Minh bạch hoạt động và tài chính

Hôm qua, 8-12, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì hội nghị của Chính phủ tổng kết 10 năm sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) giai đoạn 2001-2010 và phương hướng nhiệm vụ, giải pháp tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2011-2015. Hôm nay, 9-12, Thủ tướng tiếp tục chủ trì hội nghị của Chính phủ sơ kết mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước. Đây là những vấn đề nóng, được dư luận đặc biệt quan tâm, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang tập trung thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó tái cơ cấu DNNN là một trong 3 trọng tâm.

Không thể phủ nhận, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực then chốt của nền kinh tế đã được kiện toàn về mô hình tổ chức quản lý. Hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước cũng được nâng lên, cơ bản đáp ứng được nhu cầu thiết yếu cho quốc phòng, an ninh, là một trong những công cụ quan trọng để Nhà nước điều tiết vĩ mô. Phần lớn DNNN hoạt động có lãi, số doanh nghiệp thua lỗ đã giảm nhiều, có doanh nghiệp trước đây lỗ nhưng giờ đã có lãi.

Nếu năm 2001 số doanh nghiệp thua lỗ và hòa vốn chiếm khoảng 60% thì đến năm 2010 chỉ còn 20%. Đó là những con số mà chúng ta có thể yên tâm.

Tuy nhiên, Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận những yếu kém, tồn tại mà hệ thống DNNN đang gặp phải và chính điều này đã gây ra hệ lụy không nhỏ cho nền kinh tế, làm giảm uy tín của hệ thống DNNN trong thời gian qua.

Tuy báo cáo của Chính phủ không chỉ rõ mặt, gọi rõ tên nhưng câu chuyện của Vinashin rõ ràng vẫn luẩn quẩn xung quanh khi nhắc đến những tồn tại của hệ thống này. Chính phủ cũng đã đưa ra nguyên nhân của những tồn tại này, trong đó có việc chưa có chế tài xử lý đối với những trường hợp không hoàn thành kế hoạch đề ra; các quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước được phân công, phân cấp chưa đủ rõ; chức năng quản lý hành chính nhà nước, chức năng quản lý của chủ sở hữu nhà nước đối với các DNNN còn lẫn lộn. Đặc biệt, công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả quản lý, điều hành của cán bộ quản lý doanh nghiệp còn yếu kém; chế tài xử lý đối với cán bộ quản lý DNNN có sai phạm chưa cụ thể và chưa đủ nghiêm...

Nói gì thì nói, việc một số tập đoàn, tổng công ty trong các năm 2007, 2008 thành lập các công ty con và đầu tư vào những lĩnh vực ngoài nhiệm vụ chính được giao nhưng kiểm soát thiếu chặt chẽ làm phân tán nguồn lực, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp là một thực tế đau đớn đã được cả xã hội nhìn thấy. Hơn nữa, hiệu quả hoạt động của DNNN chưa tương xứng với nguồn lực được phân bổ; trình độ công nghệ của đa số DNNN vẫn ở mức thấp... cũng là điều không thể né tránh.

Việc tái cơ cấu DNNN mà trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước được đặt ra cấp bách nhưng cũng đòi hỏi phải hết sức thận trọng để đạt hiệu quả cao nhất. Thời gian từ nay đến năm 2015 để phân loại và thực hiện cơ cấu lại 1.309 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước hiện có không phải là ít nhưng nếu làm không quyết liệt sẽ dễ nảy sinh bất cập, dẫn đến thiếu thời gian, làm chậm tiến trình tái cơ cấu DNNN.

Động thái mới đây của Thủ tướng khi yêu cầu Bộ Tài chính phải công khai minh bạch tình hình tài chính và hoạt động của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước được dư luận rất ủng hộ. Chỉ khi tăng cường sự giám sát, đặt DNNN vào môi trường cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác thì tiến trình tái cơ cấu này mới có hiệu quả thực sự.

Lâm Nguyên

Tin cùng chuyên mục