tài liệu của cơ quan tình báo Anh MI5. Nổi bật nhất có lẽ là chuyện MI5 phát hiện âm mưu của lãnh đạo phát xít Đức bí mật chuyển một số vàng, đồ kim hoàn cùng nhiều đồ vật có giá trị lên một chiếc tàu ngầm qua Argentina, hai năm trước khi Thế chiến 2 kết thúc.

Khai  báo “tuốt tuồn tuột”

MI5 và những tài liệu mật thú vị ảnh 1

Một chiếc tàu ngầm U-boat của phát xít Đức

Những chi tiết về chuyện tuồn tài sản này nổi lên sau 30 ngày lấy cung đối với Ernesto Hoppe, một người Đức nhập quốc tịch Argentina và là điệp viên của cơ quan tình báo Đức, có mật danh “Herod”. Hoppe bị bắt tại Gibraltar hồi tháng 10-1943 do bị một “cộng tác viên” của MI6 ở Argentina chỉ điểm, khi hắn đang trên một chuyến tàu thủy rời Bilbao (Tây Ban Nha) qua Buenos Aires (BA, Argentina). Hắn bị đưa đến trung tâm điều tra của MI5 ở   Latchmere House (Nam London). Ban đầu hắn rất “cứng đầu cứng cổ”, thậm chí giả bệnh để vào bệnh viện rồi tìm cách liên lạc với Sứ quán Argentina tại London nhưng không thành. Sau đó cánh tình báo Special Branch (của Cảnh sát Scotland Yard) bắt lại. Từ đó hắn bị gọi là “tên vô lại phi nguyên tắc”.

Nhưng Hoppe cuối cùng khai “tuốt tuồn tuột”: một sĩ quan không quân Đức tên Rosentreter tìm gặp hắn để giao nhiệm vụ “đem rổ trứng vàng” qua Argentina để lãnh đạo phát xít có thể sống nhàn rỗi ở Nam Mỹ một khi Đức thua trận Thế chiến 2. Số hàng hóa trên chiếc tàu ngầm có giá trị khoảng 10 triệu mark Đức. Kế hoạch là Hoppe qua BA bằng tàu thủy (do hắn không chịu đi tàu ngầm) để nhận 40 thùng hàng (nặng tổng cộng 3 tấn) tại một điểm giao hàng do thủy thủ đoàn chiếc U-boat chọn.

Số thùng có đánh dấu A sẽ giao Hoppe gửi đến một ngân hàng tại thủ đô Argentina, số thùng B có chữ “cẩn thận” thì đến tòa biệt thự Balestero ngoại ô BA và số thùng C chuyển đến một địa chỉ khác. Rosentreter nói số thùng C thuộc diện “nguy hiểm nhất”. Hoppe khai với MI5 rằng anh tính tiết lộ âm mưu của phát xít Đức cho Chính phủ Argentina biết một khi hắn đặt chân đến BA vì hy vọng được thưởng. Khi Thế chiến 2 kết thúc, Hoppe bị trục xuất về Argentina hồi tháng 10-1945.

Một hồ sơ giải mật khác cho biết vào tháng 5-1945, MI5 cũng lấy lời khai của Hans Larsen, một người thuộc một dòng họ chuyên đánh cá voi ở Na Uy và bị nghi làm điệp viên cho phát xít Đức. Larsen là người đăng ký mua dài hạn tờ tạp chí Chủ nghĩa tự nhiên (Naturist, của Mỹ, đăng ảnh phụ nữ khỏa thân là chính). Nhưng MI5 cho rằng hắn sử dụng những trang tạp chí này để “viết báo cáo ẩn giấu” gửi cấp trên, về hoạt động của hải quân đồng minh. Larsen bị bắt và giải qua Anh thẩm vấn, lúc một trong những “báo cáo ẩn” ấy là bản sao một số Naturist ra tháng 3-1945. Sau Thế chiến 2, Larsen bị trục xuất về Na Uy và hắn bị tuyên 7 năm lao động khổ sai.

