Kể từ hôm nay 5-11, Nghị định 81/2015 của Chính phủ về công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) có hiệu lực. Đây là văn bản hướng dẫn việc thực hiện Luật Quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp đã được Quốc hội thông qua cuối năm ngoái.
Có thể thấy cơ quan soạn thảo hướng dẫn đã phải mất nhiều tháng trời để cân nhắc khá kỹ những giải pháp nhằm đảm bảo tính khả thi và hiệu lực của nghị định. Bởi lẽ đây không phải lần đầu tiên yêu cầu công khai thông tin được đặt ra đối với khu vực doanh nghiệp đang nắm giữ khối tài sản lên tới 2,8 triệu tỷ đồng, tương đương 80% GDP (tính tại thời điểm cuối tháng 5-2015).
Hơn một năm trước, Quyết định số 36/2014/QĐ-TTg về quy chế công bố thông tin của công ty TNHH một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu cũng đã quy định rõ việc các công ty TNHH một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu phải công bố công khai một số thông tin liên quan đến hoạt động như: báo cáo tình hình hoạt động hàng năm; báo cáo tài chính; chiến lược, kế hoạch phát triển DN; kế hoạch sản xuất, đầu tư hàng năm; kết quả sắp xếp, đổi mới DN; báo cáo thực trạng quản trị; tiền lương, tiền thưởng của DN… Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc thực thi Quyết định 36 còn nhiều hạn chế.
Tính đến thời điểm tháng 5-2015, tức là gần 1 năm sau khi Quyết định 36 được ban hành, tỷ lệ DNNN thực hiện công bố thông tin còn rất thấp, nội dung thông tin công bố sơ sài, chưa đầy đủ; quy trình công bố thông tin cũng chưa được đảm bảo theo quy định. Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc Quyết định 36 chưa được tuân thủ nghiêm túc là do quyết định này chưa có các hướng dẫn, biểu mẫu cụ thể về nội dung các thông tin cần công bố cũng như quy trình, trình tự thủ tục công bố thông tin của DN và các bên liên quan. Bên cạnh đó, việc chế tài xử phạt vi phạm về công bố thông tin chưa đủ sức răn đe…
Trả lời câu hỏi của phóng viên, lãnh đạo một DNNN là ĐBQH khóa XIII nói, ông không e ngại công bố thông tin của doanh nghiệp, “thậm chí còn thấy mừng” với những quy định mới của Nghị định 81. Trên thực tế, những DNNN đa sở hữu (đã cổ phần hóa) đã phải thực hiện các quy định về cáo bạch theo Luật Chứng khoán. Vị ĐBQH này chia sẻ: “Giờ đây, khi sẽ có thêm nhiều DNNN thực hiện công khai thông tin, người dân sẽ có cơ hội hiểu thêm về hoạt động của DNNN, trách nhiệm xã hội của DNNN. Không chỉ cần kinh doanh đúng pháp luật, nộp đủ thuế, DNNN còn phải thực hiện một số trách nhiệm xã hội khác mà có thể xã hội chưa biết đến hoặc biết không đầy đủ nên còn băn khoăn”.
Công bằng mà nói, không phải lãnh đạo DNNN nào cũng suy nghĩ thoáng như vậy. Thực tế là đến thời điểm hiện tại, vẫn còn một tỷ lệ không nhỏ DNNN thiếu minh bạch. Một khảo sát về quản trị DNNN do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tiến hành mới đây với 400 DNNN (bao gồm cả doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và DNNN đa sở hữu) cho thấy, chỉ có khoảng 28% các giao dịch kinh doanh của DN 100% vốn nhà nước được công khai. Có khoảng 27% giao dịch mua bán cổ phần của DN hoặc DN khác trong tập đoàn từ phía hội đồng quản trị/hội đồng thành viên, chủ tịch hội đồng quản trị và ban giám đốc được công khai. Cũng theo kết quả cuộc khảo sát, có tới hơn 80% DNNN không gửi báo cáo tài chính hàng năm cho cơ quan đăng ký kinh doanh. Số DNNN không thực hiện yêu cầu gửi báo cáo này cho cơ quan tài chính cũng lên tới khoảng 40%. Ngay chính “ông chủ” nhà nước cũng chỉ “được” vỏn vẹn 51% DN do mình sở hữu gửi báo cáo tài chính giữa niên độ đầy đủ!
Tới đây, với việc chuẩn hóa các mẫu biểu và nội dung thông tin cần công bố công khai của DNNN; đồng thời xác lập quy trình; làm rõ quyền và trách nhiệm của DN, hội đồng quản trị/hội đồng thành viên, chủ tịch công ty, cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc thực hiện công bố công khai các thông tin về hoạt động của DN; giám sát việc công bố thông tin…, Nghị định 81 được kỳ vọng thúc đẩy việc thiết lập kỷ luật thị trường, tăng cường giám sát và nâng cao tính minh bạch của khu vực DNNN. Từ góc độ thị trường tài chính, giới chuyên gia nhận định, công khai thông tin là yêu cầu hàng đầu nếu các DNNN muốn bán được cổ phần. Tất nhiên, đây phải là những thông tin đảm bảo độ chính xác, đã qua kiểm toán.
Chưa thể nói rằng việc DNNN thực hiện nghiêm túc việc công khai thông tin sẽ tạo cú hích cho thị trường tài chính, nhưng tác động tích cực là chắc chắn. Có thể xem đây là một bước tiến quan trọng đến mục tiêu xây dựng môi trường đầu tư minh bạch hơn và có thể dự báo được. Nhà đầu tư sẽ yên tâm hơn khi ra quyết định đầu tư và kiểm soát được dòng tiền, khả năng sinh lời… Và một khi nhà đầu tư có niềm tin, thị trường sôi động hơn, giá vốn có khả năng giảm xuống. Ngay cả khi chưa phải là nhà đầu tư, thì công chúng nói chung cũng có thêm cơ sở để tin tưởng vào quyết tâm minh bạch hóa của Chính phủ trong việc quản lý và sử dụng vốn, cũng như trong việc tạo ra một sân chơi bình đẳng cho tất cả các loại hình doanh nghiệp; dần dần xóa bỏ tâm lý “con đẻ, con nuôi”...
ANH THƯ