Sau nhiều lần “lỗi hẹn”, dự án Luật Đầu tư công vừa được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần đầu vào hôm qua 23-9. Theo đó, đạo luật này sẽ tập trung quy định toàn bộ quá trình quản lý và sử dụng các nguồn vốn đầu tư công từ ngân sách nhà nước (NSNN), công trái quốc gia, trái phiếu Chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương, nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA)... Riêng nguồn vốn đầu tư từ khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) không đưa vào phạm vi điều chỉnh của luật, dự kiến sẽ được quy định tại “Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh” do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo.
Cùng ngày, một cuộc hội thảo khoa học quốc tế nhằm đánh giá “Nửa chặng đường phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2015” cũng được Ban Kinh tế Trung ương Đảng phối hợp với các cơ quan khác tổ chức tại Hà Nội, mà một trong những lĩnh vực quan trọng được đánh giá chính là hoạt động đầu tư công. Không phải ngẫu nhiên mà tại hội thảo này, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan và nhiều chuyên gia khác bày tỏ băn khoăn về việc rất nhiều số liệu để đánh giá không đủ độ chính xác, không “bóc tách” từng mảng công việc cần thiết để có đối sách phù hợp.
Những số liệu về đầu tư công từ trước đến nay cũng không ngoại lệ và vì thế vẫn “mờ nhòe”, khiến người ta không có được cái nhìn tường tận về tính hiệu quả của hoạt động đầu tư công. Việc định nghĩa lại đầu tư công như dự thảo vừa trình thật sự là một bước đi quan trọng để các chính sách cho lĩnh vực này “nhắm trúng đích” hơn.
Nhưng cho dù bóc tách mảng DNNN ra hay chưa thì yêu cầu tiếp tục giảm tỷ trọng vốn đầu tư công vẫn phải đặt ra, bởi lẽ từ 2011 đến 2013, tỷ trọng vốn đầu tư công vẫn chiếm tới 41%-42% tổng đầu tư xã hội. Bên cạnh đó là yêu cầu nâng cao hiệu quả đầu tư công, khi mà nhiều năm qua, tình trạng dàn trải, lãng phí trong lĩnh vực này vẫn được coi là điểm yếu cốt tử trong công tác quản lý, điều hành.
Để đạt được 2 yêu cầu đó, tái cơ cấu đầu tư công như một bộ phận không thể tách rời của tái cơ cấu nền kinh tế là nhiệm vụ tất yếu. Không giống như mọi người thường hiểu đơn giản rằng “tái cơ cấu đầu tư công” đồng nghĩa với việc cắt giảm các dự án dàn trải hoặc rà soát để cắt giảm vốn đầu tư, quá trình tái cơ cấu đầu tư công trước hết đòi hỏi phải xác định được đối tượng cần ưu tiên. Với ý nghĩa “công cụ kích thích phát triển những lĩnh vực then chốt có tác dụng thúc đẩy kinh tế phát triển mà khu vực tư nhân chưa thể hoặc không muốn đầu tư” thì nguồn đầu tư công rõ ràng cần hướng vào việc xây dựng kết cấu hạ tầng để kết nối vùng động lực với vùng không động lực; tháo gỡ thế “bế quan tỏa cảng” cho các vùng không động lực. Đồng thời, cần tăng cường đầu tư cho các lĩnh vực phúc lợi xã hội, phát triển chức năng cung ứng dịch vụ công và dần dần rút khỏi các lĩnh vực kinh doanh.
Trong số nhiều giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả vốn đầu tư công, đáng lưu ý là khuyến nghị của nhiều chuyên gia về việc gắn kết đầu tư nhà nước và đầu tư tư nhân bằng mô hình hợp tác công - tư (PPP). Mặc dù Quyết định số 71/TTg năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra cơ chế thí điểm đầu tư theo hình thức này, nhưng trên thực tế vẫn còn rất nhiều nút thắt cần tháo gỡ mới có thể vận hành PPP trôi chảy. Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cơ quan được giao trách nhiệm dự thảo nghị định hướng dẫn về vấn đề này nhận định, với sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân “đồng tiền liền khúc ruột” thì hiệu quả của các dự án đầu tư sẽ được tính toán rất kỹ lưỡng, đồng thời quá trình kiểm tra, giám sát dự án cũng sẽ được thực hiện sát sao, chặt chẽ hơn rất nhiều; giảm thiểu thất thoát, lãng phí.
Muốn vậy, yêu cầu đầu tiên là minh bạch và ổn định chính sách để giảm chi phí giao dịch và khuyến khích các nhà đầu tư yên tâm dốc vốn. Bên cạnh đó, cần đa dạng hóa các hình thức PPP để hấp dẫn các nhà đầu tư tư nhân. Cần cho phép nhà đầu tư lựa chọn nhiều mô hình: cũng có thể chỉ đóng góp kinh nghiệm, khả năng điều hành, quản lý, song nên ưu tiên các mô hình tư nhân tham gia tài trợ dự án như BOT (xây dựng - chuyển giao - vận hành), BOO (xây dựng - sở hữu - vận hành), BTL (xây dựng - chuyển giao - cho thuê). Các nhà đầu tư nước ngoài mạnh về tiềm lực tài chính có thể làm một mình, song các nhà đầu tư trong nước có thể kết hợp nhiều công ty theo hình thức cổ phần nhằm khắc phục các hạn chế về quy mô, năng lực tài chính, giảm thiểu rủi ro đầu tư.
ANH THƯ