TPHCM vừa triển khai Quyết định 25/TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí”. Đây được coi là một trong những giải pháp quan trọng, cấp bách để góp phần định hướng dư luận xã hội, ổn định an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, ngăn ngừa, hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực từ các diễn đàn không chính thống, các trang mạng, các mạng xã hội đến đời sống.
Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí không phải là vấn đề mới. Cách đây 5 năm, chúng ta đã có quy định về việc này, nhưng do quy định chưa rõ ràng và chưa có chế tài cụ thể, nên người phát ngôn ở nhiều cơ quan, đơn vị cố tình né tránh báo chí, không cung cấp thông tin chính thống và kịp thời cho báo chí, chính điều này buộc các cơ quan báo chí phải tìm đến các nguồn tin bên ngoài, thậm chí cả trên mạng xã hội. Một tất yếu xảy ra, khi các cơ quan báo chí không được tiếp cận nguồn tin chính thống nhanh nhất, trung thực, khách quan và chính xác nhất thì các diễn đàn không chính thống, các mạng xã hội vào cuộc với những luồng thông tin đa chiều, trái ngược nhau, thật giả lẫn lộn.
Trong xu thế bùng nổ thông tin, truyền thông xã hội, đặc biệt là mạng xã hội đã mở vô vàn các lợi ích không thể đếm hết được, nhưng trên đó nhiều khi cũng đăng tải rất nhiều những mặt trái, tiêu cực không đúng với bản chất sự việc, có khi bị xuyên tạc, bóp méo, thậm chí vi phạm pháp luật Việt Nam hoặc đăng tải nhiều thông tin trái với thuần phong mỹ tục, gây ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội và an ninh trật tự. Thực tiễn cuộc sống đặt ra cho các cơ quan chức năng ở địa phương cần phải cung cấp cho cơ quan báo chí những thông tin chính thống, kịp thời và chính xác về tình hình chung và những sự việc vừa xảy ra.
Ở các nước, nhiều tổ chức, cá nhân thường sử dụng các chuyên gia được đào tạo bài bản về báo chí, truyền thông, quan hệ công chúng và quan hệ công trong vai trò là người phát ngôn để đảm bảo rằng thông tin của mình được công bố trong bối cảnh thích hợp nhất và thông qua các kênh thích hợp nhất để tối đa hóa lợi ích và để giảm thiểu tác động của các thông tin không chính xác. Thời gian qua, việc người phát ngôn ở nhiều cơ quan, đơn vị ở TPHCM né tránh báo chí một phần là do họ phải kiêm nhiệm nhiều công việc, một phần là do họ không nắm chắc, đầy đủ thông tin và chưa có kỹ năng trả lời với báo chí, nên ngại tiếp xúc với báo chí. Nay với quy chế mới về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước phải chịu trách nhiệm về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, thời hạn phát ngôn và cung cấp thông tin ít nhất 3 tháng/lần; đối với trường hợp đột xuất, bất thường, người phát ngôn có trách nhiệm chủ động phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí trong thời gian chậm nhất là 1 ngày, kể từ khi vụ việc xảy ra. Đáng chú ý, quy chế còn đưa ra biện pháp chế tài là nơi nào thực hiện không đúng hoặc thực hiện không đầy đủ các quy định thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật… Một bài học vừa qua cho thấy, có cơ quan cung cấp thông tin chậm, thậm chí có trường hợp cung cấp sai, vô tình gây nhiễu thông tin gây phân tâm cho người dân, làm cho sự thật càng dễ bị xuyên tạc trên mạng xã hội. Bên cạnh đó, do yêu cầu cập nhật thông tin “nóng” của báo điện tử, cũng đã xuất hiện nhiều thông tin thiếu trách nhiệm, thiếu kiểm chứng, làm dấy lên dư luận hoặc gây tranh cãi, có khi là một việc rất nhỏ cũng trở thành chuyện lớn, hoặc có những tranh luận vô bổ theo thị hiếu đám đông. Điều này đặt ra cho người phát ngôn phải luôn nâng cao trình độ, kiến thức, nắm bắt nhanh nhất bản chất sự việc và cả kỹ năng trả lời báo chí. Ngoài ra, quy chế mới còn bổ sung thêm so với quy chế cũ về quy định công bố số điện thoại và địa chỉ e-mail của người phát ngôn bằng văn bản cho các cơ quan báo chí, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí và phải đăng tải trên cổng (hoặc trang) thông tin điện tử của cơ quan hành chính nhà nước…
Chính vì vậy, Thủ tướng chính phủ ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan hành chính nhà nước cung cấp thông tin chính thống, công khai, thực hiện minh bạch hóa thông tin; đồng thời nêu cao được vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước trong việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí; tạo cơ sở cho công tác phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí được chuẩn hóa, chuyên nghiệp hóa, đạt hiệu quả cao hơn, đáp ứng tốt công tác tuyên truyền, định hướng thông tin và nhu cầu hưởng thụ thông tin của nhân dân.
TUẤN SƠN