Đại sứ đi “chợ đen”

MI5 và những tài liệu mật thú vị ảnh 2

Nhà văn Anh George Orwell

Cục Tàng thư Anh cũng giải mật một tài liệu nêu đại sứ Anh tại Nga vào những năm 1930, Sir Esmond Ovey, đã khai nhận chuyện mua rúp “chợ đen” trong một bức điện tín mã hóa gửi về Bộ Ngoại giao Anh ở London. Ông ta thừa nhận vi phạm quy định khi mua một số lượng lớn đồng rúp ở “chợ trời” Riga. Ông ta kể lúc đầu cũng nỗ lực chống lại cơn cám dỗ ấy nhưng rồi nhận ra mình “dại” khi các nhà ngoại giao của các quốc gia khác tại Moscow đều “đon đả” tham quan Riga.

Theo tờ báo Times, thậm chí lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin biết chuyện đại sứ Anh “đi buôn” nên nhanh chóng có hành động. Vụ việc chỉ nổi lên vài năm sau đó, khi  tên tội phạm Leon Helfland (đã giết nhiều người Nga) trốn sang Mỹ năm 1940 và một quan chức MI5 lấy lời khai của hắn năm 1941 tại New York. Helfland khai người Nga đọc được hết các điện tín mật mã của Anh và có điệp viên của Nga trong Sứ quán Anh tại Roma (Italia).

Một tài liệu mật khác kể chuyện gửi thư không biết  địa chỉ của J.Edgar Hoover, giám đốc Cục Cảnh sát Liên bang Mỹ (FBI), một trong những nhân vật quyền lực nhất nước Mỹ suốt gần 50 năm. Khi Hoover muốn gửi một lá thư cảm ơn đến Tổng Giám đốc MI5 là Sir David Petrie hồi năm 1943, ông ta lại chẳng biết địa chỉ. Cuối cùng ông ta chọn địa chỉ là “Cục An ninh Vương quốc Anh, London, Anh”. Chiếc phong bì có quá nhiều dấu bưu cục chứng tỏ nó đi vòng vòng trước khi đến được nơi cần đến một cách tình cờ.

MI5 cảm thấy bất thường nên giữ nó lại và cho vào tài liệu mật “Quan hệ với FBI”, cho đến nay mới được giải mật. Lá thư của Hoover cảm ơn chuyện chào đón và hỗ trợ một sĩ quan liên lạc FBI đến London hợp tác phản gián với MI5. Đó là bước đột phá trong sự hợp tác kéo dài cho đến nay giữa hai cơ quan  này. 

Bị nghi vì ăn mặc lạ lùng

MI5 và những tài liệu mật thú vị ảnh 3

Giám đốc FBI J.Edgar Hoover

Một tài liệu mật khác nữa nêu chuyện nhà văn Anh George Orwell bị MI5 theo dõi từ năm 1929 đến ngày ông qua đời đầu năm 1950, sau khi xếp loại ông vào diện “cộng sản”, chỉ vì nhà văn có những quan điểm khuynh tả và cách ăn mặc như người du cư Bohemia. Orwell nổi tiếng với những cuốn sách chỉ trích chủ nghĩa độc tài hoặc sự bất công xã hội như Down and Out in Paris và London and The Road to Wigan Pier…

Tài liệu mật nêu ông có tên thật là Eric Arthur Blair, bị cảnh sát chú ý  đặc biệt từ năm 1936, khi ông mới 33 tuổi, do ông bị xem là có những hoạt động “thân cộng sản” tại thị trấn mỏ Wigan, nơi Orwell tìm tư liệu để viết một cuốn sách về cuộc đời lao động ở miền Bắc Anh. Trước đó, MI5 theo dõi Orwell từ năm 1929, khi ông còn là một nhà báo nghèo ở Paris (Pháp) nỗ lực viết cho những tờ báo cánh tả. Năm 1942, Orwell lại lọt vào tầm ngắm của Cảnh sát Scotland Yard, khi ông làm việc cho BBC tại Ấn Độ. Tuy nhiên, một hồ sơ khác lại nêu MI5 không xem Orwell là một nguy hiểm an ninh.

Tuấn Anh (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục