Bộ trưởng T. có bao nhiêu nhà đất, cục trưởng H. có bao nhiêu tiền gửi ngân hàng, hay chủ tịch UBND TP Đ. sở hữu mấy ô tô riêng...? Chắc chắn, những câu hỏi về số tài sản của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đang là mối quan tâm không nhỏ của người dân. Tuy nhiên, khó ai có thể biết được chính xác tài sản cũng như nguồn gốc của số tài sản đó, dù hàng năm cán bộ đều có kê khai tài sản. Các quy định pháp luật của Việt Nam yêu cầu 8 nhóm đối tượng phải kê khai tài sản, trong đó có công chức, nhất là công chức giữ vai trò lãnh đạo, quản lý. Tuy nhiên, việc này chưa đạt được mục đích và sự kỳ vọng của xã hội, thậm chí chỉ mang tính hình thức và đối phó.
Trong tuần qua, tại phiên họp của Ủy ban Tư pháp, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ cho biết, trong năm 2017 đã có trên 1,1 triệu người kê khai tài sản, thu nhập, đạt tỷ lệ 99,8% so với số người phải kê khai. Tuy nhiên chỉ có 78 người được xác minh tài sản, thu nhập và qua việc xác minh tài sản, thu nhập của cơ quan có thẩm quyền, phát hiện và xử lý... 6 trường hợp vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập (tăng hơn 1 trường hợp so với năm trước). Con số này khiến dư luận không khỏi băn khoăn về tính trung thực, minh bạch của những bản kê khai này.
Trong khi đó, việc kê khai tài sản, thu nhập, cũng như công khai minh bạch tài sản của người giữ chức vụ trong các cơ quan nhà nước được xác định là một trong những giải pháp, công cụ quan trọng trong phòng ngừa tham nhũng. Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm ở đây là, việc xử lý hình sự các đối tượng tham nhũng, lãng phí nhiều nhưng việc thu hồi tài sản, tiền của nhà nước bị tham nhũng, trục lợi lại rất ít ỏi, chưa đạt yêu cầu đề ra.
Đánh giá của Thanh tra Chính phủ cho thấy, những năm qua, cơ quan chức năng chỉ thu hồi được khoảng 8% số tiền và 54% về đất trong những vụ tham nhũng. Đây là con số vô cùng khiêm tốn trước hàng trăm ngàn tỷ đồng của nhà nước, nhân dân bị tham nhũng, lãng phí. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này được nhận định là do các quy định về công khai, minh bạch tài sản còn thiếu bao quát, chưa giúp kiểm soát biến động về thu nhập, còn vướng mắc về trình tự, thủ tục công khai bản kê khai, giải trình, xác minh tài sản, thu nhập khi có yêu cầu. Hơn nữa, trong các quy định của pháp luật mới chỉ nhấn mạnh đến việc phải xác minh tài sản, thu nhập trong các trường hợp “có vấn đề” theo quy định nên các bản kê khai hầu như không có xác minh, đánh giá, kết luận, vì thế, đã làm giảm đi hiệu quả của việc giám sát, dẫn đến khó khăn trong việc so sánh, đánh giá đúng, chính xác những tài sản mà người có nghĩa vụ kê khai đang sở hữu. Cùng với đó, ý thức chấp hành về kê khai tài sản, thu nhập trong một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa cao, chủ yếu vẫn dựa trên tinh thần tự giác nên không ít người đã tìm kẽ hở của pháp luật đối phó hoặc khai báo không trung thực.
Trước những bất cập liên quan tới công tác kê khai tài sản, thu nhập, Quốc hội và các bộ, ngành chức năng đã có nhiều ý kiến đóng góp vào dự thảo sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng về những vấn đề: nên mở rộng, hay thu hẹp diện đối tượng có nghĩa vụ phải kê khai tài sản, thu nhập; cơ quan kiểm soát thu nhập tài sản và việc xử lý tài sản, thu nhập kê khai vi phạm... Rõ ràng, việc kê khai tài sản, thu nhập là vấn đề nhạy cảm nhưng cần phải được thực thi triệt để, nghiêm túc để công tác phòng ngừa tham nhũng đạt hiệu quả thực sự. Đi cùng với đó là chế tài ràng buộc trách nhiệm đối với người đứng đầu, nếu việc kê khai tài sản, thu nhập mang tính hình thức, đối phó. Đồng thời kiên quyết thực hiện xử lý tài sản, thu nhập được kê khai không trung thực, tài sản bất minh khi bị phát hiện, không chỉ bằng hình thức tịch thu mà cần phải xử lý cả trách nhiệm hình sự.
Để nâng cao hiệu quả của việc kê khai tài sản nên tập trung quản lý và giám sát đối với đội ngũ cán bộ từ cấp vụ trưởng, cục trưởng trở lên, không nên dàn trải nhiều đối tượng. Quan trọng hơn, cùng với quy định yêu cầu việc kê khai phải triệt để, trung thực thì cần phải công khai các bản kê khai tài sản, thu nhập của những người trong diện phải kê khai để người dân giám sát. Bởi lẽ chỉ có minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, lãnh đạo trước công chúng và để nhân dân giám sát thì công cuộc chống tham nhũng, lãng phí mới thực sự đạt được hiệu quả mong muốn.