Minh bạch thông tin chống tham nhũng

Tuần qua, dư luận rất quan tâm đến thông tin trên báo chí về tình trạng “cò viên chức giáo dục lộng hành ở thủ đô”. Bài viết đã cung cấp một số chứng cứ về việc có đối tượng tham gia “chạy” viên chức mầm non trên địa bàn huyện Sóc Sơn với số tiền chạy từ 150 - 250 triệu đồng/vụ. Trước thông tin này, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã triệu tập cuộc họp với sự tham dự của toàn bộ các sở, ngành liên quan yêu cầu các ngành phải vào cuộc ngay để làm rõ sự việc mà báo chí nêu là có hay không, mức độ như thế nào, sự việc có đến đâu xử lý đến đấy để trả lời người dân.

Trước đó, dư luận cũng xôn xao trước thông tin, tập thể 214 giáo viên của hai đơn vị thị xã Kỳ Anh và huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đã viết “Đơn kêu cứu” gửi tới Bộ Nội vụ, Bộ GD-ĐT về việc sẽ bị chấm dứt hợp đồng lao động vào ngày 30-9 tới. Điều đáng nói là, nhiều người trong số 214 giáo viên dạy hợp đồng đó đã tiết lộ, để có được một suất vào dạy hợp đồng tại các trường trên địa bàn Kỳ Anh, rất nhiều giáo viên đã phải bỏ ra một khoản tiền rất lớn. Người ít thì cũng 40 - 50 triệu đồng, nhiều thì 80 - 100 triệu đồng...

Cũng với những thông tin trên báo chí, dư luận cũng xôn xao trước việc ông Lê Thanh Liêm, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Long An, trả lại 400 triệu đồng tiền hỗ trợ của một doanh nghiệp. Theo đó, sau khi trúng thầu dự án san lấp Bệnh viện Đa khoa khu vực Mộc Hóa (thị xã Kiến Tường), cuối năm 2014, đại diện cho đơn vị trúng thầu đã đến nhà riêng Giám đốc Sở Y tế tỉnh Long An đưa 400 triệu đồng, nói là tiền… hỗ trợ cho Sở Y tế. Việc “hỗ trợ” xảy ra từ cuối năm 2014 nhưng đến tháng 9-2015, ông Liêm mới thông báo tại một cuộc họp giao ban của Sở Y tế.

Đó chỉ là 3 trong những thông tin liên quan đến lĩnh vực hết sức nhạy cảm là tham nhũng, tiêu cực mà người dân quan tâm gần đây. Trong số những thông tin hàng ngày tràn ngập trên mặt báo, những thông tin về tiêu cực, lãng phí, tham nhũng vẫn xuất hiện đều đặn, chúng như những chiếc gai nhọn cứ làm người dân thấy nhức nhói, đau lòng. Đơn cử, không phải đến bây giờ dư luận mới biết những thông tin dạng “cò viên chức giáo dục”, mà từ lâu, người dân đã nói rất nhiều về nỗi nhức nhối của vấn nạn “chạy việc”. Không chỉ trong ngành giáo dục, mà bất cứ ngành nào, người dân cũng có thể lấy những câu chuyện “chạy việc” làm quà. Người dân nói tham nhũng, hối lộ tràn lan, trong tất cả mọi ngóc ngách đời sống, tuy bức xúc nhưng đành “ngậm đắng, nuốt cay”, vì bằng chứng đâu mà tố giác, hoặc tố giác có khi phải chịu hậu quả.

Trong báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng năm 2015 vừa trình Ủy ban Tư pháp thẩm tra cũng đã thẳng thắn chỉ ra tình trạng tham nhũng vẫn nghiêm trọng, nhất là tình trạng nhũng nhiễu trong khu vực công còn phổ biến, diễn ra ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực. Tham nhũng biểu hiện qua nạn hối lộ, lót tay, chạy chọt để được việc khi giao dịch với các cơ quan công quyền, nhất là trong các ngành, lĩnh vực thường xuyên tiếp xúc, giải quyết công việc liên quan tới người dân, doanh nghiệp. Thậm chí, Thanh tra Chính phủ cảnh báo, tham nhũng ngày càng tinh vi, khó phát hiện do các đối tượng tham nhũng thường có chức vụ, quyền hạn, có trình độ hiểu biết pháp luật, quan hệ rộng, liên kết với nhau thành các nhóm lợi ích.

Từ lâu, tham nhũng đã trở thành một trong những vấn đề bức xúc nhất của xã hội, là nguy cơ gây mất ổn định chính trị, xã hội, làm giảm sút niềm tin của nhân dân. Đảng, Nhà nước cũng đã thể hiện rất rõ quyết tâm chính trị để ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng. Nhiều vụ việc tham nhũng lớn đã được đưa ra ánh sáng. Hệ thống chính sách phòng chống tham nhũng ngày càng hoàn thiện. Trong 5 năm qua, theo Thanh tra Chính phủ, công tác phát hiện và xử lý tham nhũng chuyển biến tích cực: qua thanh tra đã phát hiện 441 vụ (tăng 212 vụ so với nhiệm kỳ trước), 692 người có dấu hiệu tham nhũng với 769 tỷ đồng, 10ha đất; kiến nghị thu hồi 745 tỷ đồng (tăng 637 tỷ đồng so với nhiệm kỳ trước); kiến nghị xử lý hành chính 23 tập thể, 596 cá nhân, xử lý trách nhiệm 157 người đứng đầu; chuyển cơ quan điều tra 162 vụ, 272 đối tượng...

Có thể thấy, quyết tâm và giải pháp phòng chống tham nhũng là rõ ràng, đầy đủ, vấn đề là khi thực thi, các giải pháp đó được triển khai đến đâu. Trong khi đó, theo nhận định của Thanh tra Chính phủ, việc thực hiện các giải pháp phòng chống tham nhũng tại nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hình thức, hiệu quả thấp. Biểu hiện là các đơn vị tự phát hiện tham nhũng rất ít. Kỷ cương, kỷ luật trên nhiều ngành, lĩnh vực còn buông lỏng; nguy cơ phát sinh tham nhũng trong quá trình triển khai thực hiện một số chủ trương, chính sách lớn như đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước... vẫn rất lớn. Điều đó đòi hỏi các cơ quan bảo vệ pháp luật phải tiếp tục “mạnh tay” trong việc tấn công nạn tham nhũng. Không chỉ là các giải pháp phòng ngừa, các giải pháp nhằm trấn áp, triệt tiêu động cơ tham nhũng cần được đẩy mạnh quyết liệt hơn.

Năm 2016, chúng ta sẽ tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng để làm cơ sở sửa đổi toàn diện luật này, bao gồm cả kiện toàn tổ chức, bộ máy chuyên trách phòng chống tham nhũng, bổ sung quy định thu hồi tài sản tham nhũng. Như vậy, thêm một lần nữa sẽ triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm tham nhũng. Người dân đang rất kỳ vọng vào những giải pháp phòng chống tham nhũng mà Nhà nước sẽ tiếp tục triển khai trong thời gian tới. Một trong những giải pháp đó là người dân được tiếp cận thông tin về phòng chống tham nhũng. Bởi nếu người dân không tiếp cận được thông tin sẽ không tạo được áp lực để chống tham nhũng.

LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục