Miền Trung: Xóa nạn xe dù, bến cóc

Mùng 6 Tết, khác với những năm trước, năm nay tuyến QL1A đoạn qua các tỉnh miền Trung từ Nghệ An đến Quảng Nam… vẫn vắng hoe người đón xe khách vào Nam. Sở dĩ năm nay khách vào Nam thưa vắng một phần vì thời gian nghỉ tết nhiều (đến mùng 9 Tết), phần nữa là do lượng xe chất lượng cao được các địa phương miền Trung tăng cường nhằm đảm bảo phục vụ nhu cầu của người dân.
Miền Trung: Xóa nạn xe dù, bến cóc

Mùng 6 Tết, khác với những năm trước, năm nay tuyến QL1A đoạn qua các tỉnh miền Trung từ Nghệ An đến Quảng Nam… vẫn vắng hoe người đón xe khách vào Nam. Sở dĩ năm nay khách vào Nam thưa vắng một phần vì thời gian nghỉ tết nhiều (đến mùng 9 Tết), phần nữa là do lượng xe chất lượng cao được các địa phương miền Trung tăng cường nhằm đảm bảo phục vụ nhu cầu của người dân.

  • Xe vào Nam chưa “căng”

Theo ghi nhận của PV Báo SGGP tại Nghệ An, nơi có rất đông người dân di cư vào Nam sinh sống nhiều năm qua, tình hình xe khách vào Nam chưa thật sự căng thẳng. Không như mọi năm, vào ngày mùng 6 Tết lượng người vào Nam rất đông, năm nay, số người đi vào ngày này lại khá ít.

Tại các điểm đón xe dọc quốc lộ 1A, như: ngã ba thị trấn Diễn Châu, ngã ba thị trấn Quán Hành, 2 điểm cầu Bến Thủy 1 và Bến Thủy 2 (Nghệ An), ngã ba Gia Lách, Bãi Vọt (Hà Tĩnh)... trong ngày chỉ có lác đác vài tốp người đứng đón xe. Theo một số người, rất có thể vì còn mấy ngày nghỉ nữa nên mọi người muốn tranh thủ ở quê với người thân thêm ít ngày, mặt khác năm nay vì khó khăn về kinh tế nên cũng khá nhiều người không về quê... Tại ga Vinh, lượng người đổ về đi tàu cũng không đông đúc, nhiều người đến để mua vé cho những ngày sau.

Ngày mùng 6 tết Quý Tỵ, hành khách từ miền Trung đi TPHCM tăng nhưng không có hiện tượng nhồi nhét khách như mọi năm. Ảnh: VĂN THẮNG

Ngày mùng 6 tết Quý Tỵ, hành khách từ miền Trung đi TPHCM tăng nhưng không có hiện tượng nhồi nhét khách như mọi năm. Ảnh: VĂN THẮNG

Chiều 15-2, ông Bùi Phan Lương, Phó trưởng Ban Quản lý Bến xe khách tỉnh Hà Tĩnh cho biết, năm nay hiện tượng bến cóc, xe dù o ép, “chặt chém” khách tại Hà Tĩnh giảm hẳn so với các năm trước đó. Nguyên nhân cơ bản là do trước và sau tết hành khách tự chủ động liên hệ với các nhà xe đặt vé tuyến cố định và lượng khách về Tết Quý Tỵ rất ít.

Cũng theo ông Lương, năm nay loại xe chất lượng cao tuyến đi từ Hà Tĩnh vào TPHCM bao gồm cả ăn, uống giá vào khoảng hơn 1 triệu đồng/người. Hà Tĩnh - Huế, Đà Nẵng và Hà Tĩnh - Hà Nội dao động từ hơn 270.000 đến 400.000 đồng/người. Hầu hết các tuyến xe đi vào Nam và ra Bắc đều đăng ký tại bến và trước lúc xuất bến Hà Tĩnh được cơ quan chức năng kiểm tra nghiêm ngặt đúng giá vé, đúng số chỗ ngồi, không tùy tiện dừng, nâng, o ép giá hoặc nhồi nhét khách sai quy định trên suốt cuộc hành trình.

Theo quan sát của chúng tôi, từ ngày 4 đến chiều mùng 6 Tết Quý Tỵ tại các địa bàn thị xã Hồng Lĩnh, huyện Can Lộc, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Kỳ Anh, TP Hà Tĩnh, Nghi Xuân nằm dọc trên tuyến quốc lộ 1A (thuộc tỉnh Hà Tĩnh) nhiều năm trước vốn được xem là “điểm nóng” nhức nhối của thực trạng bến cóc xe dù thì năm nay cảnh tượng người người chen lấn vẫy xe đã giảm rõ rệt.

  • Giá tăng cao

Tại Huế, mùng 6 Tết Quý Tỵ, hàng ngàn công nhân làm việc tại các khu công nghiệp Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai… tràn ra quốc lộ 1A bắt xe khách Nam tiến cho kịp ngày làm việc đầu tiên sau tết. Tuy nhiên, ngày mùng 6 được xem là ngày tốt theo quan niệm dân gian nên xe khách Bắc - Nam nào cũng đã chật kín khách.

Ngay từ tinh mơ mùng 6 Tết, dọc quốc lộ 1A đoạn ngã ba Tứ Hạ (Thừa Thiên - Huế), hàng trăm công nhân đã được người nhà tay xách nách mang hành lý đứng rải rác đón xe đi miền Nam. Nhiều công nhân đứng ngồi không yên lao cả ra giữa lòng đường đón xe.

Chị Mai Thị Hà, quê tại thị trấn Sịa (huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) đang làm việc tại khu công nghiệp Biên Hòa cho biết: “Kinh tế năm nay khó khăn nên công ty em không thưởng tết mà hẹn sau tết ai vô đúng ngày làm việc đầu tiên mới được hỗ trợ tiền tàu xe. Từ sáng đến giờ, đón hoài mà không xe nào dừng lại bắt khách… Chắc tụi em phải đi xe tăng bo tuyến ngắn cho kịp ngày”.

Trong khi đó, tại 2 tỉnh, thành Quảng Nam và Đà Nẵng, dường như tình trạng xe dù, bến cóc không còn…đất sống. Năm nay, mặc dù tình hình tàu xe vào Nam vẫn căng thẳng, tuy nhiên, nhờ có sự chuẩn bị trước nên Quảng Nam và Đà Nẵng đã tăng cường lượng xe chất lượng cao vào Nam phục vụ phần lớn nhu cầu của hành khách. Chính vì thế, năm nay tại các điểm nóng như: ngã ba Huế, ngã ba Hòa Cầm (Đà Nẵng), ngã tư Vĩnh Điện, ngã tư Hà Lam, ngã ba cây Cốc, ngã ba Kỳ Lý (Quảng Nam) không còn cảnh người dân trắng đêm trải chiếu nằm chờ xe như những năm trước. Phần lớn công nhân, sinh viên Quảng Nam, Đà Nẵng về quê ăn tết đều đặt vé tàu xe khứ hồi nên đường vào bớt căng thẳng. Cũng chính vì thế, năm nay các xe dù, bến cóc không còn đất để hoạt động.

NHÓM PV



ĐBSCL: Lượng khách về TPHCM tăng mạnh

* Cà Mau, Gia Lai: “Cháy vé” xe khách

(SGGP).-Ngày 15-2 (mùng 6 Tết), lượng khách từ các tỉnh thành miền Tây đổ về TPHCM và miền Đông Nam bộ chuẩn bị đi làm việc và học tập rất đông. Từ sáng sớm, Bến xe Cần Thơ hoạt động tấp nập, hành khách tập trung nhiều nhất tại các hãng xe chất lượng cao.

Ông Nguyễn Văn Mạnh-Phó Giám đốc Công ty cổ phần Bến xe tàu Cần Thơ, cho biết: “Ngày mùng 6 Tết có khoảng 18.000 lượt khách qua Bến xe Cần Thơ, đông nhất từ trước tết đến nay. Chúng tôi đã huy động 800 lượt phương tiện phục vụ. Trong đó có 40 lượt xe tăng cường để đảm bảo không xảy ra tình trạng ùn ứ khách. Dự báo ngày mùng 7 và mùng 8 Tết lượng khách sẽ khá đông, khoảng 17.000 - 18.000 lượt/ngày. Để phục vụ khách, hầu hết các hãng xe, công ty vận tải hành khách đều có kế hoạch tăng chuyến từ 30% - 40%”.

Trong khi đó, tại Cà Mau, nhiều tuyến xe đi Cần Thơ, TPHCM và Đông Nam bộ “cháy” vé, nhiều người chen lấn hàng giờ vẫn chưa mua được vé. Ban quản lý Bến xe Cà Mau cho biết, đến 16 giờ ngày 15-2, xe đi Cần Thơ, TPHCM đã bán hết vé, phải điều động gần chục xe từ 30-45 chỗ ngồi ở tuyến khác để tăng chuyến. Ông Trần Trung Hiếu, Phó trưởng Bến xe Cà Mau, cho biết: “Trong tình huống cần thiết, chúng tôi sẽ huy động xe buýt để không xảy ra tình trạng ùn ứ khách”.

Sau Tết Nguyên đán Quý Tỵ, người dân tỉnh Gia Lai đổ vào TPHCM làm việc và học hành khiến các tuyến xe khách cố định “cháy” vé. Ngày thường, mỗi ngày có khoảng 1.000 lượt người từ Gia Lai đi về TPHCM, nhưng từ mùng 4 Tết, các tuyến xe khách từ TP Pleiku và các huyện trong tỉnh Gia Lai đi TPHCM đã tăng lên khoảng 4.000 lượt hành khách/ngày đêm.

Theo ghi nhận của PV Báo SGGP, nhiều hành khách không thể mua được vé xe tuyến Pleiku - TPHCM xuất phát trong các mùng 6, 7, 8. Giá vé có phụ thu tuyến này cũng tăng 60% so với bình thường, ở mức khoảng 400.000 - 500.000 đồng/vé.

Hôm qua 15-2 (mùng 6 Tết), hành khách từ các tỉnh quay trở về Hà Nội làm việc dồn về các bến tàu, bến xe Hà Nội đã rất đông đúc. Tại Bến xe Mỹ Đình, Bến xe phía Nam, Bến xe Gia Lâm… xe khách từ các tỉnh về bến hầu như không còn chỗ trống. Đặc biệt, tại bến xe phía Nam, xe khách từ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Nam Định, Thái Bình… đều đầy ắp hành khách.

Theo thông tin từ Công ty Quản lý bến xe Hà Nội, trong ngày mùng 6 Tết, ước tính có khoảng 30.000 lượt khách về các bến xe Hà Nội và con số này dự kiến sẽ tăng 1,5 - 2 lần trong 2 ngày tiếp theo.

Trong những ngày này, các bến xe ở Hà Nội tập trung cho việc đón và giải tỏa hành khách trở về thủ đô sau kỳ nghỉ tết, các xe khách từ Hà Nội đi các tỉnh, kể cả xe khách đi các tỉnh phía Nam vẫn còn vắng khách, lượng khách ít hẳn so với cùng kỳ những năm trước.  

NHÓM PV

Tin cùng chuyên mục