Miền Tây tăng tốc

Kết thúc năm 2013, Cần Thơ nô nức với những hoạt động sôi nổi kỷ niệm 10 năm trở thành thành phố trực thuộc trung ương. “Đầu tàu kinh tế” của ĐBSCL có thể còn những yếu tố chưa như kỳ vọng, nhưng sức bật của thành phố 10 năm tuổi hứa hẹn sẽ mạnh mẽ hơn trong tương lai. Cùng với tin vui này, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang vừa công nhận xã Đại Thành (thị xã Ngã Bảy) đạt tiêu chí xã nông thôn mới đầu tiên ở ĐBSCL. Kết quả này tạo động lực cho công cuộc xây dựng nông thôn mới ở ĐBSCL thêm khởi sắc, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên.

Ngoài lúa gạo, thủy sản là ngành phát triển mạnh trong những năm qua. Hiện nay, ĐBSCL đã trở thành vùng nuôi và đánh bắt thủy hải sản lớn nhất nước. Trong đó, tôm, cá tra đã trở thành một trong những ngành kinh tế chiến lược của quốc gia. Năm 2013, xuất khẩu thủy sản đạt kim ngạch 6,5 tỷ USD. Trong đó, sản lượng tôm xuất khẩu của Việt Nam đã vươn lên thứ 3 thế giới với khoảng 500.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu tôm lần đầu vượt ngưỡng 3 tỷ USD. Xuất khẩu tôm vượt kế hoạch đã đem lại niềm vui cho hàng ngàn người dân ở ĐBSCL.

Đi đôi với nông nghiệp, trong những năm qua, ĐBSCL đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa. Công nghiệp được chú trọng phát triển, tập trung khai thác các thế mạnh của vùng như về công nghiệp chế biến nông, thủy sản và bước đầu đầu tư phát huy lợi thế về công nghiệp dầu khí, năng lượng, nhiệt điện và cơ khí. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2013 của vùng ĐBSCL ước đạt 128.615 tỷ đồng, đạt 99,5% kế hoạch, tăng 11,9% so với năm 2012. Một số địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cao như Tiền Giang (14,5%), Kiên Giang (12,7%), Long An (12,6%) và Vĩnh Long (12,1%). Trong đó, công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm chiếm 26%.

Thời gian qua, ĐBSCL đã thu hút nhiều dự án lớn đầu tư vào ngành công nghiệp khí, điện như Trung tâm khí - điện - đạm Cà Mau, Trung tâm nhiệt điện Ô Môn (Cần Thơ), Nhà máy điện Duyên Hải (Trà Vinh), Nhà máy nhiệt điện Long Phú (Sóc Trăng), Trung tâm nhiệt điện sông Hậu (Hậu Giang), đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn. Nhờ lúa gạo, thủy sản cùng công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm phát triển nên xuất khẩu của ĐBSCL trong những năm qua cũng tăng tốc phát triển mạnh. Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu vùng ĐBSCL đạt 10.573 triệu USD, bằng 94,6% kế hoạch năm, tăng 8% so với năm 2012. Trong đó, vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL (gồm 4 địa phương Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang và Cà Mau) chiếm tỷ trọng 36,7%.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL tuy có phát triển nhưng nhìn tổng thể vẫn còn hạn chế, chưa bền vững, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh còn thấp, yếu tố rủi ro còn cao, chưa tương xứng tiềm năng của vùng. Theo đó, nông nghiệp có lợi thế lớn nhất nhưng chưa có quy hoạch sản xuất tập trung nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh như vùng lúa chất lượng cao, thủy sản, cây ăn trái…; sản xuất, nuôi trồng còn mang tính tự phát, phân tán, nhỏ lẻ; chưa khai thác tốt tiềm năng và đạt hiệu quả các mặt hàng nông sản chủ lực, kinh tế mũi nhọn của vùng, chưa tạo được nhiều thương hiệu mạnh. Quy mô công nghiệp nhỏ, giá trị gia tăng thấp, chủ yếu công nghiệp địa phương. 80% doanh nghiệp trong vùng là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tỷ trọng công nghiệp trong GDP của khu vực còn thấp. Thu hút đầu tư chưa nhiều, nhất là đầu tư nước ngoài. Cơ sở hạ tầng ĐBSCL đã được đầu tư đáng kể, nhưng vẫn còn yếu, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.

Để thực hiện mục tiêu từ nay đến năm 2020 là xây dựng vùng ĐBSCL tiếp tục là vùng trọng điểm nông nghiệp, thủy sản, là một trong những trung tâm năng lượng của cả nước; xây dựng vùng ĐBSCL trở thành vùng phát triển năng động về kinh tế, các mặt văn hóa, xã hội tiến kịp mặt bằng chung của cả nước, bước sang năm 2014, ĐBSCL phải thật sự tăng tốc. Ngoài tiếp tục đầu tư phát triển bền vững nông nghiệp, phát triển mạnh kinh tế biển, tập trung đầu tư vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL; xây dựng Cần Thơ thành trung tâm vùng; Phú Quốc thành đặc khu hành chính - kinh tế, trung tâm dịch vụ, du lịch của khu vực; xây dựng các khu, cụm công nghiệp tập trung, có chính sách thu hút, mời gọi đầu tư trong và ngoài nước, các địa phương cần huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển nhanh hệ thống kết cấu hạ tầng để thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Để làm được điều này, ngoài nỗ lực của các bộ, ngành và địa phương, việc tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển là hết sức cần thiết. Theo đó, cần đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch trong và ngoài nước; huy động sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư của các thành phần kinh tế; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, sản xuất, kinh doanh phát triển. Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ cần kiến nghị Chính phủ ban hành cơ chế chính sách riêng cho ĐBSCL về thu hút đầu tư, phát triển nông nghiệp và nguồn nhân lực; đẩy mạnh chương trình hợp tác liên kết phát triển với các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL và vùng với TPHCM, Đông Nam bộ… tạo ra nội lực, ngoại lực mạnh để phát triển vùng ĐBSCL xứng tầm.

TRẦN MINH TRƯỜNG

Tin cùng chuyên mục