Minh bạch tài sản

Ngày mai (30-9), Nghị định 68/CP của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức có hiệu lực thi hành. Đây được coi là bước tiến mới trong hoạt động giám sát, một khâu đột phá trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng. Do vậy, dư luận đang đặc biệt quan tâm, theo dõi quá trình thực thi nghị định này trong thời gian tới.

Theo quy định cũ, những bản kê khai tài sản, thu nhập (gọi tắt là tài sản) của cán bộ, công chức (CB-CC) chỉ được lưu giữ trong hồ sơ CB-CC và được coi là thông tin bí mật cá nhân, không được phổ biến rộng rãi. Thành ra, trước khi Nghị định 68/CP ra đời, dư luận chung cho rằng, kê khai tài sản mà không công khai thì chẳng có giá trị gì! Nay theo Nghị định 68/CP, căn cứ vào đặc điểm, tình hình của từng đơn vị, người có thẩm quyền quản lý CB-CC quyết định công khai bằng hình thức công bố tại cuộc họp hoặc niêm yết bản kê khai tại trụ sở làm việc của đơn vị. Đối với đại biểu nhân dân thì công khai với cử tri. Thời điểm công khai được thực hiện từ ngày 31-12-2011 đến ngày 31-3-2012 nhưng phải đảm bảo thời gian công khai tối thiểu là 30 ngày.

Việc giám sát biến động tài sản có thể biết được thực chất người cán bộ trong bộ máy công quyền, do vậy, công khai minh bạch tài sản không chỉ tạo điều kiện để người dân giám sát sự “giàu lên bất thường” của cán bộ đảng viên (nếu có), nhất là người giữ chức vụ quyền hạn mà còn giúp bản thân CB-CC “tự bảo mình”, biết dừng lại đúng lúc.

Người dân hoan nghênh Nghị định 68/CP đưa ra các hình thức xử lý việc kê khai tài sản không trung thực là khá nghiêm khắc (khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức). Nhưng vấn đề là quyết tâm đến đâu, liệu có tình trạng “nhẹ trên, nặng dưới” hay không, bởi dường như trong cơ chế hiện hành đang tồn tại một nghịch lý: địa vị quyền lực lớn lại chịu sự giám sát nhỏ! Đảng và Nhà nước đã giao trọng trách cho UBMTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên tiếp nhận các ý kiến phản ánh của nhân dân, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý hành vi kê khai tài sản, thu nhập không trung thực. Nếu phát hiện có dấu hiệu bất minh về tài sản thì UBMTTQ Việt Nam kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Trong thời hạn 15 ngày, cơ quan có trách nhiệm xem xét, giải quyết và thông báo kết quả giải quyết cho UBMTTQ Việt Nam. Tuy nhiên nghị định này vẫn còn bỏ ngỏ một số điểm: tại sao không công khai tài sản của vợ, con CB-CC, nhất là đối với những cán bộ giữ các vị trí quan trọng? Xử lý tài sản kê khai gian dối thế nào? Người dân ở nơi cư trú có quyền giám sát tài sản của cán bộ đương chức đang làm việc ở các cơ quan Nhà nước không?...

Minh bạch tài sản CB-CC là một kênh quan trọng để giám sát quyền lực; càng công khai, minh bạch tài sản thì càng giảm thiểu người nắm quyền lực tự do lạm dụng quyền lực. Minh bạch tài sản thể hiện nếp sống của một xã hội văn minh nhưng vì đụng chạm tới thói quen, nếp nghĩ cũ nên cần có sự ủng hộ, vào cuộc của hệ thống chính trị, đặc biệt là của các tầng lớp nhân dân thì việc giám sát tài sản CB-CC - giám sát quyền lực mới đem lại hiệu quả thiết thực.

Tuấn Sơn

Tin cùng chuyên mục